.

Đón "làn sóng" đầu tư từ doanh nghiệp lớn

Thứ Ba, 14/11/2017, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với sự tham gia của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp quốc tế lớn tập trung về Đà Nẵng để thảo luận, đưa ra những giải pháp tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội...

Công ty PwC – Đối tác Tri thức của Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO SUMMIT) đã có cuộc khảo sát 1.400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp  trong từng nền kinh tế của 21 nền kinh tế APEC bên thềm Hội nghị. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, trong năm tới, 50% doanh nghiệp sẽ tăng các khoản đầu tư toàn cầu (bao gồm cả các nước ngoài khu vực APEC).

Tỷ lệ này cao hơn mức 43% năm ngoái vì các doanh nghiệp APEC đang tìm cách nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình đối với nền kinh tế toàn cầu. 71% các doanh nhân dự định tăng đầu tư sẽ phân bổ các khoản tăng này vào các nền kinh tế APEC vào năm 2018 và 63% tổng số các CEO của khu vực APEC mong muốn mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong ba năm tới.

Nhìn nhận của PwC cho biết, những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất sẽ là Việt Nam, Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia. Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC khi đầu tư ra nước ngoài.

Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC nhận định: "Sự tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy họ không chờ đợi môi trường kinh doanh ổn định hơn mới thúc đẩy kế hoạch đầu tư. Trong ngắn hạn, điều này sẽ thúc đẩy APEC nâng cao ảnh hưởng toàn cầu và đẩy mạnh các thương vụ, khi mà có tới 71% các CEO mong muốn trông cậy nhiều hơn vào các mối quan hệ đối tác kinh doanh, liên doanh trong tương lai”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp khu vực APEC.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp khu vực APEC.

Cũng theo ông Bob Moritz, mối quan ngại lớn nhất của các CEO là về điều kiện thương mại hạn chế, đặc biệt là trong việc lưu chuyển lao động và hàng hoá. Gần một phần tư các lãnh đạo doanh nghiệp APEC thừa nhận rằng, họ đang đối mặt với một môi trường thương mại bị hạn chế nhiều hơn, cụ thể là khi sử dụng lao động nước ngoài (23%) hoặc lưu chuyển hàng hóa qua biên giới (19%).

Trong thời gian tới, 30% dự đoán các quy định hạn chế về lao động sẽ tăng, và một phần tư dự đoán các rào cản đối với sự lưu chuyển hàng hoá sẽ tăng trong 12 tháng tới. Một nửa số CEO tại Singapore, một trong những trung tâm tài chính toàn cầu của thế giới, cho rằng, rào cản sẽ gia tăng đối với sự dịch chuyển lao động trong 12 tháng tới.

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam nhìn nhận, dân số trẻ và tăng là yếu tố cơ bản đối với nhà doanh nghiệp, vì tạo nên đội ngũ lao động dồi dào, sức mua hàng hóa lớn... Việt Nam đang chiếm ưu thế về nguồn lực này. “Hiện, Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn. Theo khảo sát, hơn 90% các CEO ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều nhìn thấy tiềm năng phát triển doanh thu và hơn 70% nhà đầu tư đều có kế hoạch và mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam” – Bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân, APEC 2017 tổ chức ở Việt Nam với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC đã cùng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, Việt Nam đã thể hiện được vai trò chủ nhà của mình khi đưa ra nhiều khuyến nghị, đề xuất được lãnh đạo các nền kinh tế, các CEO của các doanh nghiệp lớn trong khu vực đánh giá cao. PwC tin rằng việc duy trì cải cách kinh tế, cùng với việc tăng cường năng lực của các thể chế và đặc biệt là giáo dục và phát triển kỹ năng sẽ rất cần thiết để Việt Nam có thể hiện thực hóa tiềm năng kinh tế.

Cơ hội đã mở ra, tuy nhiên, không có thành công nào tự đến. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho rằng, để đón đầu cơ hội đầu tư, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp, như: cải cách nền kinh tế, cơ sở pháp lý, thủ tục hành chính, thể chế..., đồng thời đưa ra những quyết sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải năng động hơn, sẵn sàng thay đổi.

Đương nhiên, nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư họ đều xây dựng kế hoạch chiến lược kinh doanh phù hợp, có chiến lược đào tạo, đầu tư nguồn lực phù hợp. “Việc là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam không chỉ được quảng bá hình ảnh của mình, các chính sách cải tổ, cởi mở về đầu tư.... với các nước trong khu vực APEC, mà còn với nhiều nước ở các  khu vực khác trên thế giới.

Tuần lễ cấp cao APEC không phải chỉ có 21 nền kinh tế APEC quan tâm, mà các quốc gia khác cũng quan tâm. Ngoài ra, Tuần lễ cấp cao APEC còn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với CEO các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Đấy là cơ hội cho Việt Nam- điểm đến đầu tư cởi mở” - bà Vân nói.

Phan Phương