.
Bố Trạch:

Nhộn nhịp nghề biển

.
08:04, Thứ Ba, 02/01/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Bố Trạch là địa phương có bờ biển dài khoảng 24km, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế biển.
 
Sau sự cố môi trường biển năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của Nhà nước, huyện Bố Trạch đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ và động viên ngư dân tiếp tục bám biển, vươn khơi. Nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế biển có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tăng cao, đời sống bà con được cải thiện đáng kể, góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
 
Vào những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại xã Đức Trạch. Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch Trương Công Hoạt, chúng tôi tìm về các hộ dân tham gia đánh bắt, chế biến thủy sản.
 
Sau hơn một năm, từ khi sự cố môi trường biển xảy ra, giờ đây, đời sống ngư dân Đức Trạch đã dần ổn định trở lại. Đến thăm cơ sở chế biến nước mắm Bà Vinh của bà Lê Thị Vinh (thôn Trung Đức), từ xa chúng tôi đã cảm nhận được vị thơm ngon của nước mắm tỏa ra phảng phất trong gió biển. 
Nước mắm Bà Vinh (xã Đức Trạch) thơm ngon  được nhiều người tin dùng.
Nước mắm Bà Vinh (xã Đức Trạch) thơm ngon được nhiều người tin dùng.
Trời đã chiều, nhưng bà Vinh vẫn đang bận rộn với việc xáo, trở lứa nước mắm mới làm được trong năm nay. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Vinh cho biết: “Nước mắm của gia đình tôi đã có thương hiệu từ lâu, nhiều khách hàng ở tỉnh bạn vẫn biết để tìm về mua sản phẩm ở đây. Khi sự cố môi trường biển xảy ra, để bảo đảm sức khỏe cho khách hàng và uy tín thương hiệu nước mắm của gia đình, tôi đã ngừng việc thu mua hải sản để chế biến nước mắm, các loại mắm, ruốc khác và chỉ bán các loại nước mắm được gia đình làm trước khi xảy ra sự cố.
 
Giờ biển đã hồi sinh, gia đình tôi trở lại với nghề và cũng rất may mắn là những khách hàng quen thuộc vẫn tin tưởng tìm về mua sản phẩm của gia đình, bên cạnh đó cũng bắt đầu có thêm những vị khách mới”.
 
Tạm chia tay cơ sở nước mắm Bà Vinh, chúng tôi tìm về cơ sở đóng tàu của anh Hoàng Xuân Hải ở thôn Nam Đức. Không khí làm việc của mọi người nơi đây khá tất bật. Một công nhân trẻ tại cơ sở chia sẻ: “Còn mấy ngày nữa là hết năm rồi nhưng số lượng tàu đặt hàng của khách còn nhiều lắm, nên chúng tôi phải làm nhanh để đáp ứng yêu cầu của khách”.
 
Ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch cho biết, với chủ trương chuyển đổi sang tàu có công suất lớn để vươn khơi xa, hiện nay, số lượng tàu đặt đóng tại xã Đức Trạch khá nhiều và cơ bản là tàu có công suất từ 700-1.000 CV.
 
Trong năm 2017, toàn xã đã có 43 chiếc tàu hạ thủy, trong đó, cơ sở đóng tàu của anh Hải có 15 chiếc đã hạ thủy, còn 5 chiếc đã đặt hàng nhưng phải qua năm 2018 mới làm kịp. Việc đóng tàu cũng giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động, với mức lương từ 300-400.000 đồng/ngày. 
 
Để đối phó với những khó khăn chung do sự cố môi trường biển và thực trạng cạn kiệt thủy sản gần bờ, thời gian qua, bà con ngư dân xã Đức Trạch nói riêng, ngư dân huyện Bố Trạch nói chung đã đẩy mạnh đóng mới tàu thuyền công suất lớn, tiếp tục duy trì việc ra khơi đánh bắt xa bờ.
 
Hiện nay, toàn huyện có 1.016 tàu cá, trong đó, tàu có công suất trên 500 CV là 236 chiếc, tàu có công suất từ 20 CV-500 CV là 195 chiếc, công suất dưới 20 CV là 585 chiếc.
Nghề đóng tàu góp phần phát triển kinh tế biển  huyện Bố Trạch.
Nghề đóng tàu góp phần phát triển kinh tế biển huyện Bố Trạch.
Riêng xã Đức Trạch, có 236 tàu trên 90CV. Với số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngày càng nhiều hơn, sản lượng khai thác thủy sản nhờ thế cũng tăng cao, đạt khoảng 20.193,5 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ.
 
