.

Triệu phú rừng xanh

.
08:52, Thứ Ba, 13/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến thôn Cẩm Ly, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy hỏi về chị Hồ Thị Thơi (sinh năm 1963) thì hầu như ai cũng biết, bởi chị là tấm gương sáng trong phong trào phụ nữ người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo.

Với 6 đứa con trong độ tuổi ăn, tuổi lớn, chị Hồ Thị Thơi chỉ có mấy sào ruộng nước, làm không đủ ăn, túng thiếu bộn bề. Với quyết tâm để các con học hành đến nơi đến chốn,  chị bàn với chồng tìm cách thay đổi hướng làm kinh tế. Chị trăn trở: “Mình không thể chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nước mãi được, mình đang sống trên một vùng đất màu mỡ, mình phải biết tìm vàng ở trong đất”. Nghĩ là làm, chị bắt đầu một con đường mới.

Năm 2007, qua tìm hiểu các kênh thông tin và từ những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được của bản thân cộng với số tiền 100 triệu đồng tích cóp của cả gia đình, vợ chồng chị đã mạnh dạn đứng ra vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách-xã hội huyện để phát triển mô hình kinh tế rừng-ao-chuồng.

Một góc khu chăn nuôi lợn và ao cá của gia đình chị Hồ Thị Thơi.
Một góc khu chăn nuôi lợn và ao cá của gia đình chị Hồ Thị Thơi.

Trong đó, chị đầu tư mua 10ha rừng keo, tràm, đào 2 sào ao mặt nước để nuôi các loại cá và xây hơn 250m2 khu chuồng trại chăn nuôi heo thịt. Vừa làm vừa học hỏi, lại nhận được sự giúp đỡ, động viên của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tận tình về kỹ thuật của hội phụ nữ xã, chị dần tiếp cận các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo do địa phương triển khai. Khi đã nắm chắc kiến thức, chị càng mạnh dạn và tự tin hơn.

Chưa đầy một năm, đàn lợn 30 con của gia đình chị đã xuất bán với gần 5 tấn thịt, chị cũng thu hoạch gần 2,5 tấn mẻ cá đầu tiên, đem về nguồn thu gần 250 triệu đồng. 4 năm sau, 10ha rừng cũng bước vào khai thác với số tiền thu được trên 300 triệu đồng (bình quân 30 triệu đồng/ha). Mùa vụ đầu tiên thắng lớn, chị tiếp tục dốc vốn đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá và lợn, đồng thời thuê nhân công trồng mới và chăm sóc rừng keo.

Với 3 sào ao nuôi cá, gần 70 con lợn thịt, 1 mẫu ruộng và trên 10ha rừng keo, bình quân mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu lãi trên 300 triệu đồng. Làm ăn kinh tế giỏi không chỉ giúp gia đình chị Hồ Thị Thơi có của ăn của để, trả nợ ngân hàng, trang trải cuộc sống cho con cái mà mỗi khi vào mùa thu hoạch, gia đình chị còn tạo việc làm cho khoảng từ 60-70 nhân công với tiền công 7-8 triệu/người/tháng.
Khi vào vụ thu hoạch, các thương lái đến tận nhà để thu mua sản phẩm, tuy nhiên, chị vẫn gặp không ít khó khăn trong việc phòng trừ dịch bệnh và tìm kiếm thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Chị chia sẻ: “Gia đình ở quá xa trung tâm huyện thị nên trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, việc cập nhật các thông tin, kiến thức về kỹ thuật cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ hàng hóa còn bó hẹp, đôi khi còn bị thương lái ép giá”.

Chị cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ từ phía các cấp chính quyền, nhất là hội phụ nữ xã trong việc hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và kiến thức về phòng, chống dịch bệnh để gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi, sản xuất trong thời gian tới.

Chị Hồ Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngân Thủy cho biết: “Chị Thơi đã vượt qua được sự mặc cảm, tự ti, có sự đầu tư bài bản, đúng đắn để vươn lên làm giàu. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, chị Thơi còn tham gia tốt các phong trào thi đua và các hoạt động công tác hội phụ nữ tại địa phương. Chị Thơi cũng luôn đi đầu trong việc vận động đóng góp các loại quỹ từ thiện, nhân đạo. Chị thực sự là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Vân Kiều”.

Văn Hải
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy)





 

,