.
Làng nghề Mai Hồng:

Giữ ấm ngọn lửa đúc rèn

.
08:33, Chủ Nhật, 21/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong khi nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước nguy cơ thất truyền, mai một, làng nghề Mai Hồng, thôn 8, xã Đồng Trạch (Bố Trạch) ngày đêm vẫn giữ ấm ngọn lửa đúc rèn, phát triển ổn định, tạo dựng được thương hiệu trong cơ chế thị trường.

Không còn ai nhớ chắc chắn nghề rèn của làng có từ bao giờ, nhưng cái tên “xóm lò rèn” đã có từ lâu. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đồng Trạch (Tập 1), năm 1959, trong phong trào hợp tác hóa của huyện Bố Trạch, bên cạnh các hợp tác nông nghiệp, mua bán, tín dụng ở xã Đồng Trạch được thành lập, một số nghề thủ công như nghề mộc, đúc rèn cũng được hợp tác hóa. Vì làng có nhiều người làm thợ rèn, lửa đỏ suốt ngày nên lấy tên là Hợp tác xã Mai Hồng.

Nghề đúc rèn Mai Hồng được hiện đại hóa với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại.
Nghề đúc rèn Mai Hồng được hiện đại hóa với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại.

Hợp tác xã ra đời đã chấm dứt thời kỳ cá thể, mở ra phương thức làm ăn mới trong nông thôn, áp dụng phương thức ăn chia theo công điểm, công việc được ghi theo lịch trên bảng tin. Phương thức làm ăn này đã khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả của việc làm ăn tập thể nên bà con rất hăng hái.

Từ những năm 1990, HTX Mai Hồng ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong việc quản lý và sản xuất, tìm kiếm thị trường và thúc đẩy sự tăng trưởng của hoạt động rèn đúc. Các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, đồ gia dụng, như: cuốc, xẻng, lưỡi cày, nồi đúc, kiềng... được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt,HTX Mai Hồng với cơ chế quản lý giao khoán sản phẩm không còn mang lại hiệu quả tích cực. Từ năm 2003, HTX Mai Hồng đã có sự chuyển hướng phù hợp, đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất kinh tế hộ, các gia đình quản lý thu chi về lợi nhuận.

Nhằm phát huy truyền thống đúc rèn có từ bấy lâu nay, năm 2008, Mai Hồng được công nhận là làng nghề đúc rèn truyền thống. Đây chính là cơ hội để địa phương thúc đẩy nghề ngày một phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng.

Người dân nơi đây đã mạnh dạn áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hoá nghề rèn truyền thống để tăng năng suất lao động. Nhiều hộ đã tự trang bị máy cán thép, máy mài, máy đột dập, máy búa, cắt... Từ chỗ chỉ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thì nay sản phẩm đã đa dạng hóa theo nhu cầu thị trường.

Về làng nghề Mai Hồng, mới tới đầu làng đã nghe tiếng búa máy đập chan chát, tiếng máy cắt, máy tiện nghe rộn ràng... Chúng tôi vào thăm một số gia đình có thâm niên gắn bó với nghề rèn để tìm hiểu rõ hơn về nghề đúc, rèn. Ông Nguyễn Xuân Tiến, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề này tâm sự: Ngày xưa làm nghề vất vả lắm, từ thổi bếp, quay bể đun than cho đến mài thủ công...

Nghề này chỉ dành cho nam giới có sức khỏe. Bây giờ có búa máy, máy mài, máy tiện, máy cắt, máy thổi lửa... nên việc nhàn và nhẹ hơn nhiều, lao động nữ cũng có thể làm được. Nhà tôi mỗi ngày có 5 nhân công thường xuyên, trong đó có 3 nữ, 2 nam. Cứ ngày nào lò rèn đỏ lửa là ngày đó có tiền, mỗi tháng bình quân làm được 20 ngày, mỗi ngày thu về từ 1 đến 1,2 triệu đồng”.

Đặc biệt, từ khi nghề đóng tàu ở Quảng Bình phát triển, làng nghề Mai Hồng cũng phát triển rầm rộ theo. Các sản phẩm, như: đinh đóng tàu, chân vịt, bu long, ốc vít chì câu mực, de, khay đựng mực, cá... được người dân nơi đây sản xuất hàng ngày, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà vươn ra các tỉnh bạn, như: Bình Định, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Ninh...

80% sản phẩm làng nghề ở Mai Hồng phục vụ ngư nghiệp, 20% phục vụ nông nghiệp và đồ gia dụng.
80% sản phẩm làng nghề ở Mai Hồng phục vụ ngư nghiệp, 20% phục vụ nông nghiệp và đồ gia dụng.

Hiện nay, 80% sản phẩm làng nghề Mai Hồng phục vụ ngư nghiệp, 20% phục vụ nông nghiệp và đồ gia dụng. Do đa dạng sản phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường, nhu cầu của ngư dân, nông dân nên làng nghề vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Các sản phẩm của làng nghề với hệ thống máy móc hỗ trợ, không những năng suất lao động cao hơn hẳn mà còn bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tính chính xác của sản phẩm, tiết kiệm chi phí lao động, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng thôn 8, xã Đồng Trạch cho biết, hiện nay, thôn 8 có 162 hộ, trong đó hơn 80 hộ chuyên làm nghề rèn đúc, cơ khí hóa. 17 hộ có quy mô lớn, có từ 4 đến 12 công nhân làm thường xuyên, riêng Công ty Thái Châu Minh có quy mô lớn nhất, thu hút trên 20 công nhân lao động thường xuyên. Thu nhập bình quân của thợ chính đạt 500 nghìn đồng/ngày, thợ phụ là 200 nghìn đồng/ngày.

Dẫu không tránh khỏi quy luật thịnh suy của làng nghề, nhưng vượt qua những thăng trầm của thời gian, làng nghề Mai Hồng hôm nay vẫn giữ được ngọn lửa đúc rèn. 

Thanh Hoa




 

,