.

Vì sao xã Quy Hóa "rớt" chuẩn nông thôn mới?

Thứ Tư, 06/12/2017, 11:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Quy Hóa là xã duy nhất của huyện Minh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, theo các tiêu chí mới của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, xã Quy Hóa có đến 5 tiêu chí chưa đạt chuẩn, 1 tiêu chí đạt thấp. Trong số các tiêu chí chưa đạt có 2 tiêu chí quan trọng là thu nhập và hộ nghèo.

 

Với nhiều nỗ lực của địa phương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, Trường mầm non Quy Hóa được hoàn thành từ năm 2016.
Với nhiều nỗ lực của địa phương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, Trường mầm non Quy Hóa được hoàn thành từ năm 2016.

Quy Hóa là một xã miền núi với 330 hộ, 1.300 nhân khẩu và 760 lao động. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, xã đã huy động nguồn kinh phí trên 34,3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; nhiều mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với sự nỗ  lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã, năm 2016, Quy Hóa đã được UBND tỉnhcông nhận là xã nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015.

Trên đà xây dựng nông thôn mới, Quy Hóa nỗ lực đẩy nhanh tốc độ nâng cao thu nhập và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, toàn xã Quy Hóa chỉ có 30 ha diện tích trồng lúa hai vụ, năng suất bình quân đạt khoảng 45 tạ/ha và một số diện tích trồng ngô, lạc, rau màu các loại. Là một địa phương ở miền núi, nhưng cả xã chỉ có trên 550 ha đất lâm nghiệp, trong đó 330 ha diện tích rừng giao khoán bảo vệ, trên 113 ha diện tích rừng sản xuất, số còn lại là diện tích đồi núi đá.

Chăn nuôi ở Quy Hóa không phát triển vì không có đồng cỏ để cung cấp thức ăn cho gia súc; tiểu thủ công công nghiệp và dịch vụ không phát triển vì không thể cạnh tranh với địa phương lân cận là thị trấn Quy Đạt.

Do đó, thu nhập bình quân đầu người của xã không đưa lên được trên 18 triệu đồng/năm. Trong khi đó, theo bộ tiêu chí mới thu nhập bình quân đầu người của xã miền núi phải đạt từ 36 triệu đồng/người/năm.

Ở xã Quy Hóa, trong số 4 thôn của xã, thôn 3 - Thanh Long là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã với 64 hộ nghèo trong tổng số 104 hộ toàn thôn. Nguyên nhân là do dịch vụ, thương mại không phát triển và không có đất rừng.

Bà Trương Thị Sang, Trưởng thôn 3 – Thanh Long, xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa cho biết thêm: “Thôn không có đất rừng, lao động không có việc làm, đất trồng lúa rất ít, còn chăn nuôi không phát triển được vì không có nơi chăn dắt. Đi rà soát hộ nghèo, chúng tôi thấy nhiều hộ gia đình không có vật dụng đáng giá”.

Thu nhập thấp, người dân thôn 3 – Thanh Long nói riêng, xã Quy Hóanói chung phải tích cực tập trung làm cho đủ ăn, không có điều kiện để mua sắm, trang bị tài sản, trong khi đó, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 được tính bằng thang điểm. Cụ thể, với từng gia đình có số lượng nhân khẩu, từng loại tài sản... sẽ được ấn định một mức điểm nhất định. Tiêu chí để xác định hộ nghèo ở nông thôn có mức điểm từ 120 trở xuống. 

Bên cạnh hầu hết người dân luôn có ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân trong xã trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo. Việc này cũng đã làm ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo của xã.

Thời gian tới, cấp ủy, mặt trận, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước về chính sách đối với hộ nghèo nhằm giúp người dân phấn đấu vươn lên thoát nghèo; đồng thời tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

“Để có giải pháp khắc phục các tiêu chí không đạt, Đảng bộ, HĐND xã Quy Hóa đã đưa ra nhưng nghị quyết để kịp thời lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế. Trong đó, Quy Hóa tập trung phát triển trồng rừng và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm”. Ông Đinh Xuân Hoàng,  Chủ tịch UBND xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa chia sẻ.

Ở Minh Hóa, không riêng xã Quy Hóa, các địa phương đang triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trong điều kiện rất khó khăn do xuất phát điểm về cơ sở hạ tầng; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao.  Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 11 xã tăng 23 tiêu chí, nhưng không có xã nào tăng về tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Nguyễn Minh Phong
(Đài PT-TH Quảng Bình)