.

Quảng Trạch: Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ Ba, 26/12/2017, 14:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Để từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung chỉ đạo các địa phương hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngay sau khi có Chương trình hành động số 09-CTr/HU ngày 20-4-2016 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về công tác dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ngày 18-7-2016, UBND huyện Quảng Trạch đã xây dựng kế hoạch số 636/KH-UBND về "Dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi giai đoạn 2016-2020"; thành lập Ban chỉ đạo và các tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo.

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về sự cần thiết của việc dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có 8 địa phương cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa và theo kế hoạch đến cuối năm 2019, huyện Quảng Trạch sẽ có 14/14 xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa.

Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, khôi phục và phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản sau sự cố môi trường biển.

A3: Nông dân Quảng Trạch có thu nhập cao từ cây ngô trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả.
Nông dân Quảng Trạch có thu nhập cao từ cây ngô trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả.

Trên cơ sở định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh, tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chuyên môn hướng dẫn các địa phương cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, đặc biệt khuyến cáo người dân tập trung sử dụng các loại giống lúa xác nhận, giống có năng suất, chất lượng cao để sản xuất, tăng thu nhập kinh tế.

Năm 2017, toàn huyện đã thực hiện được hơn 212 ha diện tích sản xuất giống lúa tại chỗ, như: giống lúa Thiên Ưu 8, PC6, SV181, HT1 và thực hiện được 50 ha diện tích cánh đồng lớn tại xã Quảng Phương. Việc đưa các loại giống lúa nguyên chủng, giống lúa chất lượng vào sản xuất đã thay thế dần các loại giống lúa bị thoái hóa, kém chất lượng, giúp nông dân chủ động được nguồn giống để sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp tập trung.

Để khuyến khích bà con mở rộng phát triển sản xuất, đưa các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng vào thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế, năm 2017, huyện Quảng Trạch đã đầu tư 4,5 tỷ đồng hỗ trợ các ban ngành, địa phương triển khai được 42 mô hình phát triển sản xuất. Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển lên một bước mới.

Trên lĩnh vực ngư nghiệp, toàn huyện đã đóng mới được 6 tàu, cải hoán 2 tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, có 231 chiếc tàu được lắp đặt đài tàu và 216 tàu hoạt động vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn huyện đã thành lập được 20 tổ hợp tác và 42 tổ đoàn kết khai thác thủy hải sản trên biển, các tổ hợp tác, tổ đoàn kết đã phát huy tốt vai trò tập thể trong việc khai thác, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, nhờ đó, đã nâng cao được hiệu quả sản xuất.

Để từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2018 và những năm tiếp theo, cùng với việc phát triển sản xuất, huyện Quảng Trạch tập trung chỉ đạo các địa phương còn lại triển khai hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cây trồng trên các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, diện tích đất có khả năng bị hạn cao, không để ruộng đất bỏ hoang; ưu tiên sử dụng các loại giống mới có độ thuần cao, tăng diện tích sản xuất giống lúa chất lượng, giống lúa có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày; giảm các loại giống dài ngày, giảm lượng giống gieo.

Các địa phương nên sử dụng 2 đến 3 loại giống lúa để tiện cho việc gieo cấy, tưới tiêu và thu hoạch. Quảng Trạch tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích và hỗ trợ ngư dân phát triển các nghề phù hợp, như: nghề lưới vây, rê khơi, nghề câu kết hợp mành chụp, không đóng mới các tàu có công suất nhỏ; ưu tiên phát triển các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và hợp tác xã thu mua, chế biến nông sản để giải quyết đầu ra cho các sản phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ để khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất.

Thế Lực
(Đài TT-TH Quảng Trạch)