.

Mô hình mới ở làng nghề

Thứ Sáu, 29/12/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm từ mây, tre, đồng thời giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường từ các làng nghề sản xuất mây, tre, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng triển khai xây dựng mô hình lò sấy mây, tre cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ tại Quảng Bình.

Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành mây, tre là nền tảng cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của ngành mây, tre đan ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, cả nước vẫn tồn tại trên 80% các làng nghề sản xuất trong ngành mây, tre đan hoạt động kém hiệu quả do sản xuất manh mún, thiếu trình độ kỹ thuật, mô hình và công nghệ đồng bộ.

Bên cạnh đó, các thiết bị chế biến mây, tre lạc hậu dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, hạn chế sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Mặt khác, mây, tre là loại nguyên liệu có độ bền tự nhiên kém, rất dễ bị mốc, mọt phá hoại, làm giảm nhanh chóng chất lượng nguyên liệu ngay sau khi chặt hạ và trong quá trình gia công chế biến và sử dụng sản phẩm. Để khắc phục tình trạng đó, một số cơ sở sản xuất mây, tre đã áp dụng biện pháp truyền thống, như: ngâm xuống ao bùn, nước vôi, sấy diêm sinh, luộc dầu... Các biện pháp này đã phần nào hạn chế sự gây hại của sinh vật đối với các sản phẩm mây, tre.

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật sử dụng lò sấy mây, tre cho các hộ dân.
Tập huấn chuyển giao kỹ thuật sử dụng lò sấy mây, tre cho các hộ dân.

Tuy nhiên, với nền nhiệt có độ ẩm cao như Việt Nam, việc xử lý kỹ thuật bảo quản không bảo đảm, khiến các sản phẩm từ mây, tre vẫn bị mốc, mọt xâm nhập, gây tổn thất về kinh tế. Hơn nữa, các phương pháp xử lý của người dân đang làm cho môi trường ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng chất lượng sản phẩm từ mây, tre và giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do các làng nghề sản xuất mây, tre gây ra, Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công ứng dụng kỹ thuật sấy mây, tre sử dụng nguồn nhiệt bằng hơi đốt. Việc xử lý sấy, bảo quản mây, tre đã góp phần nâng cao chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản phẩm.

Trước thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật sấy, bảo quản và xử lý nấm mốc nguyên liệu mây, tre cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ” để chuyển giao mô hình và kỹ thuật sấy, bảo quản và xử lý nấm mốc nguyên liệu mây, tre cho người dân thuộc 3 tỉnh miền Bắc và 2 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình.

Nhằm triển khai hiệu quả dự án tại Quảng Bình, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã lên phương án rà soát, lựa chọn địa phương có đủ các tiêu chuẩn cần thiết để triển khai mô hình. Kết quả, Trung tâm đã chọn được 3 điểm ở huyện Tuyên Hóa để thực hiện dự án gồm: thôn Kim Trung (xã Kim Hóa), thôn Tân Sơn (xã Hương Hóa) và tiểu khu Lưu Thuận (thị trấn Đồng Lê), thực hiện 3 mô hình lò sấy với 30 hộ tham gia.

Các điểm/hộ này có đầy đủ tiêu chuẩn, như: có sẵn cơ sở sản xuất nguyên liệu mây, tre đan; có đất đai, lao động, vốn đối ứng theo yêu cầu của dự án; nằm trong vùng quy hoạch phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của huyện; có vị trí thuận lợi cho việc tham quan, học tập nhân rộng mô hình...

Tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân tại 3 điểm được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật. Sau khi được trực tiếp hướng dẫn các nội dung về kỹ thuật nhận biết, phân loại trong khâu thu mua, tập kết nguyên liệu sấy và bảo quản sau sấy, tại hiện trường, các hộ tham gia cơ bản nắm được các nội dung chính để thực hiện.

Ông Lê Thuận Trung, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết, xây dựng lò sấy tại 3 điểm thuộc huyện Tuyên Hóa về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả không những cho các nhóm hộ được hưởng lợi từ lò sấy, mà còn giúp nông dân trong vùng có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Nguyên liệu mây, tre đan ngày càng hiếm, việc sấy bảo quản nguyên liệu tại chỗ về mùa mưa là rất cần thiết, từ đó hạn chế được thất thoát trong khâu bảo quản nguyên liệu mây tre tại địa phương. Mặt khác, ngoài việc sấy mây, tre, lò sấy có thể sấy được gỗ và các loại nông sản khác.

Cát Nhiên-Ng.Hoàng