.

Xây dựng thương hiệu nông sản từ góc nhìn nhà nông - Kỳ 2: Để thương hiệu "chắp cánh" nông sản

.
08:53, Thứ Sáu, 23/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh ta đã có những bước đột phá mạnh mẽ, điển hình là một số nông sản đã khẳng định được thương hiệu và bắt đầu vươn đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Những thành công này chính là minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản trong giai đoạn hiện nay, đồng thời sẽ tạo động lực, mang lại nguồn kinh nghiệm quý cho các nông sản tiếp theo của Quảng Bình trên hành trình định danh tên tuổi.

>> Kỳ 1: Gian nan hành trình định danh nông sản

Hành trình xây dựng thương hiệu nấm sạch Tuấn Linh bắt đầu từ năm 2016. Trải qua nhiều khó khăn, sau gần 3 năm, nấm sạch Tuấn Linh đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Vậy bí quyết nào để trong một thời gian ngắn từ quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, thương hiệu đã khẳng định được vị thế?

Sau nhiều nỗ lực, nấm sạch Tuấn Linh đang đứng trước cơ hội “vàng”  để có mặt tại thị trường nước ngoài.
Sau nhiều nỗ lực, nấm sạch Tuấn Linh đang đứng trước cơ hội “vàng” để có mặt tại thị trường nước ngoài.

Lý giải cho sự “thần tốc” này, bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh khẳng định, tất cả đều bắt nguồn từ chính chất lượng của sản phẩm. Bởi, chỉ khi nào có được sản phẩm an toàn, chất lượng và bảo đảm theo đúng mọi quy trình sản xuất khắt khe thì mới tính đến xây dựng thương hiệu và những bước tiến xa hơn.

Từ phương châm đó, ngay sau khi thành lập tại xã Sơn Lộc, Bố Trạch, định hướng phát triển của HTX là luôn trau dồi kiến thức, cập nhật và học hỏi công nghệ mới, sản phẩm mới, sử dụng các công nghệ tiên tiến vào việc trồng và phát triển cây nấm. HTX nỗ lực xây dựng chuỗi sản xuất sạch từ khâu giống, nguyên vật liệu cho đến khâu quản lý, kiểm tra, giám sát và cho ra thành phẩm.

Tiếp đó, các bước xây dựng thương hiệu được HTX tiến hành với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành liên quan từ khâu thiết kế nhận diện thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng cho đến mở rộng thị trường, tìm nguồn tiêu thụ.

Đáng chú ý, HTX rất chú trọng khâu đóng gói và bao bì cho sản phẩm với nỗ lực luôn phải bảo đảm tính hiện đại, có điểm nhấn hấp dẫn người tiêu dùng, phù hợp với mỗi loại sản phẩm nấm riêng. Vì lẽ đó, dù là nấm dược liệu hay nấm ăn thông thường, sản phẩm đều đến tay khách hàng với bao bì đẹp, ấn tượng và dễ sử dụng bảo quản nhất.

..." Bởi, chỉ khi nào có được sản phẩm an toàn, chất lượng và bảo đảm theo đúng mọi quy trình sản xuất khắt khe thì mới tính đến xây dựng thương hiệu và những bước tiến xa hơn".

Bà Ngô Thị Kim Liên hào hứng chia sẻ, khâu quảng bá thương hiệu được HTX triển khai tích cực và thường xuyên thông qua mạng xã hội, Internet, các buổi xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm...

Nhờ đó, thương hiệu nấm sạch Tuấn Linh được biết đến nhiều hơn và dần tìm được chỗ đứng. Hiện tại, HTX đang làm việc với các đối tác từ nước Nga để mở rộng thị trường, đồng thời xúc tiến để dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để thuận tiện hơn cho người tiêu dùng trong tìm hiểu về nấm sạch Tuấn Linh.

Sắp tới trên lộ trình xây dựng thương hiệu nấm sạch Tuấn Linh, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn thử nghiệm một số sản phẩm mới phù hợp; tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ lao động và mở rộng thị trường xuất khẩu đi các nước, góp phần đưa thương hiệu sản phẩm vươn xa hơn.

