.

Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng NTM

.
09:12, Thứ Sáu, 09/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, ở các xã biên giới tỉnh ta, số lượng các tiêu chí nông thôn mới đạt được còn rất thấp, chỉ từ 5 đến 9 tiêu chí, thậm chí có xã dưới 5 tiêu chí. Thời gian qua, bằng các chương trình, dự án cụ thể, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực bám dân, bám bản, vận động, tuyên truyền, hướng dẫn để từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, canh tác, sinh hoạt, đời sống..., góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới nơi đây.

Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đồng bào các tộc người Mày, Sách ở bản Ka Ai xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đã tích cực tỉa dặm, chăm sóc lúa đông-xuân. Công việc này được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đứng chân trên địa bàn.

Bản Ka Ai là một trong các địa bàn được bộ đội biên phòng Quảng Bình triển khai dự án lúa nước nhằm thay đổi tập quán canh tác, sản xuất nông nghiệp. Với diện tích 5 ha, 86 hộ đồng bào các tộc người Mày, Sách được cán bộ, chiến sỹ biên phòng hỗ trợ các khâu từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc cho đến thu hoạch. Đến nay, sau hơn 6 năm triển khai dự án, về cơ bản, đồng bào đã nắm bắt được kỹ thuật canh tác lúa nước cũng như thay đổi nhận thức trong sản xuất lương thực.

Ảnh 5 :Nhờ Bộ đội Biên phòng, đồng bào Rục đã biết làm lúa nước.
Nhờ Bộ đội Biên phòng, đồng bào Rục đã biết làm lúa nước.

Chị Hồ Thị Thủy, ở bản Ka Ai chia sẻ: “Từ lúc có lúa nước, hạt gạo, hạt cơm đầy đủ hơn. Làm ruộng lúa nước đỡ cực khổ hơn so với vào rừng phát nương làm rẫy để kiếm cái ăn. Làm ruộng lúa nước một năm hai vụ lại năng suất hơn. Còn đi rẫy phải mang chăn mang áo, mang cơm, mang gạo đi cực khổ lắm. Từ khi có ruộng lúa nước, nhà mình cùng với bà con dân bản chăm chỉ làm ruộng, không đi phát nương làm rẫy nữa”.

Còn ông Cao Xuân Xiêm, Trưởng bản Ka Ai cho biết: “Đến nay, bà con đã biết gieo, làm cỏ lúa, đã biết phân biệt được cây cỏ cùng với cây lúa. Tất cả là nhờ cán bộ biên phòng theo dõi, hướng dẫn tỉa lúa, dặm lúa”.

Thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo là giải pháp quan trọng để giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình tiến tới xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cư trú.

Đây cũng là nhiệm vụ mà cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cà Xèng đứng chân trên địa bàn xã Thượng Hóa triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Nhờ tích cực hướng dẫn, sau 8 năm triển khai dự án lúa nước, đến nay,một số hộ đồng bào Rục ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đã có thể tự làm các khâu từ ngâm ủ giống lúa đến gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Bên cạnh đó, khi ruộng đã được chia cho các hộ gieo cấy và thu hoạch, người dân đã tự giác hơn trong lao động, sản xuất.

Trong vụ đông-xuân năm 2017, năng suất lúa ở đây đạt 4 tấn/ha, xấp xỉ ngang với một số nơi khác trong tỉnh. Một số diện tích lúa thiếu nước tưới đã được chuyển sang trồng ngô nên phát huy hiệu quả kinh tế hơn. Nhờ năng suất lúa đạt khá, cây ngô cho nhiều quả, đồng bào Rục trên địa bàn xã Thượng Hóa nhận thức ngày càng rõ hơn việc tự sản xuất lương thực.

Để giúp đồng bào nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn, bền vững hơn nữa, thời gian tới, Đồn biên phòng Cà Xèng sẽ “cầm tay, chỉ việc” để đồng bào Rục sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Thượng tá Trần Đình Tứ,  Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết, ngoài ruộng lúa nước, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch, hướng dẫn bà con trồng keo, tràm để phát triển kinh tế. Đối với một số diện tích có thể trồng lạc, đậu xanh, anh em hướng dẫn bà con trồng để đem ra chợ bán”.

Tỉnh Quảng Bình có tuyến biên giới Việt - Lào dài 201 km, chạy dọc trên 9 xã với hơn 7.600 hộ/hơn 30.000 khẩu. Địa bàn biên giới là nơi định cư chủ yếu của hai dân tộc thiểu số Bru -Vân Kiều và Chứt. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chủ động, tham mưu phối hợp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đặc biệt tham gia, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh ở khu vực biên giới, góp phần hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Nguyễn Minh Phong
(Đài PT-TH Quảng Bình)


 

,