.
Chuyển đổi sinh kế cho ngư dân sau sự cố môi trường biển:

"Sau mưa, trời lại sáng…"

Thứ Tư, 01/11/2017, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Một năm rưỡi sau sự cố môi trường biển, bên cạnh việc duy trì hoạt động khai thác, đánh bắt, nhiều ngư dân đã chủ động và tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sinh kế mới..., bước đầu đem lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần ổn định cuộc sống.

Một trong những mô hình chuyển đổi nghề nghiệp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của người dân ven biển trên địa bàn TP. Đồng Hới chính là Hợp tác xã (HTX) dịch vụ vận tải du lịch và thương mại Đồng Thành. Ông Phan Văn Hà, Giám đốc HTX cho biết, năm 2016, HTX dịch vụ vận tải du lịch và thương mại Ðồng Thành, phường Hải Thành, được thành lập với 20 thành viên góp vốn đầu tư.

Mô hình vận tải khách du lịch bằng xe điện tại TP. Đồng Hới giúp ngư dân ổn định cuộc sống.
Mô hình vận tải khách du lịch bằng xe điện tại TP. Đồng Hới giúp ngư dân ổn định cuộc sống.

Xe điện đi vào hoạt động sẽ góp phần phục vụ người dân trong tỉnh và khách du lịch. Xe hoạt động êm, không có khí thải, không gian trong khoang khách thông thoáng, tầm nhìn bao quát, tốc độ di chuyển của xe thấp (tốc độ tối đa là 30km/h).

Điều đáng nói là, nhiều ngư dân tại địa phương đồng thuận và nhiệt tình tham gia mô hình. Chính những ưu điểm đó, ông Hà cùng 20 ngư dân mạnh dạn đầu tư trên 4,5 tỷ đồng để mua mới 20 xe điện bốn bánh hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch tham quan TP. Ðồng Hới (trị giá 220 triệu đồng/xe).

Sau gần 8 tháng đi vào hoạt động, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhờ được đầu tư quy mô và khai thác bài bản, xe điện đã góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch mới và mang tính đặc trưng cho du lịch TP. Đồng Hới.

Tại xã biển bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh), khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, hàng nghìn con thuyền nan nằm gối bãi, phơi mình trong mưa nắng. Ngư dân đối mặt với rất nhiều khó khăn, để mưu sinh.

Thực trạng ấy đòi hỏi cấp ủy và chính quyền nơi đây cần sớm tìm ra giải pháp để chuyển đổi nghề, ổn định đời sống cho bà con. Ông Lê Văn Khởi, Bí thư Ðảng ủy xã Hải Ninh chia sẻ, ngay khi được một doanh nghiệp sản xuất hương gợi ý, xã đề nghị người dân thí điểm trồng cây hương bài làm cây nguyên liệu chế biến hương.

Qua làm việc với xã Hải Ninh, nhà máy hương sạch Tân Nguyên đã hợp đồng nhận cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và cam kết thu mua sản phẩm, dự kiến một héc-ta cây hương bài cho thu nhập 80-100 triệu đồng/năm.

Vậy là sau những ngày tháng trăn trở, lao đao tìm nghề phù hợp, đến thời điểm này, một số ngư dân trong xã Hải Ninh đang bắt tay vào làm đất trên diện tích gần 2ha để chuẩn bị cho trồng cây hương bài, hứa hẹn một mô hình chuyển đổi mới đầy tiềm năng cho ngư dân vùng biển bãi ngang nơi đây.

Từ những diện tích đất trong vườn nhà đến những bể xây đều được bà con ngư dân vùng Ngư Thủy (gồm ba xã: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam của huyện Lệ Thủy) tận dụng để nuôi các loại thủy hải sản phù hợp.

“Nghề nuôi cá lóc trên cát ở Ngư Thủy Bắc bắt đầu manh nha từ năm 2010, lúc đầu chỉ có một vài hộ nuôi thử nghiệm để tận dụng nguồn thức ăn từ những phụ phẩm cá tôm sau những lần đi biển về. Thế nhưng, sau sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân trong xã đã lên bờ đào ao nuôi cá lóc thương phẩm. Đến nay, xã Ngư Thủy Bắc là địa phương có tổng diện tích thả nuôi cao nhất trong vùng Ngư Thủy với trên 25ha, thu hút 500 hộ tham gia nuôi...

