.

Bảo đảm an toàn thực phẩm với cam thâm canh

Thứ Năm, 28/12/2017, 08:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Nghệ An thực hiện dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung, giai đoạn 2017-2019” tại một số địa phương trong tỉnh.

Quảng Bình là tỉnh có điều kiện đất đai phong phú nhưng nghèo dinh dưỡng và khí hậu khắc nghiệt, nên việc phát triển các loại cây ăn quả có nhiều hạn chế. Diện tích đất trồng cây ăn quả các loại xấp xỉ 2.900ha, trong đó, diện tích cây có múi khoảng 580 ha (tỉnh Hà Tĩnh có trên 5.000ha cây có múi). Dự kiến đến năm 2020, tỉnh đưa diện tích cây ăn quả lên 3.500-4.000ha.

Trong những năm qua, các địa phương đã chú trọng đầu tư phát triển cây ăn quả hàng hoá, nhất là việc cải tạo vườn tạp thay bằng nhiều giống cây trồng nhập nội mới, đa dạng và phong phú, như: cam, bưởi, xoài, vải... Tuy nhiên, các giống cây ăn quả mới được trồng khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương chưa cao, nên năng suất và chất lượng vẫn không ổn định.

Giống cam thâm canh bảo đảm an toàn thực phẩm được  Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư triển khai trồng trong tỉnh.
Giống cam thâm canh bảo đảm an toàn thực phẩm được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư triển khai trồng trong tỉnh.

Để hỗ trợ nông dân trong việc phát triển sản xuất, thực hiện dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung, giai đoạn 2017-2019”, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai cho 10 hộ dân tại thôn Kim Tiền, thôn Hương Thủy (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy) và tổ dân phố Hữu Nghị (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch), trồng thử nghiệm 5ha cam thâm canh, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Các hộ tham gia mô hình được các chuyên gia cây ăn quả có múi tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc tận hộ. Đến nay, cây trồng sinh trưởng phát triển khá, hứa hẹn sẽ là nơi học tập, tham quan và là bước khởi đầu cho việc nhân rộng mô hình trồng cam thâm canh, bảo đảm an toàn thực phẩm tại Quảng Bình.

Cùng với việc triển khai mô hình trồng cam thâm canh bảo đảm an toàn thực phẩm, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cũng đã tiến hành lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên 2ha cây cam thâm canh tại tổ dân phố Hữu Nghị (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) và thôn Kim Tiền (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy).

Sau một thời gian triển khai mô hình, có thể thấy, việc sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho cây cam giúp tiết kiệm nước tưới 40-60% so với phương pháp tưới truyền thống. Đồng thời, tưới nhỏ giọt tiết kiệm được thời gian, công sức người lao động, hạn chế rửa trôi xói mòn đất và ô nhiễm môi trường; dần khắc phục được tình trạng hạn hán và cung cấp phân bón thường xuyên để duy trì sự sinh trưởng và phát triển thuận lợi cho cây trồng.

Lê Mai