.

Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Hướng tới thị trường lớn

Thứ Ba, 19/12/2017, 11:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi ở Quảng Bình tăng mạnh về số lượng và quy mô.  Để từng bước nâng cao chất lượng, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi, một trong những giải pháp hiệu quả là xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Hiệu quả thực tiễn

Trang trại chăn nuôi của anh Võ Văn Dương, thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch được công nhận an toàn đối với dịch bệnh tả trên lợn và dịch cúm gia cầm trên vịt. Trang trại của gia đình anh Dương hiện có 25 con lợn nái, đủ đáp ứng về con giống; 200-300 con lợn thịt, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 20-25 tấn thịt; khoảng 1.000 con vịt, mỗi năm cung cấp từ 20-25 vạn quả trứng.

Để đàn vật nuôi sinh trưởng tốt, gia đình anh Dương luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; thực hiện nghiêm túc việc tẩy uế môi trường, vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng; chú trọng nguồn thức ăn sạch và dinh dưỡng hợp lý, nhất là đối với đàn vịt, để có chất lượng trứng tốt. Anh Dương chia sẻ, từ ngày thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đàn vật nuôi của gia đình anh luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh.

Cũng là một trong những trang trại được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, anh Đinh Đăng Tuân, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp ở thôn Đoàn Việt, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, anh được các cán bộ thú y hướng dẫn cách tiêm phòng đầy đủ và tiêm phòng bổ sung thường xuyên các vắc xin cần thiết cho đàn lợn. Nhờ vậy, tình trạng sức khỏe đàn lợn của trang trại được cải thiện đáng kể, tỷ lệ bảo hộ đối với bệnh dịch tả lên đến trên 70%.

Cán bộ thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng tại cơ sở an toàn dịch bệnh.
Cán bộ thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng tại cơ sở an toàn dịch bệnh.

Có thể thấy, đến với các cơ sở chăn nuôi ATDB, sự hài lòng đầu tiên là môi trường chăn nuôi với không gian thoáng sạch, bảo đảm vệ sinh. Hệ thống phun thuốc khử trùng chuồng trại hiện đại, những hố sát trùng ở từng lối đi... đã tạo thành các vòng bảo vệ vật nuôi trước những mầm bệnh gây hại từ bên ngoài.

Cũng nhờ đó, theo kết quả đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng tại các cơ sở đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh, có từ 70% số mẫu trở lên có kháng thể đạt mức bảo hộ đối với bệnh đăng ký chứng nhận an toàn theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT.

Quyết tâm nhân rộng

Trước đây, do tập quán, thói quen, người dân thường chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khuôn viên gia đình để tiện chăm sóc nên hầu hết các chất thải không được xử lý, xả thẳng ra ao hồ, kênh mương gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp...

Việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đã đem lại nhiều lợi ích, ưu thế cho người chăn nuôi và cộng đồng, thế nhưng, đến nay số hộ, cơ sở chăn nuôi trong tỉnh tham gia thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và được cấp giấy chứng nhận vẫn còn rất ít.

Để nhân rộng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã chủ động xây dựng các văn bản để triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 173/KH-CNTY ngày 21-4-2017 về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2017 với mục tiêu toàn tỉnh xây dựng được 10 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn và giám sát 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản; công văn số 182/CNTY-QLDB ngày 27-4-2017 về việc giám sát các cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2016, rà soát các cơ sở đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh năm 2017...

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, để người chăn nuôi hiểu và tự giác tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, các cán bộ thú y đã tìm đến từng hộ chăn nuôi để tuyên truyền, vận động, giải thích.

Cụ thể, các hộ chăn nuôi tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Khoản 2 Điều 17, Khoản 2 Điều 39 và Khoản 2 Điều 55 của Luật thú y; đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn, được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản, được xem xét, đề xuất bán động vật thủy sản thương phẩm mà không phải qua sơ chế, chế biến khi có công bố dịch tại địa phương theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Cùng với việc tuyên truyền về lợi ích của cơ sở an toàn dịch bệnh, cán bộ thú y cũng đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi về những quy định và cách thức đăng ký tham gia xây dựng. Nhờ sự nỗ lực của cán bộ ngành chăn nuôi, các cấp chính quyền và việc thay đổi nhận thức của nhiều hộ chăn nuôi, năm 2017, toàn tỉnh Quảng Bình đã có thêm 16 cơ sở chăn nuôi và 4 cơ sở sản xuất, nuôi thương phẩm thủy sản đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Là cơ sở an toàn dịch bệnh, các cơ sở chăn nuôi này sẽ được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) hoặc Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) khi có yêu cầu; được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... Đây cũng là hướng đi tất yếu để người chăn nuôi trong tỉnh vươn xa hơn đến các thị trường tiêu thụ lớn trong nước và thế giới.


Theo Thông tư số 14/2016-BNNPTNT ngày 2-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, để được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu: áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; không xảy ra dịch bệnh; có kế hoạch và thực hiện việc giám sát dịch bệnh...

Sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn tất các hồ sơ liên quan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cấp xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống theo quy định. Định kỳ hàng năm, cơ quan thú y xây dựng và thực hiện kế hoạch đánh giá một lần đối với vùng, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và đánh giá đột xuất khi cần thiết.

Lê Mai