.

Phụ nữ Bố Trạch: Gắn kết với tín dụng chính sách

Thứ Hai, 11/12/2017, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị-xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được đánh giá có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với NHCSXH. Đồng thời, Hội đã phát huy lợi thế để phụ nữ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn của Nhà nước, giảm tình trạng cho vay nặng lãi.

Yên tâm giao vốn cho phụ nữ

Trong chuyến đi thực tế ở huyện Bố Trạch, chúng tôi đã cảm nhận được hiệu quả của đồng vốn NHCSXH ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ. Bà Trần Thị Thuận, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch chia sẻ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhận thức sâu sắc về vị trí và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo.

Việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế mà còn tính đến hiệu quả xã hội, vì nghèo đói, thiếu việc làm tác động mạnh mẽ đến mỗi gia đình, mà người chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em, điều này ảnh hưởng lớn đến sự bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ.

Với nhận thức như vậy, trong 15 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch đã gắn kết hoạt động của hội với tín dụng chính sách, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Hội hỗ trợ hội viên bước qua cái nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch đã ký nhận ủy thác 30/30 xã, thị trấn với NHCSXH, thành lập được 174 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Mô hình tổ chức hội từ chi hội, tổ hội đã góp phần kết nối rộng hơn đến các hội viên. Đây cũng là một trong những “đòn bẩy” để vận động hội viên tham gia hoạt động của tổ chức hội.

Sự nỗ lực của từng cán bộ để mô hình “bám rễ” vào thôn bản đã góp phần đưa tổng nguồn vốn do Hội quản lý đến nay đạt trên 185 tỷ đồng, với 14 chương trình cho vay, chiếm tỷ lệ hơn 43% tổng nguồn vốn NHCSXH trên toàn huyện, với 21.245 lượt hộ nghèo được vay vốn. Không chỉ dư nợ cao mà chất lượng tín dụng cũng đạt hiệu quả khi nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,06% trên tổng dư nợ.

Nhờ vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, gia đình chị Dương Thị Liên đã thoát nghèo.
Nhờ vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, gia đình chị Dương Thị Liên đã thoát nghèo.

Hội chủ động phối hợp với trung tâm khuyến nông, phòng kinh tế - kế hoạch huyện, trung tâm dạy nghề... tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề. Nhiều chị em mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả, nuôi trồng cây, con có giá trị cao, phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại...

Đơn cử như tại xã Đại Trạch, đến nay, Hội Phụ nữ xã quản lý 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 419 thành viên, tổng dư nợ là 7,5 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. 10/10 tổ đều xếp loại tốt. Hàng tháng, đều có 100% số tổ tham gia nộp lãi, tiền gửi tiết kiệm tại buổi giao dịch và tham gia họp giao ban với Ngân hàng. Số hộ tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ đạt 100%; số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 348 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Trạch, bà Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp hội còn phối hợp lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tổ, nhóm để hướng dẫn chị em cách làm ăn, xây dựng và nhân rộng các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững, làm kinh tế hiệu quả. Các mô hình đã hỗ trợ tạo việc làm thường xuyên cho chị em có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững.

Vốn là đòn bẩy giúp phụ nữ thoát nghèo

Ở huyện Bố Trạch, gia đình chị Hoàng Thị Ngân, Hội viên Hội Phụ nữ xã Nam Trạch được xem là tấm gương về thoát nghèo từ vốn vay của NHCSXH. Năm 2013, được vay ưu đãi 30 triệu đồng, kết hợp với nguồn vốn tự có, gia đình chị đã đăng ký, làm hồ sơ cho chồng chị là anh Nguyễn Mạnh Cường đi xuất khẩu lao động tại Malaysia. Nhờ nguồn thu nhập từ 15 triệu đồng/1 tháng  từ xuất khẩu lao động, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững với căn nhà khang trang diện tích hơn 100m2.

“Nếu không có nguồn vốn cho vay ưu đãi, gia đình tôi không thể có được như ngày hôm nay. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi và những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu cho bản thân và gia đình một cách chính đáng.”, chị Ngân tâm sự.

Còn gia đình chị Dương Thị Liên ở thôn Cà, xã Hòa Trạch bắt đầu làm kinh tế từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ biết nắm bắt thời cơ và bản tính chăm chỉ, cần cù, dám nghĩ dám làm, nay gia đình chị đã thoát nghèo và có thu nhập cao.

Năm 2015, chị Liên bàn với chồng vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi và tận dụng diện tích đất trồng lúa ở vùng chiêm trũng khó canh tác để phát triển mô hình trang trại VAC tổng hợp. Chị nhanh chóng thực hiện kế hoạch, vừa thuê máy xúc đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu các loại giống vật nuôi phù hợp với xu hướng, nhu cầu thị trường...

Hiện nay, ngoài nuôi 3 con bò, 7 con lợn nái giống, 120 con lợn thịt bán thương phẩm, mỗi năm gia đình chị bán được khoảng 9 tấn lợn thịt; trâu, bò, gà đẻ trứng. Ngoài ra, chị tận dụng nguồn thức ăn từ chăn nuôi để nuôi thả cá tại 3 hồ cá rô phi, trắm, mè, gáy...

Với những kết quả đạt được sau 15 năm phối hợp ủy thác, NHCSXH huyện Bố Trạch đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp, triển khai thực hiện chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm với hội viên, phụ nữ.

Hiền Ngọc