.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ: Để "lối nhỏ" thành "đường"

.
08:23, Thứ Hai, 19/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện đang được xem là xu hướng tất yếu nhằm góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực sự phát triển và khẳng định được chỗ đứng, cần có chiến lược dài hơi với những cơ chế chính sách phù hợp...

Nông nghiệp hữu cơ - xu thế của tương lai...

Nằm ở thôn Kéc, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, cơ sở sản xuất rau sạch An Nông của vợ chồng anh Lê Đình Quả và chị Lê Thị Thanh Thủy đang là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Với mong muốn sản xuất  nông nghiệp sạch, năm 2016, vợ chồng anh bắt tay xây dựng cơ sở sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Đây là phương thức canh tác khá phổ biến ở các nước tiên tiến nhưng lại mới phát triển ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Trao đổi với phóng viên, anh Lê Đình Quả chia sẻ, nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ theo các quy định trong tiêu chuẩn quốc tế IFOAM (Tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế) với phương pháp nuôi, trồng không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào.

Chính vì vậy trong quá trình sản xuất, anh ưu tiên sử dụng đất “sạch”, loại đất với trên 3 năm không sử dụng bất kỳ một sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc trừ cỏ nào; đồng thời vừa cách xa đường quốc lộ, vừa cách ly hoàn toàn với các khu chăn nuôi tập trung.

Để chủ động nguồn nước tưới, anh đã thuê đào một ao lớn để tận dụng nguồn nước ngầm, không sử dụng nước mương có sẵn vì sợ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng hay chai lọ xung quanh. Đặc biệt, trong quá trình canh tác, vườn rau tại cơ sở sản xuất An Nông hoàn toàn “nói không” với phân bón và các loại thuốc hóa học; chỉ sử dụng nguồn phân chuồng ngay tại địa phương và dùng bã lạc, mật mía ủ với các chế phẩm sinh học để làm đạm thực vật.

Cơ sở sản xuất rau An Nông với phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, góp phần phát triển nông nghiệp sạch.
Cơ sở sản xuất rau An Nông với phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, góp phần phát triển nông nghiệp sạch.

Điều đáng mừng là các sản phẩm hữu cơ của cơ sở rau sạch An Nông ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên lựa chọn... Cô Lê Thanh Phương, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Hải Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ, trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, nhà trường đã “nói không” với các sản phẩm rau củ bón phân, đạm hóa học.

Hiện trên địa bàn, ngoài Trường mầm non Hải Trạch còn có Trường mầm non Đức Trạch, Đồng Trạch, Phú Trạch lựa chọn các sản phẩm rau củ hữu cơ của cơ sở An Nông để chế biến bữa ăn, nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ. Hiện ngoài cơ sở sản xuất rau An Nông, trên địa bàn tỉnh ta cũng đã bước đầu hình thành một số mô hình nuôi trồng theo hướng hữu cơ như mô hình trồng cà chua bi của anh Dương Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy; mô hình tôm thẻ chân trắng của Công ty cổ phần Thanh Hương, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh...

Nắm bắt được xu thế phát triển, nhằm “tiếp sức” cho nông nghiệp hữu cơ, góp phần tạo ra những sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Quê Lâm thực hiện mô hình “Sản xuất lúa gạo hữu cơ” thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đây là mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh, không sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ và phân bón hóa học.

Bên cạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thực hiện, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Sở Khoa học – Công nghệ đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ sau thu hoạch ngay trên đồng ruộng”, xây dựng được các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, sử dụng sản phẩm phân hữu cơ bón cho cây lúa và một số rau màu tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

Vẫn còn nhiều khó khăn...

Nông nghiệp hữu cơ ngày càng được ưa chuộng và đang trên đà phát triển tốt. Tuy nhiên, thách thức đối với nông nghiệp hữu cơ hiện nay cũng không phải là nhỏ.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thanh Tình, Phó trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho biết, cái khó của phương pháp canh tác hữu cơ chính là ở chỗ năng suất, sản lượng và hiệu quả khó cạnh tranh được với sản phẩm phi hữu cơ.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói không với 5 vật liệu đầu vào gồm: không sử dụng thuốc BVTV; không thuốc trừ cỏ; không phân bón hóa học; không chất kích thích tăng trưởng; không sử dụng sản phẩm đột biến gen.

Nông nghiệp hữu cơ sẽ cải thiện, duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp; mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, trong quá trình canh tác sản phẩm hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công sức và khó triển khai trên diện rộng.

Các sản phẩm rau, củ, quả của canh tác hữu cơ do không sử dụng thuốc kích thích nên sẽ phát triển chậm, giá thành khá cao. Kèm theo đó, hình thức không “bắt mắt” khiến các sản phẩm hữu cơ khó thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng.

Mặt khác, bà con đã quen với phương pháp sản xuất truyền thống, chưa tính đến những lợi ích lâu dài nên việc thay đổi thói quen canh tác không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Thêm vào đó, nước ta chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng cho sản phẩm hữu cơ nên người tiêu dùng rất khó để phân biệt sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác; do đó không thúc đẩy được sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Thiết nghĩ, để đạt được hiệu quả nhanh, bền vững, thì ngoài việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cần có cơ chế đặc thù trong việc nâng cao giá trị đối với các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ; có biện pháp kiểm soát các chất cấm, các sản phẩm phi hữu cơ độc hại... Có như thế, người nông dân mới có thể yên tâm sản xuất, góp phần làm ra những sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thanh Hải


 

,