.

Xây dựng thương hiệu nông sản từ góc nhìn nhà nông - Kỳ 1: Gian nan hành trình định danh nông sản

.
08:00, Thứ Năm, 22/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, điệp khúc “được mùa mất giá” bỗng trở nên quá quen thuộc, khiến người nông dân lâm vào tình cảnh điêu đứng, mất dần niềm tin vào quá trình sản xuất nông sản. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh các giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Có được thương hiệu bền vững, không chỉ giúp nông sản có được chỗ đứng trên thị trường, người nông dân có trách nhiệm và tận tâm sản xuất, mà còn hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tương lai. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, từ góc nhìn nhà nông, đó là một lộ trình đầy cam go.

Ngày 25 tháng 9 năm 2017, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 đã có Quyết định số 507/QĐ-TTCL2 về việc hủy bỏ hiệu lực và thu hồi giấy chứng nhận VietGAP số 2016-0005/VietGAP đối với tổ hợp tác trồng dưa hấu xã Hàm Ninh (Quảng Ninh).

Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm dưa hấu Hàm Ninh sẽ không được phép sử dụng Giấy chứng nhận, dấu hiệu của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 đã cấp. Nguyên nhân của việc thu hồi này là do cơ sở không phối hợp đánh giá giám sát.

Không có Giấy chứng nhận VietGAP, dưa hấu Hàm Ninh sẽ gian nan hơn trên hành trình xây dựng thương hiệu.
Không có Giấy chứng nhận VietGAP, dưa hấu Hàm Ninh sẽ gian nan hơn trên hành trình xây dựng thương hiệu.

Còn theo ông Hà Xuân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, năm 2016, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh đã triển khai đề tài về mô hình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP tại xã Hàm Ninh, nhờ đó, ngày 27-5-2016, dưa hấu Hàm Ninh đã có Giấy chứng nhận VietGap với giá trị từ 27-5-2016 đến 26-5-2018.

Tuy nhiên, giữa khoảng thời gian này sẽ có đợt kiểm tra, giám sát bổ sung với kinh phí hơn 12 triệu đồng. Đề tài nghiên cứu kết thúc từ năm 2016, do đó, nguồn kinh phí này sẽ do tổ hợp tác giải quyết. Ông Cao Xuân Sơn, tổ trưởng tổ hợp tác trồng dưa hấu xã Hàm Ninh cho biết, số tiền này vượt quá sức của các tổ viên, vậy là dưa hấu Hàm Ninh đành lỡ dở lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản. Thế mới thấy, có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó gấp vạn lần!

Quay trở về hai chục năm về trước, năm 1998, những trái dưa hấu đầu tiên được người dân Hàm Ninh trồng thử nghiệm ở thôn Trần Xá đã đưa đến kết quả bất ngờ. Và rồi từ đó, mô hình được nhân rộng, bởi thu hoạch từ dưa hấu cao gấp từ 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Hiện nay, diện tích trồng dưa hấu của xã đạt từ 35-40 ha và tên tuổi dưa hấu Hàm Ninh đã dần có chỗ đứng trên thị trường.

Lúc này, lộ trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đã manh nha hình thành. Đề tài về xây dựng mô hình trồng dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP đã mở ra cơ hội mới cho dưa hấu Hàm Ninh tiếp cận thị trường rộng lớn.

Với 1ha tham gia mô hình, tổ hợp tác được thành lập gồm 7 xã viên. Sau các khóa tập huấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, người nông dân Hàm Ninh đã làm quen với quy trình sản xuất sạch, từ cây giống, làm đất, nước tưới, bón phân, chăm sóc cho đến thu hoạch.

..." Thực tế cho thấy, người nông dân vốn dĩ quen thuộc với ruộng đồng, họ cần sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả và thậm chí là “cầm tay chỉ việc” trong giai đoạn đầu xây dựng thương hiệu cho nông sản".

Đúng như ông Cao Xuân Sơn, tổ trưởng tổ hợp tác trồng dưa hấu xã Hàm Ninh chia sẻ, bà con thậm chí đã rất hứng thú với việc ghi chép, kiểm tra cẩn thận quá trình sản xuất dưa hấu, bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn VietGAP.

Vụ mùa năm đó, sản phẩm sau khi được dán nhãn định danh đã rất được thị trường ưa chuộng, giá cao hơn hẳn so với dưa hấu thông thường, bà con rất phấn khởi.

Sau khi mô hình nghiệm thu, bà con vẫn tích cực triển khai theo quy trình đã được tập huấn, thế nhưng, việc thiếu kinh phí để đánh giá giữa kỳ cho Giấy chứng nhận VietGAP đã khiến bao công sức “đổ sông, đổ bể”.

Theo ông Hà Xuân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, nhận thức người nông dân đóng vai trò quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản. Chính bởi bà con vẫn chưa thực sự hiểu tầm quan trọng của vấn đề này cho nên có sức ỳ và thiếu quan tâm, nhiệt tình, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thêm nữa, nhiều người cho rằng, sản phẩm trồng theo VietGAP giá bán chênh lệch không nhiều so với thị trường chung, nên mất niềm tin. Ngoài ra, khó khăn về kinh tế cũng là nguyên nhân khiến người nông dân không dám mạnh dạn thử sức.

