.

Người phụ nữ vượt khó làm giàu

Thứ Sáu, 20/10/2017, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm kiếm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, chị Ngô Thị Thành ở thôn Tô Xá, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) “bén duyên” với nghề trồng nấm. Từ một gia đình thuộc hộ cận nghèo của xã, giờ chị đã có một cơ ngơi khang trang. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trại nấm của chị còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Gia đình chị Thành cũng như nhiều gia đình chị em khác ở xã Quảng Phương, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vật lộn với mấy sào ruộng nhưng cái khổ, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Đang loay hoay không biết làm gì để tăng thu nhập thêm cho gia đình, chị được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm sò và nấm linh chi do Dự án SRDP tổ chức.

Bước đầu tham gia vào mô hình trồng nấm, chị gặp không ít khó khăn. Kinh phí để xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy phun sương, dàn máy phun nước phục vụ cho việc trồng nấm là rất lớn so với một gia đình thuộc diện hộ cận nghèo như chị. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của dự án và Hội Phụ nữ xã, gia đình chị đã dần khắc phục mọi khó khăn và bắt tay vào trồng thử nghiệm những lứa nấm sò, nấm linh chi đầu tiên.

Vì thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ thuật làm nấm chưa đúng cách nên một số lượng lớn nấm sò và nấm linh chi của gia đình chị không phát triển được, số còn lại thì bị còi cọc, hư hỏng. Một lần nữa gia đình chị lại lâm vào cảnh khốn khó.

“Thiếu vốn sản xuất, chán nản vì công việc làm ăn không mấy suôn sẻ, tôi đã định buông xuôi, nhưng nhờ sự động viên của gia đình và chị em nên một lần nữa tôi quết định làm lại từ đầu, mạnh dạn vay thêm vốn để sản xuất”, chị Thành bày tỏ.

Để có kinh nghiệm cũng như kiến thức trồng nấm hiệu quả, chị đã lặn lội đến các tỉnh lân cận học hỏi từ cách chọn giống, cách dùng máy phun sương cho nấm cho đến việc chăm sóc bảo quản nấm phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương. Chị mạnh dạn vay thêm vốn để xây dựng thêm nhà xưởng và mở rộng sản xuất.

Chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ sự cần cù chịu khó cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xưởng nấm của gia đình chị Thành ngày càng phát triển, năng suất ngày một tăng. Hiện nay, mỗi năm gia đình chị sản xuất được gần 5.000 bịch nấm sò, 1.000 bịch nấm linh chi, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trang trại của gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động tại địa phương.

Nói về nghề trồng nấm, chị Thành cho rằng, trồng nấm là một nghề nhiều triển vọng. Trồng nấm không đòi hỏi vốn lớn, nhưng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất cũng như chăm sóc. Nghề trồng nấm như nuôi con mọn, không chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì mà còn đòi hỏi người trồng biết quan sát, để ý từng thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kỹ thuật kịp thời.

Bên cạnh đó, việc thu hoạch nấm sớm hay muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng nấm để bán được giá hay không trên thị trường. Hiện trại nấm của chị Thành chủ yếu trồng nấm sò và nấm linh chi. Đây là những loại nấm có kỹ thuật trồng không cầu kỳ, vốn đầu tư ít, công chăm sóc không nhiều mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các sản phẩm này có giá cả ổn định, mối tiêu thụ rộng khắp trên thị trường, do đó được trang trại duy trì trồng với số lượng lớn.

Với hiệu quả bước đầu đáng phấn khởi, trong thời gian tới, chị Thành tiếp tục đầu tư thêm vốn để mở rộng sản xuất và trồng thử nghiệm thêm nhiều loại nấm khác. “Nhờ trồng nấm, gia đình tôi không những thoát nghèo mà còn có điều kiện để lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Không gì vui bằng việc cuộc sống được cải thiện và các con đều có công ăn việc làm ổn định”, chị Thành tâm sự.

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, chị Thành còn hăng hái tham gia các hoạt động Hội Phụ nữ của xã, của địa phương phát động. Chị luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm làm ăn của mình cho những hội viên có nhu cầu phát triển kinh tế nói chung, bằng nghề trồng nấm nói riêng, với mong muốn giúp nhiều hội viên trong thôn, xóm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Với những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, chị Thành được các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên biểu dương, khen thưởng. Chị Ngô Thị Thành xứng đáng là tấm gương sáng để các chị em phụ nữ noi theo, học tập.

L.C