.

Quản lý rừng trồng bền vững: Cơ hội và thách thức

Thứ Sáu, 15/12/2017, 15:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Quản lý rừng bền vững (QLRBV) và chứng chỉ rừng (CCR) đối với rừng trồng trong điều kiện hiện nay sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho các chủ rừng và ngành lâm nghiệp; đồng thời giữ gìn môi trường sống hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, để có được chứng chỉ này, ngoài sự nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xây dựng thực hiện QLRBV và CCR, các cấp, các ngành chức năng cần có sự quan tâm hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện...

Những năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích rừng nói chung bị suy giảm nhanh chóng. Cùng với sự mất đi diện tích rừng tự nhiên, môi trường sống của các loài động vật, thực vật rừng cũng biến mất hoặc bị thoái hóa nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân chính làm cho nhiều loài sinh vật rừng có nguy cơ bị tuyệt chủng, đa dạng sinh học bị suy giảm.

Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn làm giàu rừng với diện tích 5 ha mỗi năm, cây trồng bổ sung là huỵnh.
Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn làm giàu rừng với diện tích 5 ha mỗi năm, cây trồng bổ sung là huỵnh.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ có các biện pháp truyền thống, như: luật pháp, ký kết công ước..., thì không thể bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên còn lại. Một trong những biện pháp quan trọng hiện nay được cả cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia đặc biệt quan tâm, đó là thiết lập phương pháp QLRBV và cấp CCR. Nước ta là một trong những nước đã từng bước tiếp cận và thực hiện quản lý, bảo vệ rừng với phương pháp QLRBV và CCR rất hiệu quả trong nhiều năm qua.

Riêng đối với Quảng Bình, hiện nay, mô hình QLRBV và CCR tại Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV LCN Long Đại), thực hiện từ năm 2006 đến tháng 1-2014 được cấp chứng chỉ toàn phần về QLRBV theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC).

Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn được Nhà nước giao quản lý  32.122,54 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn hành chính của xã Trường Sơn (thuộc huyện Quảng Ninh) và xã Phú Định, thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch).

Ông Châu Ngọc Dương, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn cho biết, với mục tiêu khai thác và sử dụng bền vững rừng và đất rừng, bảo tồn và cải thiện năng lực rừng, bảo đảm các yêu cầu đa chức năng của rừng với chi phí hợp lý và lợi nhuận cao, hiệu quả kinh tế ổn định và lâu dài, thời gian qua, Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn đã chú trọng việc tổ chức thực hiện các hoạt động của phương án, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Từ đó, chi nhánh tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương sống gần và ven rừng, nhất là cộng đồng các đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là tăng cường các chức năng phòng hộ của rừng, tăng độ che phủ rừng, phát huy tối đa chức năng bảo vệ đất đai, bảo vệ nguồn nước; đồng thời, bảo tồn nguồn gen các loài động vật, thực vật quý hiếm.

Mô hình QLRBV và CCR tại Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, công nhân lao động và cộng đồng địa phương về quản lý RBV và CCR, nhờ đó đã quản lý và bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao, nâng cao độ che phủ của rừng của đơn vị từ 79% năm 2010 lên 85% năm 2016.

Đơn vị đã áp dụng thiết kế khai thác và kỹ thuật khai thác rừng tự nhiên theo phương pháp khai thác tác động thấp duy trì được vốn rừng, hạn chế mức độ tàn phá hệ sinh thái rừng lân cận, tăng tỷ lệ tận dụng gỗ; diện tích và chất lượng rừng sau khai thác được bảo đảm duy trì và phát triển tốt. Mô hình đã nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ phát triển rừng, tạo được công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống đáng kể cho cộng đồng địa phương là người dân tộc thiểu số sống trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong điều kiện Nhà nước thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, việc bảo đảm kinh phí đánh giá định kỳ hàng năm để duy trì CCR là vấn đề hết sức khó khăn đối với doanh nghiệp (khoảng 100 triệu đồng/năm).

Các yêu cầu thực hiện các hạng mục trong phương án QLRBV theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi kỹ thuật cao, hồ sơ, tài liệu và nhân lực lớn, đặc biệt trong hạng mục khai thác rừng tự nhiên từ khâu thiết kế, chặt hạ đến theo dõi chuỗi hành trình sản phẩm FSC (CoC). Yếu tố xã hội là rất quan trọng, mặc dù hiện nay các nhu cầu của xã hội tại lâm trường đã được giải quyết, nhưng trong tương lai ít nhiều sẽ có các bất cập phát sinh, đặc biệt là nhu cầu đất đai của cộng động địa phương là thách thức đối với lâm trường.

Bên cạnh đó, năng lực cán bộ của đơn vị còn hạn chế trong quản lý tổ chức thực hiện, theo dõi và giám sát các hoạt động, tài liệu hóa, lưu trữ tài liệu và cập nhật, đáp ứng những thay đổi của tiêu chuẩn FSC...

Theo ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thì mặc dù có những thách thức nhất định, nhưng áp dụng phương pháp QLRBV và cấp CCR là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm nghiệp phát triển bền vững. Đối với tỉnh ta, trong điều kiện hiện nay, việc QLRBV và cấp CCR đối với rừng trồng là phương án cần thiết, quan trọng mà các cấp, các ngành nên quan tâm đầu tư thực hiện.

Toàn tỉnh hiện có trên 59.000ha rừng trồng đã thành rừng và gần 51.000ha rừng trồng chưa thành rừng. Nhìn chung, năng suất rừng trồng thấp do phần lớn rừng trồng trên địa bàn tỉnh theo kiểu quảng canh, chưa đúng kỹ thuật; nhiều nơi trồng rừng với giống chất lượng kém.

Rừng trồng thành rừng đạt tiêu chuẩn ở Khe Gát (xã Xuân Trạch, Bố Trạch).
Rừng trồng thành rừng đạt tiêu chuẩn ở Khe Gát (xã Xuân Trạch, Bố Trạch).

Thêm vào đó là diện tích rừng trồng thâm canh ở tỉnh ta còn rất ít; cây trồng lâm nghiệp phần lớn là cây mọc nhanh, gỗ mềm, chống gió bão kém nên khi có bão quét qua dễ đổ gãy, gây thiệt hại nặng nề.

"Vì vậy, để bảo đảm đem lại lợi ích kinh tế về lâu dài,  giữ gìn môi trường sống hôm nay và mai sau, các công ty lâm nghiệp, các chủ rừng cần hướng đến phương án QLRBV và cấp CCR đối với cả rừng trồng. Trong đó, các đơn vị sớm triển khai đánh giá được hiện trạng tài nguyên rừng và các nguồn lực cần thiết để xây dựng.

Cán bộ ở các đơn vị, đặc biệt là cán bộ phụ trách FSC phải được tập huấn, đào tạo đầy đủ các nội dung về QLRBV. Chủ rừng phải nỗ lực quyết tâm phấn đấu liên tục và có trách nhiệm trong suốt quá trình tổ chức thực hiện. Yếu tố xã hội đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện QLRBV và CCR, nên các tổ chức, doanh nghiệp cần lắng nghe các đề xuất và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương.

Điều quan trọng nữa là cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, địa phương cần có sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí thực hiện; đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện QLRBV và CCR"- ông Phạm Hồng Thái chia sẻ thêm.

Hương Trà