.

Phát triển bền vững du lịch cộng đồng - Kỳ 2: Để cả cộng đồng chung tay!

.
07:59, Thứ Hai, 26/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sự nghèo nàn của các điểm đến du lịch trải nghiệm, thiếu tổ chức và thiếu liên kết đang khiến cho các mô hình du lịch cộng đồng, như: homestay, farmstay, hiện chỉ được coi là một địa điểm lưu trú. Và việc trả lời cho câu hỏi làm thế nào để các mô hình du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững, chắc chắn sẽ không chỉ đến từ phía người dân...

>> Kỳ 1: "Đánh thức" miền di sản

Mặc dù, xuất hiện muộn hơn so với các tỉnh khác trong nước, nhưng trong những năm gần đây, các mô hình du lịch cộng đồng, như: homestay, farmstay, trên địa bàn tỉnh ta đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 50 cơ sở homestay và farmstay, tập trung chủ yếu ở các địa phương, như: Sơn Trạch, Cự Nẫm, Phúc Trạch...

Nhiều homestay đang được đầu tư mở rộng.
Nhiều homestay đang được đầu tư mở rộng.

Đây là hướng đi mới, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên, môi trường, mà còn là cơ hội để bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa, truyền thống của địa phương. Đặc biệt, với sự phát triển của các loại hình du lịch này, người dân bản địa được trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch với vai trò là chủ nhân và là người hưởng lợi trực tiếp.

Có nhiều năm làm du lịch, anh Lê Lưu Dũng chủ nhân Jungle Boss Homestay ở Sơn Trạch chia sẻ: "Tiếng tăm của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng tự nó đã khơi gợi, cuốn hút bất kỳ ai, nhưng với nhiều du khách, đến đây không chỉ để tham quan hang động mà còn muốn trải nghiệm cuộc sống và văn hóa bản địa nữa.

Các mô hình du lịch cộng đồng như homestay hoặc farmstay phải mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Thế nhưng, kéo được du khách đến là một chuyện, còn tổ chức, dẫn dắt và hướng dẫn du khách sử dụng các dịch vụ mới là chuyện quan trọng hơn. Trong khi đó, nhiều homestay đang phải chật vật với không ít rào cản về ngoại ngữ, kỹ năng làm du lịch, sự am hiểu về văn hóa, phong tục của người nước ngoài".

Ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, do còn nhiều hạn chế trong nhận thức, kỹ năng làm du lịch, nên sự phát triển các mô hình du lịch cộng đồng trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và mang tính tự phát.

Để trở thành một mô hình du lịch cộng đồng, các homestay, farmstay không chỉ có phòng, có giường là được, mà còn cần các dịch vụ du lịch trải nghiệm kèm theo. Homestay không chỉ là một cơ sở lưu trú mà cần có sự kết nối, tổ chức các dịch vụ du lịch. Hiện nay, các homestay trên địa bàn tỉnh ta đang ở giai đoạn hình thành, vì vậy họ vẫn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số mô hình “đỡ đầu”, như: Jungle Boss Homestay, Phong Nha Farmstay..., đã dẫn dắt, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người dân trong việc xây dựng và phát triển homestay. Đối với những người dân chưa có kinh nghiệm làm du lịch, đây là những tiền đề rất cần thiết. Không thể phủ nhận vai trò “đỡ đầu” của các mô hình du lịch cộng đồng nơi đây.

Bởi, họ chính là những người đã tiên phong khai mở nên một loại hình du lịch mới và không ngần ngại chia sẻ, nhân rộng các mô hình này cho nhiều người. Thế nhưng, ngay bản thân họ cũng gặp phải những khó khăn, đòi hỏi sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và những người làm công tác quản lý du lịch.

Anh Lê Văn Sỹ, chủ nhân của Sy’s Homestay, chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn vẫn chưa có một điểm tham quan trải nghiệm nào thật sự đặc sắc. Các điểm đến trải nghiệm quá ít ỏi, nếu như không nói là hầu như không có. Điều này đã làm khó cho các mô hình du lịch cộng đồng trong việc tổ chức các dịch vụ. Vì vậy, khách du lịch sau khi tham quan hang động, chỉ còn biết đạp xe đạp lòng vòng thưởng thức phong cảnh ở các làng quê xung quanh, chứ không biết đi đâu”.

Ông Nguyễn Châu Mỹ, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua me đất (Oxalis) cho rằng, tùy theo điều kiện ở mỗi địa phương, các mô hình du lịch cộng đồng, như: homestay, farmstay, phải có sự kết nối với các điểm đến khác nhau. Có địa phương kết hợp với làng nghề thủ công, như: đan lát, dệt, chăn nuôi, làm đồng..., có địa phương kết hợp với các làng văn hóa có các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Ở tỉnh ta hiện nay, do lợi thế có nhiều cảnh quan đẹp, và tận dụng các dịch vụ sẵn có như tham quan động Phong Nha, Thiên Đường... hoặc các dịch vụ tour du lịch mạo hiểm, nên dịch vụ chủ yếu là tổ chức các tour, tuyến tham quan khám phá cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, đó chỉ là những lợi thế về tự nhiên, còn chúng ta chưa xây dựng được các dịch vụ cộng đồng như các địa phương khác.

Anh Lê Lưu Dũng nêu ví dụ: “Chúng ta có các làng nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian, tại sao không tổ chức để kết nối với các loại hình du lịch cộng đồng, tạo nên sự phong phú, đa dạng các loại hình dịch vụ. Đó là chưa kể, trong khi các làng nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đang dần bị mai một, sự kết nối này sẽ góp phần gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Và ngược lại, sự đa dạng, phong phú của các điểm đến du lịch này chính là “cánh tay nối dài” cho du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững hơn. Các điểm đến nhỏ lẻ, anh em chúng tôi có thể tự tổ chức được, nhưng những điểm đến quy mô cần đến “bàn tay” của các nhà quản lý du lịch”.

Đa dạng hóa dịch vụ tại các homestay, farmstay là một trong những yêu cầu đặt ra hàng đầu đối với du lịch cộng đồng.
Đa dạng hóa dịch vụ tại các homestay, farmstay là một trong những yêu cầu đặt ra hàng đầu đối với du lịch cộng đồng.

Chia sẻ về điều này, ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, các điểm đến du lịch khám phá, trải nghiệm phải do các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch phát hiện, tổ chức và xây dựng. Còn Sở sẽ tạo điều kiện hết sức về mặt thủ tục, hành chính và hành lang pháp lý.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần có các quy hoạch, định hướng cụ thể để giúp các mô hình du lịch này phát triển một cách bền vững, nhằm cân đối giữa nhu cầu và tiềm năng, tránh tình trạng phát triển tự phát, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhân dân.

Hiện tại, bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2025 được xây dựng từ lâu, nên một số điểm quy hoạch đã lạc hậu và không phù hợp. Sắp tới sau khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hoàn thành, Sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND điều chỉnh lại cho phù hợp.

Việc tham gia một cách chủ động, trực tiếp và có ý thức của người dân vào các mô hình du lịch cộng đồng trong thời gian vừa qua đã làm sinh động thêm bức tranh của du lịch tỉnh ta. Song, đó mới chỉ là bước khởi đầu, muốn du lịch cộng đồng thực sự bền vững, cần có sự tổ chức, kết nối của những người làm công tác quản lý du lịch.

Một khảo sát đầy đủ nhằm đánh giá đúng về thực trạng phát triển của các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, từ đó có cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển là việc làm cần thiết hiện nay.

Dương Công Hợp



 

,