.

Chấn chỉnh hoạt động nghề cá

.
08:42, Thứ Tư, 21/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tháng 10-2017, Ủy ban Châu Âu áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ Vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản của nước ta không chỉ trên thị trường Châu Âu mà còn ở rất nhiều thị trường khác. Vì vậy, việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn toàn tỉnh ở thời điểm này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc chấn chỉnh những sai phạm, đồng thời thúc đẩy phát triển nghề cá.

Thẻ Vàng mà Ủy ban Châu Âu áp dụng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào Châu Âu là do ngành khai thác thủy sản nước ta vi phạm quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Lực lượng BĐBP cứu hộ thuyền viên tàu cá xa bờ gặp nạn trên biển.
Lực lượng BĐBP cứu hộ thuyền viên tàu cá xa bờ gặp nạn trên biển.

Cụ thể là khai thác thủy sản không có giấy phép hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác thủy sản; không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản; sử dụng loại nghề, ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; khai thác trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác các loài cấm khai thác hoặc dưới kích thước cho phép khai thác; khai thác trái phép trong vùng biển nước ngoài;..

Đó là thực trạng chung của cả nước. Còn với Quảng Bình, các hành vi khai thác bất hợp pháp chủ yếu là tàu giã cào đôi ngoại tỉnh khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ, thời gian cao điểm có lúc lên đến 30-40 cặp giã cào tiến hành cùng một lúc.

Thêm vào đó là tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Và điều đáng buồn nữa là hoạt động khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Trung Quốc vẫn chưa được chấm dứt.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh có 43 lượt tàu cá vi phạm vùng biển Trung Quốc. Đây là điều đáng buồn bởi các cấp ngành, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên? Chúng tôi đã về xã Cảnh Dương, một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu của huyện Quảng Trạch để tìm hiểu. Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Phạm Đình Tiến cho rằng, về cơ bản, người dân đã có những chuyển biến căn bản trong nhận thức đối với việc khai thác, đánh bắt thủy sản đúng pháp luật.

Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát các tàu khi đi và về của địa phương mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Cảnh Dương hiện có hơn 40 tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu khai thác cá hố và mực dùng để xuất khẩu.

Vì thế, cần phải có hướng dẫn cụ thể của Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành chức năng đối với vùng khai thác và những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu thủy sản. Nên chủ động tổ chức các hội nghị bảo đảm tập hợp được đông đảo ngư dân cùng tham gia để các nội dung tuyên truyền được quán triệt đầy đủ. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường ngăn chặn, xử lý các tàu giã cào của các địa phương khác hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, mặc dù địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ được xếp vào loại nhiều nhất tỉnh, nhưng nguồn lợi thủy sản đánh bắt được của địa phương chủ yếu là tiêu thụ trong nội địa.

Vì thế, các ngành chức năng cần chủ động tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ giá trị nguồn lợi thủy sản khi xuất khẩu để có kế hoạch triển khai nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. “Cần tăng cường công tác tuyên truyền trên cơ sở thống nhất cụ thể nội dung và chọn thời điểm các chủ tàu về đất liền, thường là từ sau ngày 10 đến trước ngày 20 hàng tháng. Cấp huyện cần bảo đảm lực lượng, phương tiện để tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nghề cá tại địa phương”, ông Chiến chia sẻ thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, khó khăn lớn nhất của huyện Bố Trạch là phương tiện, nhân lực bảo đảm công tác kiểm soát, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép của các tàu giã cào hạn chế. Vì thế, cùng với việc ký cam kết đối với các chủ tàu thì cũng cần tập trung xử lý nghiêm các sai phạm để bảo đảm tính răn đe.

Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta đã tuyên truyền, cùng với đó là thực hiện các biện pháp xử lý đối với những sai phạm của ngư dân khi tham gia khai thác thủy sản, nhưng hiệu quả chưa cao. Qua trao đổi với đồng chí Đại tá Nguyễn Thái Hồng, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP tỉnh, được biết từ năm 2017, BĐBP tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm trong khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chưa có căn cứ, chế tài xử phạt cụ thể nên chỉ dừng lại ở phạm vi nhắc nhở.

Vì thế, các sở, ngành liên quan cần có quy định cụ thể về xử phạt hành chính đối với các tàu đánh bắt xa bờ vi phạm lãnh hải nước ngoài để bảo đảm tính răn đe.

Ngày 22-1-2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu trên địa bàn tỉnh. Mục đích của việc thực hiện kế hoạch này là nhằm thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hiệu quả, tiến tới ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp; đồng thời bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.

Trên cơ sở kế hoạch này, Sở Nông nghiệp và PTNT phải chủ động xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật để quán triệt cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân và các cơ sở thu mua, kinh doanh hải sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thực hiện việc kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính... thực hiện các biện pháp nắm tình hình, tuần tra, xử lý vi phạm của ngư dân, tham mưu thực hiện công tác bảo hộ ngư dân khi bị nước ngoài bắt giữ,... UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tập trung thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản ven bờ và vùng nước nội địa trong phạm vi địa bàn...

Để làm tốt các nhiệm vụ trên, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản; chú trọng tuyên truyền về những thiệt hại nếu ngư dân vi phạm.

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, nhất là các xã biển phải chủ động thực hiện các giải pháp cụ thể để việc tuyên truyền được triển khai đến tận các hộ dân và tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức của các ngư dân; thực hiện ký cam kết không vi phạm và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, nhất là đối với các tàu giã cào nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách lâu dài.

BĐBP tỉnh kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phục vụ công tác tuần tra  trên biển.
BĐBP tỉnh kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phục vụ công tác tuần tra trên biển.

Như vậy có thể thấy, mục tiêu của việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá là bảo đảm quyền và lợi ích của ngư dân. Một khi ngư dân đã ký cam kết mà vẫn vi phạm thì các cơ quan chức năng phải bám vào nội dung cam kết để xử lý.

Đối với các tàu giã cào, cần tăng cường phối hợp xử lý vi phạm không chỉ giữa các địa phương trong tỉnh mà còn mở rộng phạm vi phối hợp giữa các tỉnh lân cận. Điều này giúp giảm thiểu hạn chế của các địa phương trong bối cảnh lực lượng, phương tiện thiếu thốn.

Mặt khác, nên chú trọng tuyên truyền thông qua hệ thống tờ rơi, sử dụng loại giấy đủ khả năng chống chọi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên biển để các ngư dân bố trí ngay trên phương tiện khai thác. Nội dung tờ rơi phải ghi rõ những điều cấm và hướng dẫn thực hiện các bước nếu bị phía nước ngoài bắt giữ; đồng thời giúp ngư dân hiểu rõ những lợi thế của việc tuân thủ luật pháp và tác hại của việc vi phạm đối với chính bản thân và lợi ích quốc gia.

Nguyễn Hoàng

 

,