.

Minh Hóa: Đẩy mạnh sản xuất vụ đông-xuân

.
14:23, Thứ Năm, 08/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Xác định đông-xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, quyết định phần lớn năng suất và sản lượng cây trồng, nên từ những ngày đầu năm mới Mậu Tuất, nông dân huyện Minh Hóa đã tích cực ra đồng sản xuất.

Vụ đông-xuân năm 2017-2018, huyện Minh Hóa gieo trồng 467 ha lúa. Các giống lúa được bà con lựa chọn gieo trồng chủ yếu là: PC6, DV108, P6, Khang Dân 18... Địa phương có diện tích gieo trồng lớn là thị trấn Quy Đạt và các xã: Quy Hóa, Hóa Hợp, Xuân Hóa, Tân Hóa...

Nông dân Minh Hóa tích cực tận thu gỗ rừng trồng gãy đổ do bão.
Nông dân Minh Hóa tích cực tận thu gỗ rừng trồng gãy đổ do bão.

Theo kế hoạch, nông dân huyện Minh Hóa trồng khoảng 1.000 ha ngô vụ đông-xuân, trong đó, có hàng trăm ha ngô làm thức ăn cho gia súc. Diện tích ngô ở Minh Hóa được tập trung trồng ở các xã: Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa, Trung Hóa, Hồng Hóa... với các loại giống, như: NK6326, DK9901, VN2, CP989. Toàn huyện hiện gieo trồng trên 1.000 ha lạc với các loại giống gồm: L14, L16, L23... và được trồng nhiều tại các xã: Hóa Phúc, Hóa Tiến, Hóa Hợp.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ đông-xuân 2017-2018, ngay từ ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, bà con đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để ra đồng sản xuất. Chị Đinh Thị Hạnh, một nông dân ở thị trấn Quy Đạt chia sẻ: “Cũng như mọi năm, ngày mồng 4 Tết, tôi và bà con ra đồng cấy lúa. Lúa gieo xuống gặp rét nên tỷ lệ lên mầm không cao.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, thời tiết nắng ấm, cây lúa bắt đầu phát triển nên chúng tôi ai cũng hồ hởi bắt tay vào việc chăm sóc”. Vụ mùa này, nhà chị Hạnh gieo 3 sào lúa. Với diện tích này, mỗi vụ mùa, gia đình chị thu hoạch khoảng 7 tấn thóc.

Hiện toàn thị trấn Quy Đạt có khoảng 70 ha lúa đã được gieo cấy xong. Ngoài việc chăm sóc của nông dân, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp của huyện cũng đã quan tâm đến công tác phòng, chống sâu bệnh, điều tiết nguồn nước tưới.

Xã Hóa Hợp là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất của toàn huyện. Vụ đông-xuân này, toàn xã đã gieo cấy xong 58ha lúa. Do lịch gieo cấy được triển khai phù hợp, thời tiết thuận lợi cùng với nguồn giống tốt nên cây lúa phát triển nhanh và hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Năm nay, xã đã tập trung chỉ đạo bà con mở rộng diện tích đất trồng lạc lên 200ha và lấy cây này làm cây chủ lực. Hiện, bà con đang khẩn trương làm đất, chuẩn bị cây giống, phân bón và sẽ gieo trong thời gian tới. Giống lạc được bà con sử dụng là L23 và L14.

Ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết: “Vụ mùa này, bà con trong xã được huyện hỗ trợ một phần giống cây, phân bón nên rất phấn khởi, ra quân sản xuất rầm rộ từ những ngày đầu năm. Sau khi gieo ngô xong, bà con chuyển qua cấy lúa và giờ đang chuẩn bị đất để trồng lạc. Theo kế hoạch, khoảng giữa tháng 3 thì việc gieo trồng cơ bản hoàn thành”.

Sau trận bão số 10 năm 2017, toàn huyện Minh Hóa có trên 3.500ha rừng trồng của bà con bị thiệt hại; trong đó phần lớn diện tích bị gãy đổ từ 70 đến 100%. Trước thực trạng trên, huyện đã tập trung chỉ đạo bà con khẩn trương tận thu số gỗ bị gãy nhằm giảm bớt thiệt hại.

Đến nay, số rừng bị gãy đổ đã được tận thu khoảng 70%. Số diện tích còn lại cũng đang được người dân tích cực cắt bán cho các thương lái. Khai thác xong, nhiều người đã dọn thực bì, chuẩn bị đất đai để tiếp tục trồng rừng. Riêng số cây còn sống, bật gốc sau đợt bão đã được người dân dựng lại, tỉa bớt cành và vun gốc nên đã dần phát triển trở lại.

Toàn huyện Minh Hóa hiện đã gieo trồng trên 1.000 ha lạc.
Toàn huyện Minh Hóa hiện đã gieo trồng trên 1.000 ha lạc.

Để phục hồi lại nền kinh tế rừng, huyện cũng đã lập phương án hỗ trợ cây giống cho bà con. Theo phương án dự thảo, mỗi ha rừng bị gãy đổ từ 70% trở lên sẽ được hỗ trợ 1,4 triệu đồng, vùng rừng nào bị thiệt hại dưới 70% sẽ được hỗ trợ 700.000 đồng/ha. Ngoài ra, huyện cũng đang xây dựng phương án để hỗ trợ cho mỗi xã, thị trấn một mô hình trồng rừng cây bản địa với các loại cây, như: dỗi, huê, keo lai cấy mô trồng xen kẽ nhằm giảm tối thiểu thiệt hại do mưa bão.

Ông Đinh Trọng Yên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Nhìn chung, công tác sản xuất đầu năm trên địa bàn huyện có khá nhiều thuận lợi. Ngoài thời tiết ấm áp, bà con rất chủ động trong công tác chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất, như: làm đất, giống, phân bón để trồng các loại cây rau màu, chăm sóc lúa...

Việc ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất cũng được bà con quan tâm, đầu tư. Ngoài ra, phòng cũng đã cử cán bộ về cơ sở để giúp bà con hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cụ thể cho từng loại cây trồng; lên phương án tưới tiêu, điều tiết nguồn nước để sẵn sàng đối phó với thời tiết khô hạn có thể xảy ra"...

Xuân Vương



 

,