.

Ngăn chặn bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò

Thứ Năm, 21/12/2017, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Trạch và xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đang xảy ra bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò. Tuy nhiên, nhờ sự phát hiện và ngăn ngừa kịp thời nên số trâu, bò bị bệnh đang được khống chế và có dấu hiệu phục hồi.

Cán bộ thú y xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đang kiểm tra mức độ bị bệnh ở đàn bò ở thôn Cù Lạc 1.
Cán bộ thú y xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đang kiểm tra mức độ bị bệnh ở đàn bò ở thôn Cù Lạc 1.

Sau khi nhận được tin báo từ cơ sở, đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh do ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng dẫn đầu đã có mặt tại xã Sơn Trạch và xã Phúc Trạch để kiểm tra tình hình bệnh LMLM trên đàn trâu, bò.

Theo quan sát, số bò bị bệnh có các triệu chứng như: kém ăn, chảy nước bọt, viêm niêm mạc miệng, miệng, lưỡi; con nào nặng sẽ bị viêm bờ móng, kẻ móng, đi lại khó khăn. Qua kiểm tra, cán bộ thú y huyện Bố Trạch và Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh kết luận, số bò này nghi bị bệnh LMLM. Theo báo cáo thì ở xã Sơn Trạch có 7 con bò bị LMLM; xã Phúc Trạch có 7 con bò bị nhiễm bệnh LMLM, tuy nhiên 1 con đã khỏi.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh LMLM được xác định, năm 2017, Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin đợt 1 và đợt 2 cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trong lần tiêm phòng đợt 2, số vắc xin LMLM do Trung ương cấp phát muộn nên chưa kịp tiêm phòng thì một số con bò của xã Sơn Trạch đã nhiễm bệnh.

Ở xã Phúc Trạch, đàn bò đã được tiêm vắc xin LMLM trước khi xảy ra bệnh khoảng 5-7 ngày, nhưng trong khoảng thời gian này khả năng miễn dịch của vắc xin chưa phát huy tác dụng (thời gian để vắc xin tiêm phòng có tác dụng là 15-20 ngày) nên bệnh này vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, người dân lại hay có tâm lý chủ quan, trâu, bò bị bệnh nhưng không thông báo với chính quyền địa phương mà tự ý điều trị.

Trước nguy cơ bệnh LMLM đang còn diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh yêu cầu cán bộ thú y và khuyến cáo chính quyền địa phương các xã cần có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra, vào trên địa bàn.

Theo đó, toàn bộ số trâu, bò bị bệnh phải được nuôi nhốt tại chuồng, vườn nhà để theo dõi, cách ly và điều trị; tổng vệ sinh chuồng trại bằng phun tiêu độc bằng hoá chất, khu vực chuồng trại, các lối ra vào của thôn, xóm; Ban Thú y thôn, xã nhanh chóng triển khai tiêm phòng toàn bộ số trâu, bò chưa bị bệnh để khống chế dịch bệnh.

Biện pháp phòng chống dịch LMLM:

- Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi, quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt, có mụn nước ở vùng miệng, quanh móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng; không được chăn thả, không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết và chất thải của chúng ra môi trường. Báo ngay cho chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp.

- Thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc: đối với hộ có dịch, phun hóa chất ngày 1 lần, xã có dịch 2 ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch; tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong, người tiêm phòng phải thực hiện tốt an toàn sinh học, không lây lan dịch.

- Bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng như: tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, các thuốc trợ sức, trợ lực; vệ sinh môi trường, luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ. Xử lý các vết loét bằng cách bôi các loại thuốc sát trùng như xanh mê-ty-len, cồn iod hoặc nước chanh, khế, tiêm kháng sinh để chống bội nhiễm…

Lê Mai