.

Về làng biển Quảng Phúc

Thứ Năm, 05/10/2017, 09:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Mới đây, sau bão số 10 chúng tôi có dịp trở lại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn. Vùng biển xứ đạo này có nhiều đổi thay, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, nhà cửa khang trang.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Phúc đưa chúng tôi đi thăm HTX nông nghiệp của xã vừa mới thành lập đầu năm 2017 và một số cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn. Ông cho biết, đến thời điểm này, bà con đã cơ bản khắc phục xong hậu quả cơn bão số 10, hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Các cơ sở chế biến hải sản của phường Quảng Phúc đã đông vui trở lại.
Các cơ sở chế biến hải sản của phường Quảng Phúc đã đông vui trở lại.

Phường Quảng Phúc hiện có 1.965 hộ với 8.873 nhân khẩu, trong đó gần 90% dân số theo đạo công giáo. Sau sự cố môi trường biển xảy ra tháng 4 năm ngoái, ngư dân trong phường đã nỗ lực, cố gắng khắc phục, nhờ đó, đời sống sản xuất không bị đảo lộn nhiều.

Qua câu chuyện của vị Bí thư Đảng ủy phường được biết, thời gian qua lãnh đạo phường tập trung chỉ đạo phát triển nghề cá một cách đồng bộ, khuyến khích đầu tư nguồn vốn đóng tàu công suất lớn, bám biển dài ngày khai thác xa bờ và mở thêm nhiều cơ sở hậu cần thương mại dịch vụ nghề cá.

Để thực hiện có hiệu quả việc vươn khơi bám biển, Đảng bộ phường đã ban hành Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2015-2020, “lấy kinh tế biển làm mũi nhọn, lao động xuất khẩu là động lực, tạo tiền đề cho dịch vụ thương mại phát triển”.

Kiên định với chủ trương này, qua 3 năm hiệu quả đánh bắt xa bờ ngày càng rõ nét, từ đó kích thích ngư dân mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn. Nếu như năm 2010 toàn phường có 192 tàu thì đến nay con số đó đã tăng lên 233 tàu (tăng 41 tàu); trong đó có 214 tàu công suất từ 100-800CV, 19 tàu 700-900 CV. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định số 67, trên địa bàn phường có 17 gia đình ngư dân tham gia đóng mới tàu, trong đó có 16 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ thép với số vốn trên 120 tỷ đồng.

Sản lượng đánh bắt hải sản trên địa bàn không ngừng tăng cao qua hàng năm (chỉ riêng năm 2016, do sự cố môi trường biển đánh bắt không đạt chỉ tiêu), còn lại năm nào sản lượng đều tăng trên 10%. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm nay, nhờ đưa các tàu lớn mới đóng vào sản xuất với trang thiết bị hiện đại, đồng thời đẩy mạnh khai thác hàng đặc sản xuất khẩu, nghề biển đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong phường. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức sản lượng trong 9 tháng năm 2017, nhưng qua nắm bắt tình hình của Hội Nông dân phường, sản lượng đánh bắt đạt khoảng 2.400 tấn, doanh thu trên 120 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương bám biển sản xuất, phường đã vận động thành lập 38 tổ đoàn kết và 6 tổ hợp tác trên biển, vừa tham gia khai thác, đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động với thu nhập ổn định từ 6 triệu đồng/tháng trở lên.

Cùng với đẩy mạnh đánh bắt dài ngày trên biển, Đảng ủy phường khuyến khích đầu tư mở thêm các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến nay, trên địa bàn phường có 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, một tổ dịch vụ nước sạch, 18 cơ sở sản xuất đá lạnh, 12 cơ sở thu mua chế biến thủy sản, 2 công ty đóng mới và dịch vụ triền đà sửa chữa tàu thuyền, hàng chục cơ sở dịch vụ cung cấp thực phẩm, dụng cụ nghề biển được thành lập và hoạt động có hiệu quả.

Các cơ sở dịch vụ này đã góp phần làm tăng nguồn thu nhập ngành nghề dịch vụ thương mại trên địa bàn. Mỗi năm, thu nhập từ ngành nghề thương mại dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nói đến dịch vụ nghề biển, thôn Thanh Mỹ được xem là tiên phong. Nơi đây hội tụ các loại dịch vụ hậu cần không chỉ của phường Quảng Phúc mà còn cả khu vực biển thị xã Ba Đồn.

Quảng Phúc có 17 ngư dân tham gia đóng mới tàu cá theo Nghị định 67.
Quảng Phúc có 17 ngư dân tham gia đóng mới tàu cá theo Nghị định 67.

Theo chân ông Nguyễn Thanh Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc chúng tôi về Tân Mỹ. Qua câu chuyện với vị cựu Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Tân Mỹ, Nguyễn Hữu Giáo, được biết, Tân Mỹ là thôn công giáo toàn tòng, có 390 hộ dân, với 2.200 nhân khẩu. Đa số các hộ dân trong thôn đều tham gia nghề cá và các dịch vụ hậu cần có liên quan đến nghề cá.

Nhờ phát huy lợi thế nghề biển, nên kinh tế của thôn không ngừng phát triển. Tỷ lệ hộ khá và giàu trong thôn cao nhất phường, đạt đến 72%. Đặc biệt, Thôn có nhiều hộ dân sở hữu từ 2- 3 tàu đánh bắt xa bờ với hàng chục lao động mà mỗi chiếc đều có giá trị tiền tỷ.

Để phát huy lợi thế kinh tế biển, người dân Tân Mỹ đã đầu tư mở ra 15 cơ sở sản xuất, dịch vụ đá lạnh, 5 doanh nghiệp xăng dầu phục vụ tàu thuyền đi biển.... Đặc biệt, Tân Mỹ có đến 70% số hộ làm nghề chế biến thủy sản, với sản lượng trên 2 ngàn tấn mỗi năm, giải quyết việc làm quanh năm cho hàng trăm lao động. Ngoài ra, Tân Mỹ còn có một HTX chế biến mước mắm công suất xấp xỉ 100 tấn/năm, được thành lập cách đây hai năm, với 20 xã viên do anh Nguyễn Hữu Đoài làm chủ nhiệm. Nước mắm Tân Mỹ ngon và có vị thơm rất đặc trưng đã vươn ra được thị trường ngoài tỉnh.

Nhờ bám biển, biết dựa vào biển để phát triển sản xuất, người dân Quảng Phúc đã làm cho bộ mặt nông thôn mới dần hiện hữu qua từng ngày, cuộc sống không ngừng được cải thiện, nâng cao.

H.Quân