.

Nhận diện các nhà đầu tư yếu kém

Chủ Nhật, 22/10/2017, 10:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng bá, kêu gọi, trải thảm đó để thu hút đầu tư là những bước đi quan trọng để phát huy sức mạnh nội lực, khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ năng lực để đảm đương nổi sự kỳ vọng nói trên. Vấn đề bây giờ là làm sao để sớm nhận diện và sàng lọc được nhà đầu tư yếu kém mà vẫn không để tuột mất nhà đầu tư có khả năng thực sự?

Tỉnh ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế, nên việc thu hút các dự án đầu tư ở lĩnh vực này luôn được ưu ái lựa chọn. Mỗi dự án được triển khai sẽ tạo thêm một điểm nhấn trong chiến lược phát triển dịch vụ du lịch.

Công trình Hotel and Resort Pullman Quảng Bình của Tổng công ty Du lịch Hà Nội (hạng 5 sao) trên đường Võ Nguyên Giáp (xã Bảo Ninh) đang được tích cực triển khai xây dựng.
Công trình Hotel and Resort Pullman Quảng Bình của Tổng công ty Du lịch Hà Nội (hạng 5 sao) trên đường Võ Nguyên Giáp (xã Bảo Ninh) đang được tích cực triển khai xây dựng.

Song, không phải dự án nào cũng đáp ứng được kỳ vọng. Nằm ở vị trí “đất vàng” ngay cửa ngõ của quảng trường biển Bảo Ninh, thế nhưng, từ hơn 7 năm qua, dự án Resort Sài Gòn-Bảo Ninh của Tổng công ty TNHH MTV Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) vẫn chưa có được hình hài của một khách sạn 4 sao như cam kết đầu tư ban đầu.

Là một công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành, Tổng công ty TNHH MTV Du lịch Sài Gòn được tỉnh kêu gọi đầu tư và giao đất để khai thác các lợi thế, tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tháng 4-2010, Tổng công ty TNHH MTV Du lịch Sài Gòn được cấp phép đầu tư, xây dựng dự án Resort Sài Gòn-Bảo Ninh trên diện tích đất hơn 4ha. Với một khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, khu resort này sẽ mang lại diện mạo mới, triển vọng mới cho du lịch Quảng Bình.

Thế nhưng, qua hơn 7 năm qua, những gì dự án này triển khai được chỉ là những hàng cây và những ngôi nhà lá đơn sơ. Còn công trình khách sạn 4 sao như hứa hẹn ban đầu vẫn còn nằm đâu đó trong các bản vẽ, thiết kế.

Tháng 6-2016, UBND tỉnh cũng đã “chiếu cố” và gia hạn thêm thời gian sử dụng đất cho công ty này 24 tháng, tạo điều kiện để công ty có cơ hội tiếp tục đầu tư như những hứa hẹn trước đó. Dẫu vậy, từ đó đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 28 ra “tối hậu thư”, đến ngày 30-9-2017, nhà đầu tư vẫn chưa khởi động lại, thì dự án này sẽ bị tạm dừng và chủ đầu tư phải giữ nguyên hiện trạng để thực hiện các thủ tục thu hồi đất theo quy định.

Không chỉ dự án Resort Sài Gòn-Bảo Ninh của Tổng công ty TNHH MTV Du lịch Sài Gòn, một loạt những dự án đầu tư chậm, không đủ năng lực đều bị “ra tối hậu thư”, nhắc nhở. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề thu hồi và xử lý các dự án đầu tư chậm triển khai, không đủ năng lực lại được đặt ra một cách nghiêm túc và dứt khoát như lúc này.

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII và cả hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 28 (diễn ra vào tháng 7 vừa qua), cùng với công tác thu hút đầu tư, cho thuê đất để phát triển kinh tế, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án không sử dụng đất, chậm tiến độ, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất không hiệu quả, lãng phí đất đai đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ một cách nghiêm túc và cụ thể từng dự án.

Tại thành phố Đồng Hới, theo quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, xã Bảo Ninh được định hướng phát triển với tính chất là đô thị đa chức năng.

Trong đó, chức năng phát triển du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng đóng vai trò chủ đạo. Hiện nay, trên địa bàn xã Bảo Ninh có 29 dự án đã, đang và chuẩn bị triển khai đầu tư, với tổng diện tích 270ha. Trong số 710ha đất trống còn lại, đã có 463ha được các nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong số các dự án đã được cấp phép đầu tư ở Bảo Ninh là có một số dự án triển khai chậm tiến độ đã đăng ký, một số dự án đến nay vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng.

Để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã cho phép gia hạn một số dự án, nhưng đến nay vẫn các dự án này vẫn trong tình trạng “dẫm chân tại chỗ”, như: dự án xây dựng khu Resort Sài Gòn-Bảo Ninh của Tổng công ty TNHH MTV Du lịch Sài Gòn; dự án xây dựng hệ thống ra-đa biển của Tổng cục Biển và Hải đảo (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường)...

