.
Xã Hưng Thủy:

Tích cực chăm sóc kiệu phục vụ Tết Nguyên đán

Thứ Tư, 27/12/2017, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Với đặc tính chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao, từ nhiều năm qua, cây kiệu được nông dân xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) lựa chọn làm cây trồng chủ lực. Nhiều hộ gia đình nhờ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng kiệu đã đem lại nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. Thời điểm hiện tại, người dân Hưng Thủy đang tích cực chăm sóc cây kiệu để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Là hộ trồng kiệu lâu năm, năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Phướng, ở thôn Tây Giáp trồng hơn một sào kiệu. Đến nay, các luống kiệu của gia đình ông đã được hơn hai tháng, phát triển tốt. Ông cho biết, kiệu là cây ưa ẩm, thích hợp với đất cát pha nhiều mùn. Thời gian xuống giống đến khi thu hoạch kiệu là 5 tháng.

Vì vậy, để kịp đáp ứng nhu cầu kiệu Tết, những hộ trồng kiệu như gia đình ông phải xuống giống từ đầu tháng 8 âm lịch. Trồng kiệu tuy tốn nhiều công chăm sóc nhưng lợi nhuận mang lại cao. Cái khó của việc trồng kiệu là phải canh thời tiết để ươm giống và xuống giống sao cho đúng thời điểm; đồng thời phải chăm sóc đúng quy trình thì cây mới cho củ đẹp.

Nông dânxã Hưng Thủy chăm sóc kiệu, phục vụ Tết.
Nông dânxã Hưng Thủy chăm sóc kiệu, phục vụ Tết.

Cũng là gia đình trồng kiệu lâu năm, bà Trần Thị Sảnh, ở thôn Đoàn Kết cho biết, trước đây, gia đình  bà chỉ trồng lúa, tuy nhiên, sau khi thu hoạch, lời lãi không được bao nhiêu, nên đã chuyển qua trồng kiệu và loại cây này đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá ổn định.

Theo nhiều hộ dân trồng kiệu, để xuống giống kiệu Tết, người dân phải trải qua nhiều công đoạn, như: làm đất, cắt ngọn rồi mới làm đất xuống giống. Chăm sóc kiệu cũng rất công phu, nhất là việc điều tiết nước khi đất mới xuống giống. Nếu thiếu nước, đất khô, kiệu sẽ không lên mầm. Còn để nhiều nước, kiệu sẽ bị ngập úng, thối giống. Bên cạnh chăm sóc tốt, việc chọn giống cũng là một khâu quan trọng.

Những hộ có thâm niên, kỹ thuật thường chọn cách tự giâm giống để tiết kiệm chi phí. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi sào kiệu cho năng suất 1 tấn, giá kiệu giao động ở mức từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân còn lãi 8 – 10 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Hữu Nước, Chủ tịch Hội nông dân xã Hưng Thủy cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 42 ha kiệu, năng suất bình quân đạt 40 – 45 tấn/ha, mỗi ha người dân thu lãi cả trăm triệu. So với trồng lúa và các hoa màu khác, kiệu có lãi gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đầu ra của kiệu chưa ổn định, giá cả bấp bênh, còn phụ thuộc vào thương lái cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Thế nên, bà con mong muốn tìm được đầu ra ổn định để người trồng kiệu có thể yên tâm sản xuất”.

Phạm Hà