.

Hơn 100.000 tỷ đồng làm trước 8 dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Thứ Ba, 26/12/2017, 10:14 [GMT+7]

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ban hành quyết định về việc công bố danh mục dự án xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo đó, 8 dự án được đầu tư theo hình đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng BOT sẽ có chiều dài lên tới 530km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 40.362 tỷ đồng) gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Đồng Nai.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến cao nhất là Phan Thiết-Dầu Giây (dài 98km) với 19.571 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 5.551 tỷ đồng), dự án có tổng mức đầu tư dự kiến thấp nhất là Nha Trang-Cam Lâm (dài 29km) với 5.131 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 2.532 tỷ đồng).

Được biết, 8 dự án này phía Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Mục tiêu đầu tư của các dự án được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải một số đoạn cấp bách, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra dự kiến tiến độ và thời gian thực hiện dự án chuẩn bị đầu tư từ năm 2017, cơ bản hoàn thành năm 2021.

Trước đó, ngày 22/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 sẽ được lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước 654km, tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng, khởi công năm 2019.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2017-2020 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị)-La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa)-Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2

Giai đoạn 2021-2025 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn-Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe; giai đoạn sau 2025 đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ-thành phố Cà Mau.

Đề cập đến phương án đầu tư, giai đoạn 2017-2020 đầu tư khoảng 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long), gồm 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa)-Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Trả lời với những lo lắng, băn khoăn của đại biểu Quốc hội về đấu thầu dự án còn phụ thuộc vào ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận, nếu ngân hàng không cho vay thì hết sức khó khăn. Do đó sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc với các ngân hàng Nhà nước, Chính phủ để đề xuất cơ chế hợp lý như có thể thành lập một quỹ, gói tín dụng để các ngân hàng có điều kiện có thể bỏ kinh phí vào gói đó, tài trợ cho dự án để đảm bảo đồng bộ các ngân hàng với nhau.

“Hiện nay có tình trạng ngân hàng cho vay cao, ngân hàng cho vay thấp. Bộ sẽ nghiên cứu nhiều giải pháp cùng với ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ để làm sao huy động được nguồn vốn, đảm bảo dự án có thể thực hiện,” Bộ trưởng nói.

Hiện 8 dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng mức giá bình quân là 2.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể lo ngại mức giá này áp dụng ngay khi hoàn thành dự án thì sẽ rất cao so với mức chi trả của người dân.

Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2-3 năm tăng 200-300 đồng. Mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km/xe con. Bình quân toàn bộ vòng đời dự án là 2.500 đồng/km/xe con.

Theo Việt Hùng (Vietnam+)