.

Việt Nam sẵn sàng chào đón các cơ hội hợp tác, đầu tư

Chủ Nhật, 12/11/2017, 12:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Với chủ đề "Việt Nam-Đối tác kinh doanh tin cậy", hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS), một sự kiện quan trọng diễn ra trong Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cho các nhà đầu tư quốc tế. Và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thêm nhiều cơ hội để hội nhập quốc tế...

Tạo một môi trường kinh doanh tốt nhất

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hội nghị VBS có sự tham dự các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, CEO của nhiều công ty tên tuổi trong nước và thế giới, cũng như đại diện các tổ chức quốc tế, như: WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới), WHO (Tổ chức Y tế thế giới) và đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ...

Đường phố Đà Nẵng rực rỡ chào đón APEC.
Đường phố Đà Nẵng rực rỡ chào đón APEC.

Đây là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất và sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay. Nội dung chủ yếu của VBS là bàn về cơ hội kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cũng  cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam việc tiếp cận, hội nhập với các tổ chức, doanh nghiệp thế giới.

Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị VBS, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động của khu vực và thế giới: "Những kết quả đã đạt được từ trước cho đến nay chính là nguồn động lực quan trọng để Việt Nam tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân".

Theo Thủ tướng, Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu. Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC.

Theo các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) năm 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó, quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước.

Theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 31-10-2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ở vị trí 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5). Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5-2017 đã công bố báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017), Việt Nam đã tăng hạng lên vị trí 47/127 quốc gia và nền kinh tế (tăng 12 bậc).

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang rất tốt. Việt Nam ổn định tình hình kinh tế - xã hội, là đất nước thanh bình, hoà bình - hữu nghị. Việt Nam có chính sách tài khoá, tiền tệ rất chặt chẽ, chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam luôn tốt, tỷ giá tốt, đồng tiền ổn định nhất khu vực nên các nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm. Chính phủ triển khai nhiều biện pháp, cải cách mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, điển hình như cải cách thủ tục hành chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị VBS.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị VBS.

“Năm 2017, Việt Nam đã cắt bỏ hơn 5.000 thủ tục hành chính, giảm lãi suất ngân hàng, mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế, thời gian cho doanh nghiệp. Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mình để tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, tiếp tục là “đối tác kinh doanh tin cậy” đầy triển vọng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và của quốc gia.

Hứng khởi làn sóng khởi nghiệp

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam.Việt Nam đang chú trọng phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các FTAs mà Việt Nam tham gia.

Tính năng động trong kinh tế, chính sách mở về Internet và sự thuận lợi về kinh doanh đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam. “Chúng tôi mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa để cùng hòa vào làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam", Thủ tướng nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện, nhưng có thể nói ở Việt Nam hiện nay, vị thế, vai trò của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đang được đánh giá cao hơn bao giờ hết. Chính phủ và người dân Việt Nam luôn là người đồng hành, sát cánh với các nhà doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, thông qua Hội nghị VBS, các đại biểu quốc tế, các CEO hàng đầu của thế giới đã chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam  những giải pháp và khuyến nghị cho môi trường thể chế và mô hình kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang thử nghiệm, như: nông nghiệp thông minh, đặc khu kinh tế, nền kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo...

“Với vị trí địa lý thuận lợi, nơi giao thoa của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, một nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ cao, một chính phủ kiến tạo, quyết tâm đổi mới và thúc đẩy hội nhập...

Việt Nam đang là một điểm đến để khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, học hỏi và hội nhập quốc tế"- ông Vũ Tiến Lộc nói.
Chia sẻ về tiềm năng, cơ hội, cũng như những giải pháp  đầu tư khởi nghiệp, kinh doanh ở Việt Nam, ông Philipp Rosler,Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, những chính sách, thể chế đúng đắn sẽ giúp phát triển được năng lực và năng suất lao động của Việt Nam.

Để bảo đảm an sinh xã hội, chống tham nhũng, trách nhiệm của khu vực công là tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi. Sau khi tạo ra khung pháp lý đúng đắn, nhiệm vụ của các lãnh đạo doanh nghiệp là thuê nhân công, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động.

Hơn 2000 đại biểu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, CEO của nhiều công ty tên tuổi trong nước và thế giới đã tham dự Hội nghị
Hơn 2000 đại biểu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, CEO của nhiều công ty tên tuổi trong nước và thế giới đã tham dự Hội nghị

Theo ông Rosler, trong suốt những năm qua, sự hợp tác tuyệt vời giữa khu vực công và khu vực tư ở Việt Nam là cách tiếp cận đúng đắn để gia tăng năng lực kinh tế cho Việt Nam trong tương lai. Tài sản lớn nhất của Việt Nam cho đến nay không phải là dầu khí, cơ sở hạ tầng... mà chính là giới trẻ. Ông khẳng định, đào tạo nghề chính là hình mẫu thể hiện rõ ràng sự hiệu quả của mô hình đối tác công tư. “Nâng cao kỹ năng của thanh niên Việt Nam chính là cách tốt nhất để nâng cao năng lực kinh tế và năng suất lao động của Việt Nam” - ông Rosler nói.

BàThái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH Truemilkquan tâm đặc biệt đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những sản phẩm thân thiện môi trường, tốt nhất cho sức khỏe con người. “Tôi cho rằng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, điều đầu tiên một con người cần có là sự tử tế, người tử tế chắc chắn làm việc gì cũng sẽ tử tế. Với quan điểm luôn ủng hộ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với các thực phẩm dành cho con người, tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nên tuân thủ theo quy luật tự nhiên, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để chế biến, sản xuất, không làm hại sức khỏe con người.” – Bà Hương nói.

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư quốc tế, VBS lần này đã mở ra nhiều cơ hội để hợp tác, đầu tư ở Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam được gặp gỡ, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp nước ngoài về xu thế thương mại và hội nhập trong khu vực APEC cũng như quốc tế.

Phan Phương