.
Quảng Ninh:

Phấn đấu bội thu vụ đông-xuân năm 2017-2018

Thứ Tư, 06/12/2017, 10:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên cơ sở kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ sản xuất nông nghiệp năm 2017, bước vào vụ đông-xuân năm 2017-2018, huyện Quảng Ninh đã có những bước chuẩn bị chu đáo và động viên nông dân trên địa bàn ra quân xuống đồng đúng lịch thời vụ. Toàn huyện phấn đấu cho vụ mùa thắng lợi toàn diện.

Năm 2017, huyện Quảng Ninh có tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng chính là 10.715ha, trong đó, sản xuất lúa 2 vụ đông-xuân và hè-thu trên địa bàn đều vượt diện tích gieo cấy so với kế hoạch. Đây là một năm sản xuất có nhiều trở ngại do thời tiết biến đổi khó lường.

Đầu vụ đông-xuân, mưa lớn đã làm ngập úng trên 1.000ha lúa, có 178ha bị chết phải gieo cấy lại; nhiều cây màu bị mất trắng. Nhờ sự chỉ đạo đúng hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực khắc phục khó khăn của nông dân trong việc bám ruộng sản xuất, nên tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả cơ bản.

Đó là năng suất lúa vụ đông-xuân đạt 62,72 tạ/ha, sản lượng 32.677 tấn; vụ hè-thu có diện tích gieo cấy lúa đạt cao nhất từ trước tới nay với 3.378ha (tăng 178ha so với kế hoạch), năng suất đạt 45,43 tạ/ha, sản lượng 15.346 tấn. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 49.440 tấn (trong đó lúa 48.353 tấn, ngô 1.087 tấn), tăng 212 tấn so với cùng kỳ. Các loại  khoai, sắn, lạc, rau, đậu  đều cho năng suất khá.

Nông dân xã Trường Sơn gieo lạc vụ đông-xuân 2017-2018.
Nông dân xã Trường Sơn gieo lạc vụ đông-xuân 2017-2018.

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ sản xuất nông nghiệp năm 2017, vụ đông-xuân năm 2017-2018, huyện Quảng Ninh phấn đấu gieo trồng 5.200ha lúa, 360ha ngô, 150ha khoai lang, 600ha sắn, 250ha lạc, 90 ha lúa nương rẫy và tận thu tái sinh 200ha lúa.

Để đạt được năng suất và sản lượng như kế hoạch, huyện Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các giải pháp, như: quy hoạch vùng sản xuất cây lương thực phù hợp, vùng thâm canh lúa chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất với chế biến, tạo thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nông sản ở địa phương.

Đặc biệt, huyện chỉ đạo các địa phương tích cực áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) vào sản xuất; tiếp tục vận động, khuyến khích bà con chú trọng đầu tư thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; mở rộng diện tích sản xuất ở các xã: An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Gia Ninh... Huyện tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Trong vụ đông-xuân này, huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2015-2020. Theo đó, huyện giao các xã xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng hợp lý để đưa vào sản xuất cho từng loại cây trồng, như: ngô, dưa hấu, mướp đắng, đậu... ; khai thác các diện tích đất hoang hoá đưa vào trồng sắn nguyên liệu, trồng cỏ chăn nuôi và các loại cây ngắn ngày khác, như: lạc, vừng, đậu các loại...

Về giống, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với từng chân đất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, giống tiến bộ kỹ thuật lên trên 65%. Đặc biệt, ưu tiên cơ cấu các giống trung và ngắn ngày có năng suất và chất lượng như: TBR225, TBR1, XT28, lúa lai..., vào gieo cấy nhằm tránh thiệt hại do thời tiết mưa rét đầu vụ gây ra, nhất là đối với các xã  thấp trũng, như: Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh; giảm dần diện tích lúa P6 vì đã nhiễm sâu bệnh. Nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện vận động bà con nông dân giảm lượng giống gieo trên đơn vị diện tích (gieo từ 3-5 kg/sào)...

Bên cạnh đó, Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng trừ sâu, bệnh ngay từ đầu vụ, đặc biệt tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng loạt công tác diệt chuột, ốc bươu vàng, cây mai dương.

Huyện yêu cầu các chi nhánh thủy nông Quảng Ninh, Mỹ Trung phối hợp với các địa phương để chủ động kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới, tiêu hợp lý ngày từ đầu vụ, bảo đảm nguồn nước kịp thời phục vụ sản xuất, nhất là những diện tích ở cuối nguồn với phương châm tiết kiệm nước vụ đông-xuân để sản xuất vụ hè-thu.

Tại xã Xuân Ninh, công tác chuẩn bị triển khai sản xuất vụ đông-xuân cơ bản hoàn thành. Ông Lê Quốc Cương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: vụ đông-xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 301 ha lúa. Về giống lúa, xã tuân thủ theo phương án của huyện, chỉ đạo bà con đưa các giống trung và ngắn ngày có năng suất và chất lượng, như: TBR225, TBR1, XT28, vào sản xuất nhằm tránh thấp nhất thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra. Tranh thủ thời tiết khô ráo, bà con trên địa bàn cũng đã triển khai làm đất để kịp thời gieo cấy.

“Với những giải pháp cơ bản trên, huyện Quảng Ninh phấn đấu thu hoạch lúa đông-xuân với năng suất đạt 61 tạ/ha, ngô 35 tạ/ha, bảo đảm một vụ mùa thắng lợi toàn diện” - ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ.

Hương Trà