.

Hướng đi mới từ cây dứa

.
08:08, Thứ Năm, 22/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Được sự giúp đỡ của Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm khuyến nông Bố Trạch đã triển khai thí điểm mô hình trồng dứa trên diện tích đất cao su bị gãy đổ. Đây được xem là hướng đi mới trên vùng đất gò đồi xã Hòa Trạch, nhằm góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời hạn chế tình trạng độc canh của cây cao su.

Theo thống kê, cơn bão số 10 năm 2017 đã làm thiệt hại khoảng 6.200 ha diện tích cao su toàn huyện Bố Trạch, trong đó 3.000 ha bị thiệt hại khoảng 70%, 3.200 ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%. Hòa Trạch là một trong những địa phương chịu thiệt hại khá nặng nề. Từ sau cơn bão đến nay, nhiều hộ dân đang loay hoay lựa chọn cây trồng trên những diện tích cao su bị gãy đổ để vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế.

Sau cơn bão số 10 năm 2013, hơn 80% diện tích cao su của gia đình ông Dương Văn Hợi ở thôn Cà, xã Hòa Trạch đang trong thời kỳ khai thác bị gãy đổ. Qua nhiều năm, ông đã mạnh dạn vay vốn để chuyển sang trồng một số cây ngắn ngày, như: ngô, sắn, dưa...

A1: Mô hình trồng dứa của gia đình ông Dương Văn Hợi.
Mô hình trồng dứa của gia đình ông Dương Văn Hợi.

Mặc dù năng suất tương đối cao, song giá thành và đầu ra không ổn định, nên khi được sự giúp đỡ của Binh đoàn 15, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, gia đình ông Hợi đã tích cực phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện để triển khai trồng thí điểm 2 ha dứa. Ưu điểm của cây dứa là không yêu cầu chăm sóc chặt chẽ như một số cây trồng khác. Nông dân có thể trồng dứa vào bất kỳ thời gian nào trong năm và đạt được tỷ lệ sống khá cao.

Cây có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh gây hại cũng như thời tiết khắc nghiệt. Sau khi thu hoạch khoảng 60 ngày thì tiến hành tách những chồi nách đủ tiêu chuẩn để trồng, 1 ha dứa có thể lấy chồi trồng được 3 ha.

Ông Hợi cho biết: “Với việc được hỗ trợ 120 nghìn cây giống, 2.000m2 nilong phủ trên đất trị giá gần 130 triệu đồng, tôi đang tính đến việc phá bỏ diện tích cao su còn lại để chuyển qua chuyên canh cây dứa. Ngoài ra, điều làm cho tôi yên tâm nhất là đầu ra sản phẩm. Theo cam kết hợp đồng, sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được Binh đoàn 15 nhận bao tiêu 100%”.

Ông Nguyễn Thanh Vinh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bố Trạch cho hay: “Cây dứa khá phù hợp trên loại đất vàng, đỏ, sa thạch, phiến thạch, phù sa cổ. Cây thích ánh sáng tán xạ, có nhiệt độ cao. Trong giai đoạn quả phát triển, nếu thời tiết lạnh, ẩm và cường độ ánh sáng yếu kéo dài thì quả thường nhỏ, phẩm chất kém. Do vậy, trong quá trình triển khai mô hình, chúng tôi sẽ thường xuyên cử cán bộ kĩ thuật hỗ trợ bà con trong tất cả các công đoạn từ gieo trồng đến thu hoạch”.

Dự kiến sau khoảng 1 năm mô hình sẽ cho sản phẩm. Nếu kết quả khả quan, Trạm Khuyến nông Bố Trạch sẽ tiếp tục nhân rộng ra địa bàn các xã vùng gò đồi, đặc biệt là tại những địa phương có diện tích cao su bị gãy đổ lớn. Đây là hướng đi mới, phù hợp với chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà huyện Bố Trạch đề ra sau diễn biến thất thường và khắc nghiệt của thời tiết trong thời gian gần đây.

Thành Vinh
(Đài TT-TH Bố Trạch)
 

,