Trong bối cảnh thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhiều thương hiệu tưởng như đã mất đi cũng đang manh nha tìm lại “ánh hào quang”. Rau Đồng Trạch, Bố Trạch là một điển hình như thế. Năm 2011, mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP tưởng chừng sẽ mang đến cơ hội mới để rau Đồng Trạch có cơ hội khẳng định thương hiệu và bước chân vào các thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Thế nhưng, sau khi mô hình kết thúc, người nông dân quay trở lại với tập quán canh tác cũ, những khái niệm, như: theo đúng quy trình, đăng ký nhãn hiệu, bước chân vào siêu thị..., lại càng trở nên xa vời. Ông Dương Văn Chiệc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trạch lý giải nhiều nguyên nhân, nhưng suy cho cùng là xuất phát từ việc nhận thức của bà con còn hạn chế, chỉ biết sản xuất, trồng rau, còn các khâu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau thì “không biết bắt đầu từ đâu”.

Vì lẽ đó, cuối tháng 10 năm 2017, với số vốn hỗ trợ 60 triệu đồng của huyện Bố Trạch để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, xã đã giao cho anh Dương Quốc Phong thử nghiệm trên diện tích 0,5 ha.

Là kỹ sư nông nghiệp với kinh nghiệm lâu năm, anh Phong đã vạch sẵn lộ trình xây dựng thương hiệu rau bài bản và khoa học. Theo đó, ban đầu, anh tập trung đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng, từ đất, giống, nguồn nước, nhà lưới...

Tiếp đó, anh bắt tay lựa chọn giống rau củ quả phù hợp với chất đất, thị trường tiêu thụ... Trong năm 2018, anh quyết tâm sẽ thực hiện đăng ký Giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm và mở một cửa hàng giới thiệu nông sản sạch mặc dù biết sẽ còn bộn bề khó khăn trước mắt.

Anh chia sẻ tin vui khi đã có một số đơn vị trường học lựa chọn sản phẩm rau an toàn của anh để sử dụng trong các bữa ăn của học sinh. Đây sẽ là nguồn động viên lớn để anh tiếp tục hành trình gian nan này.

Mô hình sản xuất rau an toàn của anh Dương Quốc Phong sẽ còn rất nhiều việc phải làm để quyết tâm xây dựng thương hiệu rau sạch Đồng Trạch.
Mô hình sản xuất rau an toàn của anh Dương Quốc Phong sẽ còn rất nhiều việc phải làm để quyết tâm xây dựng thương hiệu rau sạch Đồng Trạch.

Tuy nhiên, anh Dương Quốc Phong chia sẻ, bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, anh rất băn khoăn về cách thức, thủ tục và các bước để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau sạch. Là một người chỉ biết hoạt động chuyên môn, anh rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và nhất là những nhà xây dựng thương hiệu nông sản chuyên nghiệp.

Xây dựng thương hiệu nông sản là hành trình gian nan, không chỉ thuở ban đầu mà còn cả quá trình gìn giữ và phát huy giá trị. Theo bà Hồ Thị Tuyết Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, thương hiệu của sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, luôn gắn liền với một địa danh nhất định, vì vậy việc đăng ký sở hữu trí tuệ dưới một hình thức pháp lý nhất định cho các sản phẩm đặc sản là rất cần thiết, nhằm 3 mục đích: bảo vệ danh tiếng của đặc sản, tránh sự lạm dụng hoặc giả mạo; khuyến khích sản xuất nông nghiệp đa dạng và ổn định nông thôn; giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn sản phẩm đặc sản.

Do đó, việc định hướng xây dựng phát triển thương hiệu tại địa phương đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm đặc sản theo nhiều hình thức phong phú, đa dạng và liên kết tạo mạng lưới phân phối chặt chẽ, hiệu quả và nghiêm ngặt, hướng đến các thị trường tiềm năng, như: hệ thống các siêu thị, xuất khẩu...

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản xuất nông sản và đầu tư nghiên cứu, dự báo thị trường nhằm tìm đầu ra hiệu quả.

Mai Nhân

 

,