.

Hàng Việt về với vùng biên

.
08:13, Thứ Ba, 27/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sức lan tỏa rộng rãi từ thành thị cho tới nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Trước đây, mạng lưới hàng Việt về với các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn rất mỏng và yếu. Người tiêu dùng những nơi xa xôi này còn xa lạ với hàng Việt Nam và doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng bám trụ.

Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã cố gắng tiếp cận và đưa sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều năm nay, Quảng Bình vẫn nỗ lực đưa hàng Việt về các địa phương miền núi khó khăn. Trái ngược với lo ngại ban đầu, những chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi luôn được người dân háo hức đón chờ.

Chị Hồ Thị Son, ở bản Eo Bù Chút Mút, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: "Mỗi tháng có 4-5 thương nhân ở dưới xuôi lên đây bán đủ các mặt hàng đồ dùng thiết yếu cho đồng bào dân tộc, trong đó các mặt hàng của Việt Nam chiếm 80%. Người ta bán chăn, màn, chiếu, áo quần, thức ăn khô..., giá cả cũng phải chăng nên trưởng bản phổ biến bà con trong bản với chủ trương: miềng người Việt nên ủng hộ sản phẩm của nước Việt...”.

Hàng Việt nay đã dễ dàng về với các bản làng xa xôi.
Hàng Việt nay đã dễ dàng về với các bản làng xa xôi.

Trong những năm gần đây, các sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ngày càng chiếm thị phần cao trong dịch vụ thương mại tại địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng biên. Qua đó, có thể thấy nhu cầu cũng như mức độ tin dùng hàng Việt của người dân trên địa bàn này ngày càng lớn.

Tuy nhiên, ở những vùng sâu, vùng xa, người dân nhận thức vẫn còn hạn chế, nên cứ thấy hàng rẻ là mua mà chưa quan tâm nhiều tới chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp ngành của huyện có các xã vùng biên nên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở những vùng còn nhiều khó khăn...

Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn trong việc lựa chọn, sử dụng hàng hóa nội địa.

Đặc biệt, qua các đợt thực hiện chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” do Sở Công thương và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh phối hợp với chính quyền các xã vùng sâu, vùng xã và vùng biên tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” tại xã Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch... đã thu hút đông đảo người dân tham quan mua hàng, tạo điều kiện để bà con tiếp cận với nhiều loại hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh.

Từ các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao, người dân khu vực miền núi đã có cơ hội được biết, được tiếp cận, mua sắm và sử dụng ngày càng nhiều hơn những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao và giá thành hợp lý. Anh Hồ Văn Via, xã Lâm Thủy, huyện Lê Thủy chia sẻ: “Bình thường, để được mua hàng Việt, chúng tôi phải đi xuống thị trấn hoặc trung tâm huyện. Nhờ các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, chúng tôi không phải đi xa mà vẫn có thể mua được hàng, giá lại rẻ hơn thị trường”.

Chị Hồ Thị Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, vừa nhanh tay chọn quần áo, vừa tâm sự: "Mình làm cán bộ trên xã nên có điều kiện đi lại mua sắm hơn các chị trên xã. Nhờ các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn bà con các xã, bản vùng cao như miềng đi lại đỡ vất vả, đỡ lo lắng khi lựa chọn sản phẩm và không phải băn khoăn về nguồn gốc.

Giờ đời sống bà con đỡ vất vả và khó khăn hơn trước nhưng kiến thức về thị trường, sản phẩm của bà con còn hạn chế. Vì thế chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi" giúp bà con nơi đây hưởng ứng tốt hơn chương trình “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”".

Phát huy những kết quả đạt được và thấy rõ được tầm quan trọng của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng Việt đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các khu trung tâm mua sắm, khu dân cư, hội chợ thương mại về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đặc biệt, tỉnh tổ chức các đợt bán hàng lưu động đưa hàng Việt về vùng cao, miền núi; tăng cường quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của địa phương để từng bước phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương.

Hiền Phương

 

,