.
Quảng Ninh:

Tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi

Thứ Tư, 06/12/2017, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau những ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trưởng biển, năm 2017, nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản ở Quảng Ninh đã dần khôi phục. Để tiếp tục động viên bà con đẩy mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ, huyện Quảng Ninh vừa thực hiện tốt các chính sách đền bù hỗ trợ, vừa có những giải pháp phù hợp tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn ổn định trở lại với nghề. 

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, năm 2017, cùng với cả tỉnh, Quảng Ninh đã đặc biệt chú trọng khôi phục và phát triển ngành khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và các dịch vụ nghề cá.

Toàn huyện hiện có hơn 1.400 tàu, thuyền khai thác; trong đó khai thác biển 608 chiếc (chủ yếu tàu có công suất nhỏ, có 2 tàu khai thác xa bờ có công suất trên 370 CV). Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 709 ha; trong đó diện tích nuôi nước lợ 121 ha, nuôi ngọt 588 ha (gồm cả 270  ha cá-lúa kết hợp). Nghề nuôi cá lồng trên địa bàn cũng đang phát triển mạnh với 180 lồng.

Nhìn chung, ngành thủy sản huyện Quảng Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn do còn ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Việc khai thác biển có tiến triển, nhưng chưa thực sự ổn định, nguồn lợi sông, đầm ngày một khan hiếm. Thêm vào đó là diễn biến mưa, lũ bất thường như cơn bão số 10 vừa qua, triều cường nước mặn tràn vào hồ chứa Trúc Ly (xã Võ Ninh) làm 125 lồng cá trên hồ bị chết, sản lượng bị mất khoảng 12-15 tấn cá trắm cỏ...

Tàu vỏ sắt có công suất trên 370CV của ngư dân xã Hải Ninh phát huy tốt hiệu quả khai thác xa bờ.
Tàu vỏ sắt có công suất trên 370CV của ngư dân xã Hải Ninh phát huy tốt hiệu quả khai thác xa bờ.

Tuy nhiên, được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, kịp thời hỗ trợ, động viên, nên bà con trên địa bàn đã cố gắng khắc phục, phát triển lại nghề. Năm 2017, nghề nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản trên địa bàn đã có tín hiệu đáng mừng với tổng sản lượng 3.700 tấn, tăng 65% so với năm 2016; trong đó, sản lượng khai thác 2.200 tấn (khai thác biển 1.700 tấn, mặn lợ và đầm hồ nước ngọt 500 tấn) và sản lượng nuôi trồng 1.500 tấn (cá đạt 995 tấn, tôm các loại 500 tấn và cua 5 tấn).

Về công tác đền bù sự cố môi trường biển năm 2016 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, toàn huyện đã phê duyệt được 207.331 tỷ đồng cho 11 xã, gồm: Hải Ninh, Lương Ninh, Quán Hàu, Vĩnh Ninh, Võ Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Trường Xuân và Gia Ninh. Đa số người dân sau khi nhận tiền bồi thường đều sử dụng để đầu tư, khôi phục lại nghề, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo rà soát các đối tượng còn lại của các xã trên địa bàn theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành chi trả cho bà con. Dự ước tổng kinh phí chi trả bồi thường trên toàn huyện là 212.822 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện, để nâng cao sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đánh bắt thuỷ, hải sản xa bờ, huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa phương động viên bà con ngư dân đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn và trang bị ngư lưới cụ để vươn khơi; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát huy hiệu quả việc đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản; tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chú trọng khâu chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng.

Huyện cũng có chính sách cụ thể hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa với việc thành lập các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển vừa hợp tác đánh bắt vừa hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi, địa bàn nuôi cá lồng trên sông ở những địa phương có điều kiện, như: Lương Ninh, Quán Hàu, Hiền Ninh, Vĩnh Ninh, Duy Ninh và Trường Xuân,.. .

Nhằm đẩy mạnh chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện đã có quy hoạch đầu tư dự án phát triển các vùng nuôi công nghiệp và bán công nghiệp; chỉ đạo nâng cao hiệu quả nuôi trồng của các dự án cá-lúa đã đầu tư tại các xã: Vạn Ninh, Vĩnh Ninh, Lương Ninh, An Ninh và Võ Ninh; tập trung đầu tư cho các vùng đã được quy hoạch, chuyển đổi, sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đã quy hoạch, xây dựng.

Ngoài ra, huyện còn có phương án thúc đẩy việc gắn đánh bắt với chế biến hải sản nhằm giải quyết lao động phụ nghề cá, tăng thu nhập cho ngư dân; tăng cường các chương trình khuyến ngư để chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các tiến bộ mới về thuỷ sản đến tận người dân nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại có giá trị hàng hoá cao.

Trên cơ sở đó, năm 2018, huyện Quảng Ninh phấn đấu tăng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 720ha, trong đó tăng số lồng cá nuôi lên 200 lồng; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản lên 3.800 tấn (tăng 100 tấn so với năm 2017), trong đó đánh bắt 2.200 tấn, nuôi trồng 1.600 tấn.

H.Tr