.

Minh Hóa: Nhân rộng mô hình nuôi lợn bản

Thứ Hai, 04/12/2017, 10:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù khả năng tăng trọng và sinh sản thấp, trọng lượng cơ thể nhỏ nhưng lợn bản có nhiều ưu thế về chống chịu thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, ít bệnh dịch, đặc biệt là chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu thị trường tương đối lớn. Thêm vào đó, đầu tư nuôi lợn bản, người nông dân không lo mất giá.

Anh Trần Xuân Tư, bản Ón, xã Thượng Hóa đã nhiều năm nay luôn có thu nhập ổn định nhờ phát triển trang trại tổng hợp gồm: trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà và làm dịch vụ. Nhưng thu nhập thường xuyên và cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán của gia đình anh là lợn bản.

Tận dụng diện tích đất vườn, anh dùng lưới sắt khoanh vùng và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, con giống đầu tiên là những con lợn rừng anh mua được từ dân bản. Nhân đàn qua từng năm và mua thêm con giống, anh Tư đã thuần được giống lợn rừng để trở thành ông chủ đầu tiên nuôi lợn rừng của huyện Minh Hóa.

Hiện nay, bình quân mỗi năm, anh duy trì 5 – 7 lợn nái, trên 50 con lợn thịt. Gia trại của anh chủ yếu bán giống cho bà con trên địa bàn huyện và xuất bán lợn thịt trong các dịp tết. Thu nhập từ mô hình nuôi lợn rừng mỗi năm đạt từ 50 – 70 triệu đồng.

Tại bản Hưng, xã Trọng Hóa, chị Hồ Thị Thanh là một phụ nữ có tiếng trong chăn nuôi lợn bản, thu nhập từ nuôi lợn có năm đạt 100 triệu đồng. Chị Thanh cho biết, việc chăm sóc giống lợn bản, hay còn gọi là lợn rừng, lợn khùa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có, như: rau lang, cây chuối, sắn, ngô, cám gạo...

Mô hình nuôi lợn bản của gia đình anh Nguyễn Thành Lương, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa.
Mô hình nuôi lợn bản của gia đình anh Nguyễn Thành Lương, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa.

Đặc biệt, nhờ nuôi theo hình thức bán chăn thả, nên đầu tư thức ăn thấp. Chất lượng thịt của giống lợn bản địa thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện 1 kg lợn hơi bản địa dao động từ 100.000 -120.000 đồng. Vừa qua, chị Thanh đã xuất chuồng 8 con lợn bản, mỗi con có giá bình quân  2,5 triệu đồng, thu về 20 triệu đồng, hiện chị đang còn 8 con mỗi con có trọng lượng hơn 20kg, số lợn này cũng đã được khách hàng đặt mua.

Đầu năm 2017, giá lợn thịt giảm trầm trọng, nhiều hộ chăn nuôi lao đao và chỉ hoạt động cầm chừng. Nhưng giá của lợn bản vẫn không dao động, thậm chí còn tăng cao. Thấy được hiệu quả của mô hình này, những năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình ở huyện Minh Hóa đã đầu tư chăn nuôi lợn bản, nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ. Mỗi hộ chỉ dám nuôi từ 1 – 2 con lợn nái. Thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc, nên không ít hộ đã thất bại.

Tháng 7 năm 2017, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết nuôi lợn bản. Thực hiện mô hình này, Trạm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 30 hộ dân và bước đầu hỗ trợ 4 hộ để làm mô hình, trong đó có 2 hộ ở xã Hóa Hợp nơi có điều kiện thuận lợi về địa hình và 2 hộ ở thị trấn Quy Đạt. Mỗi hộ được hỗ trợ 20 con lợn bản và một phần chi phí về thức ăn, thuốc thú y...

Sau gần 5 tháng nuôi, từ trọng lượng bình quân ban đầu 6 -8 kg, lợn đã tăng trọng lên 19 – 28 kg. Đến khi xuất bán, nếu mỗi con đạt trọng lợn 35 kg, thì bán được trên 3 triệu đồng, bà con thu lãi trên 1.200.000 đồng.

Anh Nguyễn Thành Lương, một hộ được chọn làm mô hình, chia sẻ: Gia đình tôi hiện cũng đang nuôi lợn bản, khi được dự án hỗ trợ con giống, tôi rất phấn khởi và tuân thủ theo sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ trạm khuyến nông. Tôi thấy nuôi lợn bản rất đơn giản, chi phí thức ăn rất thấp vì lợn chỉ ăn chuối rừng, lá rừng, chỉ cần trộn thêm ít bột ngô, cám gạo.

Dù lợn tăng trọng chậm, kéo dài thời gian xuất chuồng, nhưng bù lại chất lượng thịt bảo đảm và được người tiêu dùng ưa chuộng. Gia đình tôi không lo về đầu ra vì năm nào cũng không đủ số lượng lợn để bán cho thương lái và các nhà hàng trên địa bàn huyện”. Hiện, gia đình anh Lương đang nuôi trên 50 con lợn bản, trong đó có 3 mẹ lợn nái đang thời kỳ sinh đẻ.

Ông Đinh Xuân Trừ, thị trấn Quy Đạt, một hộ dân cũng được hỗ trợ 20 con lợn bản để làm mô hình, cho biết: “Mặc dù địa hình nuôi không được thuận lợi, nhưng tôi vẫn xây dựng chuồng trại và bố trí nơi thả rong cho lợn. Ngoài bột ngô, cám gạo, gia đình còn trồng thêm 1 sào rau và đi vớt bèo ngoài ruộng để làm thức ăn cho lợn. Sau 5 tháng nuôi, lợn  trọng rất nhanh, gia đình đang tiếp tục chăm sóc để chọn con giống tốt nhằm nhân đàn và phát triển mô hình nuôi lợn bản”.

Mặc dù nuôi lợn bản giá trị kinh tế cao, song vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, cùng với đó diện tích nuôi phải rộng. Để phát triển nuôi lợn bản thành một nghề chăn nuôi hàng hóa ổn định, lâu dài, huyện Minh Hóa cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nông dân về giống, vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để họ yên tâm bước vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình liên kết giữa người chăn nuôi với các nhà hàng, quán ăn để bảo đảm bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm lợn bản địa trên địa bàn huyện.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)