.

Một đời gắn với hương sả, hương tràm

.
08:18, Thứ Sáu, 30/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngược lên phía Tây Bắc TP.Đồng Hới tầm 8 km, đến với vườn sả của gia đình ông Đặng Văn Đòn (thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức), chúng tôi bất chợt cảm nhận được hương thơm dịu êm toả ra từ bếp lò chưng cất tinh dầu đang đỏ lửa.

Bước sang tuổi ngoài 70, mái đầu đã “hoa râm”, nhưng ông Đòn vẫn rất khéo léo và chuyên nghiệp trong nấu tinh dầu. Ông Đòn kể rằng, hồi còn trẻ, ông làm việc ở kho dược phẩm của Công ty Dược phẩm Bình Trị Thiên. Tại đây, ngoài việc thu mua, kiểm tra hàng hoá tại kho dược phẩm, ông đã tham gia sản xuất dầu tràm.

Năm 1989, tình Bình-Trị-Thiên chia tách thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, ông Đòn tiếp tục theo làm tại kho dược liệu Huế được 3 năm.  Lúc này, vợ con ở ngoài Quảng Bình, do không xin chuyển công tác về quê được, nên ông xin nghỉ chế độ 176. Trở về quê hương, với kinh nghiệm sản xuất dầu tràm hơn 20 năm, ông Đòn quyết định tiếp tục phát huy thế mạnh này của bản thân trong nghề "tạo" hương sả, hương tràm.

Ông Đòn đang thu hoạch lá sả để chuẩn bị cho đợt nấu tinh dầu mới.
Ông Đòn đang thu hoạch lá sả để chuẩn bị cho đợt nấu tinh dầu mới.

Ông Đòn chia sẻ: “Hồi đó, xã Thuận Đức và các vùng lân cận là nơi có nhiều lá tràm để phục vụ cho việc nấu tinh dầu. Do vậy, tôi cùng vợ quyết định tìm lên mảnh đất này khai hoang, lập nghiệp, vừa sản xuất dầu tràm, vừa tập làm tinh dầu sả”.

Bươn chải với nghề sản xuất dầu tràm đến nay ngót nghét cũng đã gần mấy chục năm, người tiêu dùng ngày càng biết đến chất lượng dầu tràm của ông Đòn. Tuy nhiên, nguyên liệu làm dầu tràm trở nên khan hiếm, người sản xuất thường phải ra tận đèo Ngang để lấy, do vậy, ông Đòn quyết định chuyển hẳn đầu tư vào việc sản xuất dầu sả.

Từ những cây giống sả Java (sả cỏ) được Nông trường quốc doanh Phú Quý (Công ty TNHH MTV Cao su Việt Trung hiện nay) lấy từ Trung Quốc mang về trồng ở vùng đất Sen Bàng (thuộc xã Hòa Trạch hiện nay), ông Đòn đã xin giống mang về trồng ở vườn nhà. Ban đầu, ông trồng được 1 sào, rồi nhân rộng dần ra, đến nay đã có 2 ha sả Java.

Ông Đòn cho biết, việc trồng sả không mất nhiều công chăm bón, chỉ mất công trồng, nhổ cỏ và tưới nước. Nhờ có vườn sả trong vườn nhà, nên ông Đòn vừa chủ động được nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất, vừa tiết kiệm được chi phí.

Quy trình nấu tinh dầu sả trải qua nhiều bước, từ cắt lá sả tươi, làm héo, chưng cất bã phơi, ngưng tụ chất đốt, phân ly hỗn hợp tinh dầu và nước, sấy và lọc tinh dầu đóng chai. Mặc dù quy trình nấu tinh dầu nhìn khá đơn giản và nếu học thì ai cũng có thể làm được, tuy nhiên, để có được tinh dầu thơm và nhiều, theo ông Đòn, người nấu cần phải lưu ý một số vấn đề, như: nguyên liệu nấu tinh dầu phải là lá sả đã được trồng từ 2-3 tháng, không được quá già cũng không quá non nhằm bảo đảm lượng tinh dầu thành phẩm nhiều nhất; lá sả phơi héo đến độ ẩm còn khoảng 50% so với ban đầu để có thể bảo quản trong vài ngày, đồng thời giảm nhiên liệu và thời gian chưng cất.

Nhờ sự cẩn thận và khéo léo trong việc chưng cất, tinh dầu sả của ông Đòn có chất lượng tốt. Do đó, sản phẩm tinh dầu sả của ông sản xuất nhiều lúc không kịp cung ứng cho thị trường. Hiện, sản phẩm của gia đình ông Đòn chủ yếu cung cấp cho các khách sạn, cơ sở làm đẹp trong tỉnh. Đặc biệt, với ưu thế nằm ngay bên tuyến đường từ thành phố Đồng Hới đi Phong Nha, nên hàng ngày số lượng du khách đi qua nhà ông Đòn khá đông. Biết được cơ sở sản xuất tinh dầu chất lượng, nhiều du khách đã dừng chân tìm hiểu và mua tinh dầu về làm quà.

Theo tính toán của ông Đòn, giống sả Java sau khi trồng, mỗi năm, thu hoạch khoảng 4 lứa, mỗi lứa 1 ha cho thu hoạch trên 20 tấn nguyên liệu, chưng cất được khoảng 80 lít tinh dầu. Với giá bán 3 triệu đồng/1 lít, 2 ha sả của gia đình ông Đòn thu về khoảng 500 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, lãi gần 300 triệu đồng.

Không chỉ được mọi người tìm đến để mua sản phẩm tinh dầu, cơ sở của ông Đòn còn là nơi để nhiều người dân trong vùng đến học hỏi cách sản xuất, chưng cất tinh dầu tràm, tinh dầu sả. Thậm chí, có những người khách từ miền Nam, hay từ nước ngoài cũng tìm đến để nghiên cứu, tham khảo cách chưng cất tinh dầu của ông Đòn.

Với ông Đòn, sản xuất tinh dầu tràm và tinh dầu sả đã trở thành nghề truyền thống theo suốt cuộc đời. Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức yếu, ông chỉ mong muốn được gìn giữ giống sả Java mà ông cất công nhân giống, phát triển lâu nay và có người nối nghiệp sản xuất tinh dầu. Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Đòn cho hay: “Tôi rất muốn được truyền nghề lại cho con, nhưng con tôi giờ đã trưởng thành và mỗi người đã có việc làm riêng của mình, cũng không biết chúng nó có muốn tiếp tục nghề của tôi không nữa. Đối với những ai có mong muốn học hỏi nghề này, tôi đều rất vui và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”.

Lê Mai


 

,