.

Lệ Thủy: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới

Thứ Năm, 02/11/2017, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, thời gian qua, huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Trên thực tế, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Lệ Thủy vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; điều kiện địa hình dốc, nhiều gò đồi nên khó áp dụng cơ giới hóa; việc ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất, thu hoạch, chế biến còn hạn chế.

Cùng với đó là việc sản xuất hàng hóa tập trung chưa phát triển; giá đầu ra sản phẩm không ổn định, sản phẩm có thương hiệu còn ít; chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh còn thấp; thu nhập và đời sống của người sản xuất nông nghiệp chưa cao... Vì vậy, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, kết quả chưa được như mong muốn.

Xuất phát từ thực trạng đó, trong những năm qua, huyện Lệ Thủy xác định xây dựng nông thôn mới sẽ thành công và bền vững hơn khi thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó mục tiêu cốt lõi là hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân được nâng cao; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ...

UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa phù hợp theo cơ chế thị trường, vừa bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; có cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các thành phần kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và hợp tác xã. Huyện đã tập trung khai thác và tận dụng tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Huyện Lệ Thủy chú trọng đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Huyện Lệ Thủy chú trọng đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Để thúc đẩy sự phát triển chung của huyện cũng như tạo sự gắn kết giữa các xã trên địa bàn, huyện Lệ Thủy đã xây dựng và tổ chức thực hiện 30 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, phát triển nông thôn nhằm đưa các giống mới và các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Lệ Thủy đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện, như: rau, lúa gạo, mướp đắng, gà đồi, nén.

Đồng thời, huyện áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: quy trình VietGap, quy trình sản xuất công nghệ tưới, chăm sóc hiện đại của Isarel; công nghệ thủy canh, hữu cơ..., góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm được nguồn nước tưới và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến nay, mỗi mô hình đã phát huy được lợi thế riêng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng là một nội dung quan trọng của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài phát triển các cây trồng thế mạnh, huyện Lệ Thủy đã tập trung phát triển các loại cây lương thực, như: lúa, ngô, theo hướng thâm canh, lựa chọn các loại giống cho năng suất, sản lượng cao vào gieo trồng. Tổng sản lượng lương thực hàng năm của huyện Lệ Thủy luôn vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra và kết quả năm sau cao hơn năm trước.

Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, Lệ Thủy đã tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đây là một trong những nội dung quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang phát triển khá nhiều cơ sở chế biến gỗ, sơ chế gỗ và một số cơ sở chế biến tinh bột nghệ, tinh dầu sả, dầu tràm..., đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển các hợp tác xã (HTX) cũng là một mục tiêu trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện. Huyện Lệ Thủy đã thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện có 60 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông – lâm- ngư nghiệp; có 125 tổ hợp tác sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp. Mặc dù con số này còn khá khiêm tốn, song đây cũng là một nỗ lực của chính quyền huyện. Hiện nay, hoạt động của các HTX ngày càng mang lại hiệu quả cao. Các HTX phát huy được sức mạnh của thành viên trong phát triển kinh tế tập thể.

Nhờ các giải pháp hiệu quả trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, những năm qua, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Lệ Thủy ngày càng tăng. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. Các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo từng lĩnh vực cũng dần được hình thành, thực hiện sản xuất theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên lượng hàng hoá ngày càng tăng, chất lượng được cải thiện, dần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nhân dân.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Lệ Thủy đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến nay, toàn huyện có 10 xã đạt 19 tiêu chí gồm: Lộc Thủy, Liên Thủy, Phong Thủy, Mai Thủy, An Thủy, Mỹ Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Phú Thủy, Xuân Thủy; 6 xã đạt 15- 18 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 4 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Các xã đều tăng từ 1 đến 2 tiêu chí mỗi năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Trong thời gian tới, huyện Lệ Thủy tiếp tục xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới. Các giải pháp được quan tâm là chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào các khâu, từ kỹ năng canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến...

Hồng Mến
(Đài TT-TH Lệ Thủy)