.

Thế "chân kiềng" ở Sen Thủy

Chủ Nhật, 24/12/2017, 17:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Sen Thủy (Lệ Thủy) đang tập trung phát triển kinh tế ở ba “mặt trận” chính: trồng rừng, chăn nuôi và dịch vụ. Thế “chân kiềng” được xác định rất cụ thể và ngày càng rõ nét hơn. Nhưng, với vùng đất nhiều tiềm năng này, vẫn còn đó những “chân kiềng” chưa thật vững chắc trong phát triển, cần có những cách nghĩ, cách  làm mới hơn...

Sen Thủy là địa phương có điều kiện tự nhiên khá đặc biệt ở huyện Lệ Thủy. Có đồi núi, có vùng cát gần biển, có ao hồ, có đất trồng lúa, có Quốc lộ xuyên qua... Đặc biệt là diện tích tự nhiên của xã rất lớn, với hơn 7.500 ha, rộng nhất trong huyện, trừ ba xã vùng đồng bào dân tộc. Sen Thủy cũng đã “đóng đinh” trong lòng du khách xa gần với Bàu Sen lộng gió và món đặc sản cháo cá...

Rừng keo 2 năm tuổi của người dân thôn Nồm Bớc (Sen Thủy, Lệ Thủy).
Rừng keo 2 năm tuổi của người dân thôn Nồm Bớc (Sen Thủy, Lệ Thủy).

Theo anh Lê Đăng Ninh, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy, trong những năm qua. địa phương chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế theo ba hướng chính. Đó là trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc và dịch vụ. Hiện nay, Sen Thủy có diện tích rừng trồng hơn 5.000 ha. Đàn gia súc, gia cầm có đến 58 nghìn con, về dịch vụ, toàn xã có 315 hộ kinh doanh lớn nhỏ với nhiều loại hình ăn uống, dịch vụ trải dài trên “mặt tiền” hơn 10 km Quốc lộ 1 chạy qua địa phận xã.

Với địa hình và điều kiện tự nhiên như Sen Thủy, phát triển kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực trên được coi là đúng hướng, khai thác tiềm năng thế mạnh hiện có của địa phương. Tuy nhiên, đi sâu vào từng lĩnh vực, vẫn bộc lộ những hạn chế mà nếu không khắc phục thì Sen Thủy khó có thể bứt phá trong thời gian tới.

Trồng rừng với người dân Sen Thủy đã có từ rất lâu và xã cũng là địa phương đi đầu trong phong trào trồng rừng của huyện. Nơi đây, những năm chín mươi của thế kỷ trước, đã có những vườn ươm cây giống với số lượng lớn cung cấp cho nhiều nơi trong huyện, tỉnh.

Trong những năm qua, rừng trồng phát triển rất nhanh, đến nay diện tích đất trống hầu như không còn nữa. Nhưng, khi tiếp cận với những diện tích rừng trồng ở đây chúng tôi thấy có nhiều vấn đề cần quan tâm.

Trừ một số thôn, như: Trầm Kỳ, Sen Thượng, có diện tích đáng kể rừng thông, còn lại phần lớn rừng trồng ở đây là cây keo, tràm, nhiều địa bàn gần biển cũng trồng keo, tràm. Bão số 10 năm 2013 và  năm nay đã san phẳng nhiều diện tích keo, tràm, bởi đây là thứ cây giòn, dễ gãy, tán lá nặng. Theo thống kê của xã, bão số 10 vừa qua có đến 35% diện tích rừng trên địa bàn bị bão làm gãy đổ, tính ra tiền thì đó là một con số rất lớn. Mặt khác, tính kinh tế của rừng trồng, nhất là rừng keo, tràm là không cao.

Theo anh Lê Đăng Ninh, tính bình quân, trồng keo một năm chỉ thu được khoảng 10-12 triệu đồng/ha. Anh Nguyễn Văn Hiểu, nguyên chủ tịch UBND xã Sen Thủy cũng chia sẻ, trồng rừng thu nhập thấp, lãng phí đất đai, chính quyền địa phương rất trăn trở vấn đề này.

Rừng trồng rộng lớn là thế, nhưng hiện nay, trên địa bàn chỉ mới có một cơ sở thu gom gỗ mà chưa có một cơ sở sơ chế nào. Nông dân phần lớn phải bán qua khâu trung gian nên giá thấp, việc mua bán cũng có những khó khăn nhất định. Có được những cơ sở sơ chế gỗ rừng trồng trên địa bàn là đòi hỏi chính đáng của người dân. Tất nhiên, ngoài sự quan tâm kêu gọi đầu tư của tỉnh, huyện, ngay chính bản thân chính quyền xã cũng cần năng động trong kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn mình.

Trong khi rừng trồng phát triển khá mạnh về diện tích thì chăn nuôi trâu, bò có dấu hiệu chững lại. Theo báo cáo của UBND xã, năm 2017, toàn xã có 1.600 con trâu, bò, trong đó có 425 con trâu, giảm 5% so với năm ngoái. Còn nhớ, cách đây 5 năm, khi về đây làm việc với địa phương, được biết, đàn trâu, bò của xã đạt trên 2.000 con. Chúng tôi đã đi về một số thôn để tìm hiểu nguyên nhân của việc giảm đàn.