Anh Hồ Đăng Hiền, thôn Nam Đức, cho biết, cá ở gần bờ hiện nay đã cạn kiệt, nếu không ra khơi ra thì các chuyến đi biển sẽ bị lỗ. Mặt khác, khai thác hải sản trên tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại sẽ hoạt động được dài ngày trên biển, tiết kiệm chi phí, hải sản được bảo quản bằng công nghệ cấp đông nên chất lượng bảo đảm hơn.
 
Vì thế, năm 2015, gia đình anh Hiền đã quyết định vay vốn ngân hàng, đầu tư đóng tàu vỏ thép với công suất 822CV. Hiện nay, tàu cá của anh Hiền hoạt động khá hiệu quả, tổng thu đạt gần 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu.
 
Bên cạnh đó, tàu cá của anh Hiền góp phần giải quyết việc làm cho 10-12 lao động, với thu nhập khoảng 80-90 triệu đồng/năm. Không riêng tàu cá anh Hiền, nhiều tàu cá của ngư dân Đức Trạch cũng đang hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của Đức Trạch đến nay giảm xuống còn 1,76%.
 
Với những lợi thế có được trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, thời gian qua, huyện Bố Trạch luôn quan tâm đầu tư đúng mức, kịp thời các chính sách hỗ trợ về đánh bắt và nuôi trồng. Bên cạnh đó, huyện cũng huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá ven biển tại cảng cá sông Gianh, khu neo đậu tránh trú bão ở Bắc Trạch, các trạm thông tin liên lạc tầm xa giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.
 
Đồng thời, huyện cũng lập quy hoạch phân vùng sử dụng đất cát ven biển để triển khai trồng rừng phòng hộ, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, phát triển kinh tế địa phương vùng biển theo hướng bền vững.
 
Nhờ có chính sách hỗ trợ và vay vốn kịp thời, bà con ngư dân đã chủ động bám biển, đầu tư đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn đánh bắt vùng biển xa. Mặt khác, hoạt động phối hợp, hỗ trợ tốt của các tổ hợp tác đánh bắt trên biển góp phần nâng cao hiệu quả và bảo đảm an toàn khi khai thác.
 
Chính sách hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển và Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi thủy sản giai đoạn 2016-2020 đã kịp thời động viên, khích lệ người dân mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.
 
Vì vậy, nuôi trồng thủy sản đã phục hồi và phát triển sau sự cố môi trường biển, sản lượng thu hoạch năm 2017 đạt trên 2.913 tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt hơn 1.711 ha, tăng 19,7% so với cùng kỳ. 
Tàu vỏ thép của gia đình anh Hồ Đăng Hiền (xã Đức Trạch) vươn khơi.
Tàu vỏ thép của gia đình anh Hồ Đăng Hiền (xã Đức Trạch) vươn khơi.
Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại phát sinh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 được huyện chú trọng thực hiện nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mức sống của người dân.
 
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu thuyền/nghề khai thác hướng theo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, tổ đoàn kết khai thác thủy sản, đưa ứng dụng công nghệ bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%, hỗ trợ tích cực chuyển đổi khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, khai thác xa bờ, dịch vụ, chế biến thủy sản...
 
Về nuôi trồng thủy sản, huyện tập trung phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn lợ theo quy hoạch, nhất là nuôi tôm theo hướng thân thiện với môi trường, hiệu quả và bền vững...
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, ngoài việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, đầy đủ cho bà con ngư dân, huyện còn thường xuyên động viên, thăm hỏi và giải quyết các vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở, sát với tình hình thực tiễn, tạo mọi điều kiện để người dân yên tâm bám biển sản xuất và thực hiện bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, huyện từng bước rà soát quy hoạch, có các giải pháp hữu hiệu để trong tương lai gần sẽ khai thác tốt tiềm năng du lịch biển, góp phần nâng cao thu nhập, từ đó xây dựng quê hương Bố Trạch phát triển nhanh và bền vững. 
 
Lê Mai
,