.

Gỡ khó cùng doanh nghiệp

Thứ Năm, 02/11/2017, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, Sở Công thương chú trọng tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, qua đó nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất và  tiêu thụ hàng hóa. Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp do Sở Công thương tổ chức vừa qua, các doanh nghiệp đã mạnh dạn nêu lên những vướng mắc của đơn vị.

Nhà máy Xi măng Văn Hóa chủ yếu sản xuất xi măng và clinker. Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhà máy đã sản xuất 1.193 tấn clinker, đạt 74,6% kế hoạch năm; xi măng đạt 215 tấn, đạt 65,2% kế hoạch năm. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo nhà máy chia sẻ, hiện nay, ngành xi măng Việt Nam đang gặp khó khăn do cung nhiều hơn cầu.

Bởi vậy, các doanh nghiệp xi măng tập trung sang xuất khẩu, nhưng Nhà nước đang áp dụng thuế xuất khẩu là 5% và không được hoàn thuế VAT 10% đầu vào của phần sản lượng xuất khẩu. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh về giá ở thị trường Trung Quốc, Thái Lan...

Mong muốn của Nhà máy Xi măng Văn Hóa là Nhà nước điều chỉnh chính sách thuế để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng kiến nghị tỉnh cho nạo vét tuyến luồng sông Gianh để có thể tiếp nhận tàu phà sông biển có tải trọng 2.500 tấn nhận hàng tại nhà máy và cho vận hành tuyến luồng 24/24h.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, ngành công nghiệp dệt may tiếp tục có bước tăng trưởng đột phá, sản xuất hơn 10,5 triệu sản phẩm, đạt 58,5% kế hoạch, tăng 41% so với cùng kỳ. Các nhà máy may duy trì hoạt động ổn định và phát huy tốt hiệu quả.

Trong năm 2017, Công ty TNHH S&D Quảng Bình đã hoàn thành dây chuyền 2 đưa vào sản xuất, tuy nhiên do thiếu lao động nên Công ty chưa khai thác hết công suất của nhà máy. Tương tự, Nhà máy May Lệ Thủy và Công ty Cổ phần May Đại Thành cũng đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động...

Công ty TNHH S&D Quảng Bình đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
Công ty TNHH S&D Quảng Bình đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Về những khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, ông Hoàng Lê Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Cát Phú cho biết, Cảng nước sâu Hòn La được thiết kế cho tàu 3-5 vạn tấn ra vào, tuy nhiên, hiện tại, do điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nên chỉ cho phép tàu dưới 2 vạn tấn cập cảng để vận chuyển hàng hóa.

Điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ gặp khó khăn, vì mỗi đợt xuất hàng của các doanh nghiệp là từ 2,5-3 vạn tấn. Hơn nữa, hoạt động bốc xếp tại cảng chưa chuyên nghiệp và khoa học, chưa có công nghệ hiện đại để hỗ trợ bốc xếp lên tàu...

Từ những lý do trên, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ phải vận chuyển sản phẩm xuất khẩu qua Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) nên giá thành tăng cao vì phải tăng cước vận chuyển, trong khi sản phẩm dăm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp Thái Lan. Cũng vì phải xuất dăm gỗ từ Cảng Vũng Áng, nên thuế xuất khẩu của ngành hàng này sẽ do tỉnh Hà Tĩnh thu, dẫn đến thiệt thòi lớn cho Quảng Bình khi mất một khoản thu lớn từ thuế xuất khẩu dăm gỗ của tỉnh.

Từ khi Chỉ thị số 15 của Chính phủ Lào được ban hành và có hiệu lực (dừng xuất khẩu các loại gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, chỉ xuất khẩu gỗ đã chế biến thành thành phẩm), hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu gỗ của các doanh nghiệp Quảng Bình có đầu tư, kinh doanh tại Lào gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, Quảng Bình có hơn 25 doanh nghiệp hoạt động, đầu tư, mua bán gỗ tại Lào. Số gỗ còn tồn đọng ở Lào do các đối tác tại Lào nợ, ước lượng khoảng 12.000m3, trị giá hơn 20 triệu USD.

Trong khi, hầu hết nguồn vốn đầu tư lại là vốn vay ngân hàng thương mại tại Việt Nam, do đó, nếu các doanh nghiệp không được nhập khẩu số gỗ trên, thì nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh khó khăn, không đủ khả năng trả nợ.

Để hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp, thương mại năm 2017 và tháo gỡ một số khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công thương cho biết: đối với các dự án đầu tư đưa vào sản xuất nhưng đang gặp khó khăn, vướng mắc như Công ty TNHH S&D Quảng Bình, cần phối hợp với các địa phương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giới thiệu việc làm để tuyển lao động, bảo đảm đủ cho sản xuất kinh doanh; tập trung giải quyết khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp chế biến mủ cao su, gạch lát ceramic...

Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng có tiềm năng và chủ đạo của tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Sở cũng sẽ kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tham mưu văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí nạo vét tuyến luồng sông Gianh theo dự án đã được Bộ phê duyệt; cho đầu tư xây dựng Cảng Hòn La giai đoạn 2 để nâng cao năng lực xếp dỡ, có thể tiếp nhận tàu trên 3 vạn tấn.

Các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền tiếp tục thực hiện tốt phương châm “chính quyền đồng hành với doanh nghiệp”, giải quyết nhanh, có hiệu quả những yêu cầu, đề xuất chính đáng của doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong các lĩnh vực, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết công việc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...

Lê Mai