Tại thôn Nồm Bớc, ông Lê Đức Minh cho hay, gia đình ông mấy năm trước có 10 con bò, nhưng nay giảm còn 4, việc giảm đàn là do chăn thả khó khăn, diện tích hoang hóa lâu nay được coi là đồng cỏ tự nhiên đều đã trồng rừng gần hết nên không còn nhiều cỏ cho chúng ăn. Nuôi bò có lợi nhiều không?

Trước câu hỏi này, ông Minh phân tích, mặc dù giá cả lúc lên lúc xuống, nhưng nuôi bò cho thu nhập khá, chẳng hạn một con bê nuôi khoảng 8-10 tháng là có thể bán được 10 triệu đồng, còn bò trưởng thành (khoảng 3 tuổi) bán đến gần 30 triệu đồng, lúc cao lên đến 40 triệu đồng...

Ông Minh cho biết, ở xã này, các thôn, như: Trung Tân, Sen Bình, có đàn trâu bò lớn hơn, có nhiều hộ gia đình nuôi hơn. Sen Bình là thôn chúng tôi đã có lần đặt chân đến. Ở đây có hồ nước khá lớn, có những đồi cây lúp xúp thoáng rộng... Nhưng, bây giờ thôn toàn là keo, tràm xanh ngút ngát. Nhiều hộ nuôi có tổng đàn lớn, như: hộ ông Triển, ông  Đề, cũng đang thu nhỏ lại, bởi một lý do, thiếu nơi chăn thả như trước đây.
Từ trồng rừng và chăn nuôi, chúng tôi thấy Sen Thủy cần có những điều chỉnh trong phát triển hai lĩnh vực quan trọng này. Với rừng trồng, có lẽ cũng cần khẳng định rằng, không thể trồng rừng một cách ồ ạt, bất chấp những điều kiện tự nhiên và chấp nhận rủi ro. Những vùng gần biển, tỉnh đã khuyến cáo không nên trồng keo, tràm. Nhiều vùng rừng trồng đất đai khá tốt, lại gần khu dân cư, gần các trục giao thông, nên chuyển qua phát triển các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Tiếp theo là nên chuyển một số diện tích rừng trồng sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi ở những vùng đất thích hợp, nhằm đẩy mạnh một lĩnh vực có hướng phát triển tốt, rất có tiềm năng ở đây. Về vấn đề này, anh Hiểu, nguyên chủ tịch UBND xã, cũng khẳng định, đây là hướng đi đúng đối với Sen Thủy.

Bò được bà con thả rông trong rừng trồng.
Bò được bà con thả rông trong rừng trồng.

Trồng cỏ để phát triển chăn nuôi trâu, bò không còn là điều mới lạ, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã làm. Nhưng, khi đưa chuyện trồng cỏ để nuôi bò trao đổi với những hộ gia đình nuôi bò ở thôn Nồm Bớc, họ đều nói chưa nghe ai nói gì về chuyện này mà cũng chưa thấy ai trong địa phương làm cả, trâu bò cứ thả rông, nhặt nhạnh từng cọng cỏ trong rừng trồng.

Theo chúng tôi được biết, hai thứ cỏ phục vụ chăn nuôi bò tốt nhất hiện nay là cỏ voi và cỏ sả. Bình quân mỗi ha cỏ có thể phục vụ chăn nuôi khoảng 40-50 con bò. Mỗi hộ gia đình nếu trồng vài sào cỏ là có thể tạo nên những nét mới trong chăn nuôi. Thời gian qua, tỉnh, huyện đều có những chính sách hỗ trợ tích cực cho nông dân trong phát triển chăn nuôi. Riêng về trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi, huyện Quảng Ninh có những hỗ trợ khá mạnh tay cho nông dân.

Thế nhưng, vấn đề này còn xa lạ với người dân Sen Thủy, có phải do chính quyền địa phương chưa năng động? Theo chúng tôi, với cấp xã, ngoài việc nắm bắt các cách làm ăn mới để tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cán bộ cần sâu sát cơ sở để vận động xây dựng những mô hình cụ thể, có tính dẫn dắt phong trào sản  xuất ở địa phương. 

Rời Sen Thủy trở về TP.Đồng Hới, chúng tôi phải đi qua Bàu Sen. Điều dễ nhận ra, nơi đây, khách đến đã đông hơn, nhiều nhà hàng đã “lên tầng” chứ không xập xệ như những năm trước... Nhưng, cung cách phục vụ vẫn rất “bình dân” thậm chí hơi “thô”, cách bày biện trong từng nhà hàng cũng còn sơ sài, chưa có nhiều món mới... Có lẽ, đây là điều mà “chân kiềng” thứ ba cần được “gia cố” thêm ở xã cực nam của tỉnh .

Văn Hoàng