Bên cạnh đó, một số dự án nợ tiền thuê đất và các dự án đã được cấp phép, triển khai xây dựng trước đây, nhưng hiện nay, không phù hợp với quy hoạch cũng được xem xét điều chỉnh cho phù hợp, như: dự án xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp trên cát của Công ty TNHH MTV Thương mại và Du lịch Vinashin Quảng Bình (hiện nay đã bán tài sản trên đất cho Công ty CP Phúc Thành Việt Nam); dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Bình Minh của Công ty CP Đức Thắng; dự án nuôi tôm trên cát của Công ty CP Đức Thắng, Công ty TNHH thủy sản Hưng Biển; dự án khu chăn nuôi liên hợp đà điểu của Công ty TNHH thủy sản Hưng Biển; dự án xây dựng và phát triển vùng rau an toàn Nam Bảo Ninh của Công ty TNHH XDTH Nhật Lệ.

Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư  cùng một số sở, ngành liên quan đã tổ chức kiểm tra, ra soát 24 dự án chậm tiến độ. Theo đó, có đến 18/24 dự án triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai với số tiền nợ thuê đất gần 10 tỷ đồng. Trong số 18 dự án chậm tiến độ, có 2 dự án đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất, 16 dự án đang đề nghị UBND tỉnh xem xét cho gia hạn tiến độ.

Đối với quỹ đất của các dự án đã thu hồi, tỉnh sẽ xem xét tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc tổ chức thanh lý tài sản trên đất để tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất có cam kết tiến độ với UBND tỉnh, nhưng vẫn chưa triển khai hoặc triển khai đối phó, nhà đầu tư không có năng lực sẽ tiến hành thu hồi dứt điểm.

Ông Nguyễn Sơn Hà, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Mỗi một dự án đầu tư không phát huy hiệu quả, chậm tiến độ hoặc năng lực của nhà đầu tư yếu kém, chẳng những tỉnh sẽ mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư khác có năng lực khác, mà còn làm chậm lại và kéo lùi sự phát triển kinh tế của tỉnh. Kéo theo đó là những hệ lụy về sự lãng phí đất đai, giải quyết việc làm, thu ngân sách...”.

Đã 7 năm trôi qua, thế nhưng diện mạo của khu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao của dự án Resort Sài Gòn-Bảo Ninh vẫn chưa có được hình hài như mong muốn.
Đã 7 năm trôi qua, thế nhưng diện mạo của khu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao của dự án Resort Sài Gòn-Bảo Ninh vẫn chưa có được hình hài như mong muốn.

Trở lại vấn đề, làm sao để sớm nhận diện và sàng lọc được các nhà đầu tư yếu kém ngay từ đầu? Ông Nguyễn Sơn Hà cho biết, hiện nay, cơ chế, điều kiện đầu tư và thu hút đầu tư theo các quy định của Luật Đầu tư 2015 khá thông thoáng. Vì vậy, việc kiểm soát và nhận diện các nhà đầu tư năng lực yếu khá khó khăn.

Theo quy định, các nhà đầu tư hoàn toàn tự khai và nộp hồ sơ, đề xuất chủ trương đầu tư. Nếu hồ sơ đã đủ các điều kiện thì sẽ được cấp có thẩm quyền cấp phép đầu tư. Để hạn chế được tình trạng nói trên, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì cùng các sở, ban, ngành liên quan xây dựng dự thảo biểu mẫu hướng dẫn thuyết minh tài chính, làm cơ sở để kiểm soát chặt năng lực tài chính của các nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư chia nhỏ tiến độ đầu tư các dự án hoặc triển khai dự án không theo như cam kết ban đầu. Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiến hành phân loại vị trí đất tương ứng với nguồn vốn để thu hút và lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, để hạn chế, khắc phục tình trạng các dự án chậm tiến độ, tỉnh cần phải quy định thêm một số điều kiện để ràng buộc nhà đầu tư, như: quy định suất đầu tư cụ thể cho từng khu vực, tuyến đường, loại hình dự án, buộc nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo suất đầu tư của tỉnh quy định, nhằm hạn chế tối đa những nhà đầu tư không có năng lực đăng ký thực hiện dự án tại các khu vực có sinh lợi cao.

Đồng thời, trên cơ sở suất đầu tư, quy mô dự án, cần quy định thời gian nhà đầu tư phải cam kết hoàn thành dự án, tránh tình trạng nhà đầu tư phân chia giai đoạn, kéo dài thời gian đầu tư. Cùng với đó là cần thường xuyên kiểm tra tiến độ nhà đầu tư thực hiện sau khi dự án được cấp phép, để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Dương Công Hợp