Cùng với đó, một số hộ ngư dân sau khi nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển đã tái đầu tư bằng hình thức xuất khẩu lao động. Từ giữa năm 2016 đến nay, xã đã có 150 ngư dân tham gia xuất khẩu lao động tại các nước, như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... cho thu nhập bình quân từ 17-20 triệu đồng/tháng...”, ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc thông tin cụ thể thêm.

Thực tế cho thấy, những mô hình chuyển đổi sinh kế trên có hướng đi phù hợp, bước đầu thích ứng với tình hình thực tế và đặc thù địa phương; đồng thời khai thác và phát huy lợi thế vùng miền, mang lại hiệu quả cho bà con vùng biển trong tỉnh sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Tuy nhiên, qua trao đổi với nhiều ngư dân các địa phương vùng biển, chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh việc phát triển các ngành nghề truyền thống, như: trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nuôi trồng và dịch vụ, rất nhiều ngư dân mong muốn được đóng tàu mới có công suất lớn để vươn khơi bám biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương các xã biển cũng vận động ngư dân sử dụng tiền bồi thường, hỗ trợ sau sự cố môi trường biển để tiếp tục đầu tư, đa dạng nghề đánh bắt, mở rộng quy mô lưới cụ, nâng công suất tàu đánh bắt xa bờ và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây.

Từ tâm huyết và nỗ lực đó, đến nay, ngư dân các địa phương trong tỉnh đã đăng ký 1.097 tàu khai thác vùng biển xa (theo Quyết định 48) và hoàn thành việc đóng mới 90 tàu cá, trong đó có 30 tàu vỏ thép, 1 tàu composite và 59 tàu vỏ gỗ (theo Nghị định 67), góp phần nâng đội tàu xa bờ của toàn tỉnh lên trên 2.000 chiếc.

Nhờ đó, hoạt động khai thác hải sản ở vùng xa bờ của ngư dân đã và đang tăng dần về sản lượng. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt hơn 57.090 tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, sản lượng khai thác đạt hơn 47,5 nghìn tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Nghề nuôi cá lóc trên cát vùng Ngư Thủy (Lệ Thủy) phát triển mạnh sau sự cố môi trường biển.
Nghề nuôi cá lóc trên cát vùng Ngư Thủy (Lệ Thủy) phát triển mạnh sau sự cố môi trường biển.

Tại các địa phương, như: Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Quảng Phúc, Quảng Lộc (TX. Ba Đồn), Cảnh Dương (Quảng Trạch), Đức Trạch (Bố Trạch).... đã xuất hiện nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân thu về từ 300-600 triệu đồng sau mỗi chuyến biển, tạo việc làm ổn định cho 10-12 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.

Tiêu biểu như tàu cá của ngư dân: Nguyễn Chiến Trường ở xã Quảng Lộc; Trần Đình Thủy ở xã Bảo Ninh; Hoàng Văn Dộng ở xã Quảng Phú; Hồ Đăng Toàn, Hồ Đăng Hiền, Nguyễn Văn Tiệp ở xã Đức Trạch...

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nhằm hướng đến mô hình khai thác thủy sản hiệu quả, cũng như nâng cao kỹ năng của ngư dân trong vấn đề bảo đảm an toàn vận hành tàu cá vươn khơi xa, đơn vị cũng tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho đối tượng lao động trên biển. Cụ thể, Chi cục sẽ hỗ trợ trên 300 ngư dân trong đào tạo vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới và thuyền viên vận hành kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới...

Có thể nói, quá trình bà con ngư dân các địa phương ven biển trong tỉnh chuyển đổi phương thức sản xuất trong khai thác hải sản, trồng trọt, chăn nuôi.... sau sự cố môi trường biển bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Đây cũng chính là dấu hiệu cho thấy sự tích cực, mạnh dạn và quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính quyền các cấp, các ngành và bà con ngư dân vùng biển trong việc chuyển đổi và phát triển sinh kế để ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh. 

N.L