.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro hải quan

Thứ Sáu, 22/12/2017, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Quản lý rủi ro (QLRR) là công cụ then chốt giúp cơ quan hải quan đáp ứng tốt những yêu cầu của môi trường thương mại quốc tế. Thời gian qua, công tác QLRR đã được Cục Hải quan Quảng Bình (HQQB) triển khai có hiệu quả, góp phần hỗ trợ công tác quản lý, tăng nguồn thu ngân sách, cũng như tạo tính tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp, cải thiện mối quan hệ đối tác hải quan-doanh nghiệp.

Thuận cho hải quan, lợi cho doanh nghiệp

QLRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là việc cơ quan hải quan áp dụng có hệ thống các biện pháp, quy trình nghiệp vụ nhằm bố trí, sắp xếp nguồn lực hợp lý để tập trung phân tích, đánh giá và quản lý có hiệu quả các lĩnh vực, đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật về hải quan.

Nhờ triển khai công tác QLRR, cán bộ hải quan không phải kiểm tra 100% thực tế hàng hóa như trước đây.
Nhờ triển khai công tác QLRR, cán bộ hải quan không phải kiểm tra 100% thực tế hàng hóa như trước đây.

Đồng thời, đơn vị ưu tiên làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hoá nhanh chóng cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chấp hành tốt pháp luật hải quan, tạo ra môi trường và các điều kiện cho việc tự nguyện tuân thủ, hạn chế tối thiểu các vi phạm pháp luật hải quan. Cùng với toàn ngành, Cục HQQB đã bắt đầu triển khai công tác QLRR từ năm 2005.

Ông Nguyễn Anh Tình, Cục phó Cục HQQB cho biết, việc xác định đối tượng có rủi ro cao, ưu tiên tập trung nguồn lực vào quản lý đối với số đối tượng này đã giúp cho công tác quản lý không bị dàn trải, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc.

Điều này giúp HQQB vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, vừa kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật, vì có thể bố trí, sắp xếp nguồn lực phù hợp, hiệu quả dựa trên các đối tượng rủi ro được xác định, phân tích và đánh giá. Ngoài ra, việc áp dụng kỹ thuật QLRR cũng là một nội dung và là điều kiện cho việc triển khai thực hiện chương trình phát triển, hiện đại hóa hải quan, qua đó giảm thiểu các thủ tục hành chính, giảm bớt vai trò can thiệp của cán bộ hải quan trong quá trình làm thủ tục, giúp cho doanh nghiệp không bị lệ thuộc vào thủ tục hành chính, giảm chi phí phát sinh.

Đặc biệt, nhờ đó, các tệ nạn gây phiền hà, sách nhiễu có thể nảy sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan bị loại trừ; tạo ra môi trường minh bạch, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hải quan và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển.

Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến cuối tháng 10-2017, Cục HQQB đã thu thập và cập nhật 118 thông tin doanh nghiệp vào hệ thống Riskman, cập nhật 83 thông tin vi phạm vào hệ thống CI02, tổng hợp và phân tích 98 tờ khai hủy trên VNACCS/VCIS, đề xuất và thiết lập tiêu chí phân tích đối với 12 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong hoạt động xuất nhập khẩu vào hệ thống VCIS.

Theo đánh giá của Cục HQQB, sau một thời gian triển khai thực hiện công tác QLRR, từ chỗ phân luồng hàng hóa một cách chủ quan, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cán bộ hải quan, với tỷ lệ phân luồng xanh (miễn kiểm tra) khá thấp, tỷ lệ phân luồng vàng (kiểm tra thực tế hồ sơ) và luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hoá) khá cao, đến nay, các chi cục đã tiến hành phân luồng một cách bài bản, ngày càng dựa nhiều hơn vào các tiêu chí rủi ro và dữ liệu thông tin thu thập được.

Từ đó, số lượng hàng hóa phân vào luồng đỏ ngày càng giảm (chỉ còn 7,8%), còn luồng xanh và luồng vàng thì ngày càng tăng lên. Nếu như trước đây, toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải kiểm tra 100% thì mỗi lô hàng phải mất từ 1-2 ngày mới hoàn thành thủ tục, nhưng khi áp dụng QLRR thì mỗi lô hàng chỉ mất 1-2 giờ.

Đối với những lô hàng qua phân tích mức độ rủi ro được đánh giá là rủi ro thấp thì được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, thời gian làm thủ tục hải quan chỉ mất 5 giây (đối với tờ khai luồng xanh) đến 30 phút (đối với tờ khai luồng vàng).

“Việc triển khai áp dụng thực hiện QLRR đã tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức và tư duy của cán bộ công chức hải quan trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp”, ông Tình chia sẻ.

Cần triển khai đồng bộ

Bên cạnh những mặt đạt được, quá trình triển khai thực hiện công tác QLRR ở Cục HQQB vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại, như: hiệu quả trong việc kiểm tra phát hiện vi phạm đối với những lô hàng được phân luồng đỏ còn hạn chế. Các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp ngoài tỉnh nên việc thu thập thông tin còn gặp nhiều khó khăn, các thông tin chủ yếu được lấy từ hệ thống, trong khi thông tin trên hệ thống còn chưa được đầy đủ và hoàn thiện.

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo áp dụng công tác QLRR nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo áp dụng công tác QLRR nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tình cho biết thêm, hiện nay, ngành hải quan đã áp dụng QLRR, triển khai hiện đại hóa toàn diện, tuy nhiên, các cơ quan chức năng khác lại chưa triển khai công tác QLRR. Cụ thể, ở Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo, sau khi nhập thông tin doanh nghiệp vào hệ thống QLRR, thì lô hàng sẽ được phân luồng xanh (với mức độ rủi ro thấp), luồng vàng (với mức độ rủi ro vừa) và luồng đỏ (với mức độ rủi ro cao). Cán bộ hải quan chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa đối với những lô hàng bị đưa vào luồng đỏ.

Đối với những lô hàng luồng xanh, cán bộ hải quan chỉ kiểm tra thủ tục mất 3-5 giây là xong. Nhưng các ngành khác, như: kiểm dịch, kiểm tra chất lượng..., 100 lô hàng cũng phải kiểm tra cả 100 lô vì chưa có quy trình QLRR. Có lô hàng mất một vài ngày nhưng có lô mất gần nửa tháng vẫn chưa hoàn tất được thủ tục để thông quan hàng hóa.

“Vậy nên, đối với một số mặt hàng, nếu chỉ một mình ngành hải quan triển khai công tác QLRR thì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp cũng không nhanh chóng, thuận lợi được mà cần có sự triển khai đồng bộ của các ngành liên quan.”, ông Tình cho hay.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu thập xử lý thông tin và QLRR, thời gian tới, Cục HQQB sẽ tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn nhằm nâng cao kiến thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác QLRR; tăng cường công tác thu thập thông tin doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm xây dựng hệ thống hồ sơ doanh nghiệp hoàn chỉnh; tiến hành trao đổi với các cơ quan có liên quan trên địa bàn để thống nhất nội dung, cách thức cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về Hải quan.

Bên cạnh đó, Cục HQQB sẽ thường xuyên rà soát rủi ro phát sinh trên địa bàn, phân tích đánh giá thông tin, xác định đúng rủi ro, đề xuất xác lập hồ sơ rủi ro, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm; đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh nhằm hạn chế những rủi ro phát sinh...

Lan Chi