.
Bố Trạch:

Tiềm năng từ cây dược liệu

.
08:47, Thứ Sáu, 13/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm gần đây, các mô trình trồng cây dược liệu ở một số địa phương trong tỉnh đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét, khẳng định tính bền vững, thân thiện với môi trường cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện Bố Trạch là một trong những địa phương tiên phong đưa cây dược liệu vào danh mục ưu tiên phát triển.

Khởi đầu từ mô hình "Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán rừng cao su" trên diện tích 1 ha do Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ kinh phí, anh Võ Văn Hùng (xã Hoà Trạch) đã dần mở rộng diện tích và trồng thêm một số cây dược liệu có giá trị khác ,như: cà gai leo, kim tiền thảo… Trong 2 năm triển khai, anh Hùng nhân rộng diện tích lên 2 ha, mỗi năm cho thu hoạch từ 2 đến 3 vụ, thu nhập cao hơn  trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Đặc biệt, các loại cây dược liệu có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như thời tiết khắc nghiệt ở vùng gò đồi. Đặc biệt, cây dược liệu không những trồng xen với cao su mà còn với những cây trồng lâu năm khác. Theo tính toán của anh Võ Văn Hùng, cây dược liệu cho thu nhập bình quân 250 triệu đồng/ha/năm, trừ mọi chi phí, anh thu lãi trên 70 triệu đồng/ha/năm.

Anh Hùng cho biết: “Các loại cây dược liệu rất phù hợp với chất đất nơi đây, việc trồng và chăm sóc đơn giản, cây sinh trưởng phát triển nhanh. Điều mà chúng tôi quan tâm hơn cả là đầu ra cho sản phẩm luôn bảo đảm ổn định. Có những đợt thu hoạch, số lượng sản xuất ra không đủ để nhập cho các thương lái...".

Với hiệu quả mà cây dược liệu mang lại, cùng thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, đến nay, anh Hùng đã nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu trên diện tích gần 5 ha, gồm: cà gai leo, kim tiền thảo và ba kích. Khi trồng xen với cao su hoặc các cây dài ngày khác, người nông dân có cả nguồn thu trước mắt cũng như lâu dài.

Mô hình trồng cây dược liệu của anh Võ Văn Hùng, ở xã Hoà Trạch cho thu nhập ổn định.
Mô hình trồng cây dược liệu của anh Võ Văn Hùng, ở xã Hoà Trạch cho thu nhập ổn định.

Hiện nay, huyện Bố Trạch có diện tích trồng cây cao su khá lớn, người dân thường trồng xen một số cây truyền thống, như: sắn, dưa hấu, ớt…, để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, đối với những cây trồng này, thị trường tiêu thụ thường không ổn định nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu, trồng thử nghiệm các loài mới thay thế cho cây trồng truyền thống là rất cần thiết. Toàn huyện Bố Trạch hiện có trên 72 ha cây dược liệu; trong đó có 60 ha nghệ, 12 ha trồng các cây dược liệu khác, như: đinh lăng, cà gai leo, kim tiền thảo..., tập trung chủ yếu ở xã Hoà Trạch, Cự Nẫm, Sơn Lộc và Trung Trạch.

Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình và Công ty Sơn Trung Du đang triển khai xây dựng cơ sở chế biến dược liệu tại chỗ để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, đồng thời liên kết sản xuất theo chuỗi với các hợp tác xã và hộ dân trên địa bàn, bảo đảm tiêu thụ hết đầu ra cho nông dân.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Bố Trạch cho biết: "Dược liệu là cây trồng phù hợp với vùng đất gò đồi, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ thị trường tiêu thụ hiện nay khá rộng mở. Kết quả thực tế những mô hình trồng dược liệu ban đầu đã mở ra tiềm năng, cơ hội cho người nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu khi nhân rộng, phát triển trên vùng đất vốn nghèo kiệt".

Với tầm nhìn chiến lược lâu dài, cùng những tiềm năng, lợi thế mà cây dược liệu mang lại, UBND huyện Bố Trạch đã ban hành Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi giai đoạn 2016-2020, trong đó, đưa cây dược liệu vào danh mục những cây trồng ưu tiên phát triển và có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Huyện chú trọng tập trung chuyển đổi một số giống cây sang trồng cây dược liệu trên các diện tích đất rừng nghèo kiệt, đất hoang hoá và trồng xen dưới tán cao su tại các vùng gò đồi và miền núi rẻo cao. Từ đó, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu từ 50 đến 100 ha.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển cho biết thêm, ngoài chính sách của tỉnh, huyện cũng có sự hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với những hộ dân mở rộng diện tích trồng dược liệu theo chuỗi liên kết; đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tham gia mô hình. Hiện nay, một số bà con trên địa bàn đã chủ động triển khai nhân rộng. Mặc dù diện tích tăng lên chưa nhiều, nhưng đây được xem là một tín hiệu tích cực, hy vọng về sự đổi thay cho bà con trên vùng đồi Bố Trạch.

Trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá tiềm năng đất đai, những diễn biến bất thường của thời tiết và qua quá trình trồng khảo nghiệm, chính quyền địa phương huyện Bố Trạch tiếp tục làm cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp trong vấn đề đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, hỗ trợ đầu ra, tiến tới xây dựng vùng sản xuất dược liệu hàng hóa. Qua đó, huyện nỗ lực đa dạng cơ cấu cây trồng, tạo tiền đề cho một ngành “kinh tế xanh” phát triển, giúp người dân có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Hương Trà


                                               


 

,