.

Doanh nghiệp Quảng Ninh: Khẳng định vị thế

Thứ Sáu, 29/12/2017, 09:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, đội ngũ các doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã phát huy nội lực, vượt lên khó khăn thách thức để có những bước tiến rất đáng ghi nhận.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình hình hoạt động của các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện Quảng Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các DN, HTX đều có quy mô nhỏ, tăng trưởng chưa ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, số lượng HTX có lãi tăng nhưng mức lãi còn ít, đóng góp vào ngân sách huyện còn thấp.

Nhiều hộ kinh doanh ở Quảng Ninh tận dụng vùng đất đồi mở rộng quy mô sản xuất vườn-ao-chuồng.
Nhiều hộ kinh doanh ở Quảng Ninh tận dụng vùng đất đồi mở rộng quy mô sản xuất vườn-ao-chuồng.

Nhiều DN, HTX còn vướng mắc trong việc xác định phương hướng sản xuất, kinh doanh và tổ chức thực hiện; thiếu năng động, sáng tạo trong việc mở mang ngành nghề, đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với cơ chế thị trường. Trong quá trình tổ chức lại HTX, nhiều đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng điều lệ, xác định giá trị tài sản và vốn...

Nguyên nhân là do phần lớn DN nhỏ và vừa ít tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, lao động phần lớn chưa qua đào tạo. Nguồn vốn một số DN hạn chế dẫn đến khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, cùng với tác động của suy thoái kinh tế, các đơn vị còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố môi trường biển, làm đình trệ quá trình sản xuất, gây khó khăn, áp lực đến đời sống của nhân dân các xã ven biển, các địa phương có hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, dịch vụ nghề cá, thu mua chế biến thuỷ hải sản và các hoạt động liên quan đến du lịch, nhà hàng, khách sạn...

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, trong điều kiện khó khăn chung, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ DN, cùng với tỉnh, thời gian qua, huyện đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, HTX, thu hút đầu tư trên địa bàn, trở thành động lực thúc đẩy DN, các thành phần kinh tế vượt khó đi lên.

Nhờ đó, trong năm 2017, lao động trên địa bàn huyện có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, mức sống của người dân cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nông thôn Quảng Ninh ngày một thêm sức sống. Một số DN điển hình về giải quyết việc làm, thu hút lực lượng lao động lớn, đóng góp tích cực vào ngân sách của huyện, tỉnh, như: Nhà máy Xi măng Áng Sơn, Nhà máy tinh bột Long Giang Thịnh, Nhà máy may S&D...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty may S&D (đóng chân tại thị trấn Quán Hàu) cho hay, hiện tại, Công ty giải quyết việc làm cho 827 lao động (riêng trong năm 2017 tuyển mới 359 lao động nhằm phục vụ mở rộng 1 chuyền may mới), chủ yếu là lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 5.300.000 đồng/người/ tháng (chưa bao gồm tiền ăn ca 11.000 đồng/công), tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty thường xuyên chú trọng đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn, các chế độ khác đối với người lao động cũng được quan tâm thực hiện nên người lao động luôn hăng say với công việc, năng suất lao động nhờ đó ngày càng tăng cao. Công ty đã thực hiện đầy đủ chính sách về thuế, năm 2017, nộp ngân sách Nhà nước trên 30 tỷ đồng.

Tại xã Vĩnh Ninh, Nhà máy tinh bột Long Giang Thịnh chuyên sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột. Hàng năm, công suất bình quân khoảng 15.000 tấn sản phẩm. Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh cho biết, hiện nay, Công ty đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước sản phẩm mang nhãn hiệu “LONG GIANG”, đó là tinh bột sắn chất lượng cao, tỷ trọng xuất khẩu trên 90%.

Riêng sản phẩm tinh bột biến tính xuất khẩu 100% sản lượng. Sản phẩm bột bánh lọc Long Giang là sản phẩm mới của Công ty, tham gia vào thị trường bán lẻ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong chế biến món ăn, nhất là món bánh lọc Quảng Bình nổi tiếng. Trong những năm đầu mới hoạt động, doanh thu Công ty đạt khoảng từ 30-50 tỷ đồng, đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 3-5 tỷ đồng/năm.

Trong những năm tới, Công ty phấn đấu doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách khoảng trên 5 tỷ đồng; duy trì việc làm ổn định cho trên 130 lao động, chủ yếu là người tại địa phương, với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng. Không những thế, Công ty còn góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn nông dân tham gia trồng cây nguyên liệu ở các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh nhà phát triển.

 Công ty TNHH Thanh Hương (xã Hải Ninh) phát huy hiệu quả từ mô hình nuôi trồng chuẩn VietGAP.
Công ty TNHH Thanh Hương (xã Hải Ninh) phát huy hiệu quả từ mô hình nuôi trồng chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện, một số DN đang tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Tại thôn Rào Trù, xã miền núi Trường Xuân, dự án đầu tư về chăn nuôi và trồng trọt đang khởi động. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Phuntaphan.

Ông Nguyễn Phúc Thông, người quản lý Công ty cho biết, được huyện Quảng Ninh tạo mọi điều kiện về thủ tục cấp đất, từ tháng 12-2016, các hạng mục công trình của dự án được triển khai xây dựng với diện tích 8 ha trên tổng số 20 ha được cấp phép và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Khi đi vào hoạt động, Công ty Phuntaphan dự kiến sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 đến 60 lao động địa phương với mô hình sản xuất chăn nuôi lợn, kết hợp trồng cây xanh tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường.

"Trong thời gian tới, trước nhiều cơ hội và thách thức mới, các DN, HTX, trang trại, hộ kinh doanh cần có sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, Quảng Ninh tiếp tục có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho DN sản xuất ổn định, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển"- ông Phạm Trung Đông chia sẻ thêm.

H.Trà