Đã từng có cơ hội đưa dưa hấu Hàm Ninh tham gia nhiều hội nghị xúc tiến thương mại của tỉnh nhà trong thời gian gần đây, ông Hưng bày tỏ sự tiếc nuối khi sản phẩm địa phương được đánh giá cao về độ ngon, mẫu mã, nhưng khi được biết chưa có Giấy chứng nhận VietGAP, nhiều siêu thị, nhà tiêu thụ lớn đã rất thất vọng và từ chối. Ông cũng khẳng định, xã rất cần doanh nghiệp hoặc tổ chức có kinh nghiệm, nhiệt thành đồng hành cùng nông dân trong lộ trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa hấu Hàm Ninh.

Đúng như ông Cao Xuân Sơn, tổ trưởng tổ hợp tác trồng dưa hấu xã Hàm Ninh tâm sự, bà con chỉ quen với việc sản xuất, còn quy trình thương mại bài bản vẫn rất cần người có tâm và kinh nghiệm. Năm 2018, xã Hàm Ninh quyết tâm “lấy lại” VietGAP cho dưa hấu thông qua nhiều giải pháp, như: quy hoạch mở rộng vùng trồng dưa hấu tập trung; kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp...

Không chỉ dưa hấu Hàm Ninh, một nông sản rất có tiềm năng khác của Quảng Ninh là ngô Hiền Ninh cũng đang rất cần một thương hiệu bền vững. Hiền Ninh hiện có 90 ha trồng ngô, giảm 10 ha với trước đây. Nguyên nhân là thôn Long Đại, địa phương có diện tích trồng ngô lớn nhất xã, đang có xu hướng giảm dần về diện tích, chuyển sang trồng khoai.

Lý giải cho thực tế này, ông Trần Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm HTX SXKD DVNN Long Đại cho biết, bà con nhận thấy trồng khoai mang lại thu nhập cao và cũng ổn định đầu ra hơn so với trồng ngô. Ngô tuy là cây truyền thống, nhưng giá cả lại bấp bênh, trôi nổi theo thị trường, thường xuyên bị tư thương ép giá, thiếu sự ổn định bền vững. Bà con lại gặp nhiều khó khăn khi sản xuất bởi giống có giá thành cao, nhiều loại sâu bệnh không diệt được.

Vì lẽ đó, người nông dân Hiền Ninh rất mong muốn được trồng ngô sạch theo hướng an toàn, có như vậy, bà con mới được tư vấn, hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật chăm sóc, đồng thời khi có được thương hiệu, sản phẩm sẽ dễ tiêu thụ hơn, thay vì phải chờ đợi thương lái như trước. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Hồng Thắm, cán bộ phụ trách nông nghiệp, UBND xã Hiền Ninh, mong muốn này khó thành hiện thực bởi xã vẫn chưa có kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Bà Hồ Thị Tuyết Minh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, thời gian qua, không chỉ dưa hấu Hàm Ninh bị thu hồi Giấy chứng nhận VietGAP mà một số nông sản khác của tỉnh cũng lâm vào tình trạng này.

Vượt qua nhiều khó khăn, thương hiệu rau sạch An Nông đã có được chỗ đứng trên thị trường nông sản.
Vượt qua nhiều khó khăn, thương hiệu rau sạch An Nông đã có được chỗ đứng trên thị trường nông sản.

Tỉnh ta có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thông được biết đến rộng rãi, một số sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu, nhưng mới có một số ít cơ sở sản xuất hay làng nghề xây dựng được thương hiệu cho riêng mình.

Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở chưa nhận thức được tầm quan trọng và giá trị thương hiệu của sản phẩm nên thiếu mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm. Mặt khác, việc sản xuất nông sản ở địa phương hiện nay chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, manh mún và tự phát nên việc đăng ký quản lý và khai thác thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn gốc của vấn đề chính nằm ở người nông dân, bởi thông qua việc xây dựng thương hiệu, họ phải thực sự nhận được lợi ích từ chương trình, như giá nông sản tăng, uy tính thương hiệu cao và lợi nhuận thu về lớn. Do đó, một khi người nông dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, cho rằng việc xây dựng thương hiệu là việc của Nhà nước, không liên quan đến mình và mình chỉ là người sử dụng, thì chắc chắn lộ trình này sẽ còn vô cùng gian nan.

Điều này đồng nghĩa với việc vai trò tuyên truyền thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương, các hiệp hội, và nhất là từ các công ty tư vấn xây dựng thương hiệu sẽ là một trong những yếu tố mang tính quyết định thành công. Ngoài ra, thực tế cho thấy, người nông dân vốn dĩ quen thuộc với ruộng đồng, họ cần sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả và thậm chí là “cầm tay chỉ việc” trong giai đoạn đầu xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Mai Nhân

Kỳ 2: Để thương hiệu“chắp cánh” nông sản

 

,