.

Ngã rẽ nào cho hợp tác xã du lịch?

Chủ Nhật, 08/10/2017, 17:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo số liệu thống kê từ Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2 HTX du lịch, trong đó, một HTX đang chuẩn bị giải thể vì hoạt động kém hiệu quả. Trong bối cảnh du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với những kỳ vọng phát triển mạnh mẽ về sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ..., sự ít ỏi của các HTX du lịch phải chăng là vì mô hình này không phù hợp với thực tiễn hay vẫn còn đó những điểm thiếu và yếu cần được khắc phục?

HTX Du lịch sinh thái Lèn Trúc (Tây Trúc, Tiến Hóa, Tuyên Hóa) được thành lập từ năm 2011 với 11 hộ gia đình, 22 xã viên. Theo ông Cao Viết Hoa, Giám đốc HTX Du lịch sinh thái Lèn Trúc, quy mô kinh doanh của HTX vẫn còn rất khiếm tốn với việc cung cấp các dịch vụ ăn uống, giải trí đơn giản cho du khách đến tham quan. Đặc biệt, loại hình uống cà phê trên núi đá mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Mô hình du lịch cộng đồng đang kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho du lịch Quảng Bình.
Mô hình du lịch cộng đồng đang kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho du lịch Quảng Bình.

Tuy nhiên, do lượng khách ổn định và tương đối lớn, nên nguồn thu nhập của các xã viên trong HTX vẫn được bảo đảm và mạnh dạn hướng tới xây dựng các kế hoạch tương lai. Theo đó, HTX sẽ đầu tư thêm khu nghỉ ngơi qua đêm, tham quan hang đá và bãi tắm ven sông Gianh để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Nhưng, khó khăn lớn nhất của HTX là quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, trong khi đây đều là các hạng mục cần nguồn kinh phí lớn.

Mặt khác, ông Cao Viết Hoa cũng chia sẻ, Hội đồng quản trị HTX cũng như các xã viên vẫn chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về làm du lịch chuyên nghiệp, mới phục vụ du khách theo kinh nghiệm và kỹ năng tự có. Cho nên, nếu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hút thêm du khách, Hội đồng quản trị HTX Du lịch sinh thái Lèn Trúc lo ngại sẽ khó đáp ứng các nhu cầu, thách thức đặt ra.

Thành lập từ năm 2008, với gần một thập kỷ tồn tại, nhưng HTX Du lịch cộng đồng Chày Lập (Phúc Trạch, Bố Trạch) lại đang chuẩn bị giải thể. Như chia sẻ của ông Võ Xuân Thái, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Chày Lập, trên thực tế, hoạt động của HTX trong suốt thời gian qua ảm đạm bởi số lượng khách đến quá hiếm hoi.

Gần đây, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất Oxalis đã thuê lại toàn bộ cơ sở hạ tầng của HTX và xây mới, chỉnh trang nhiều công trình, hạng mục để hút khách, mang lại bộ mặt hoàn toàn mới cho khu vực này. Vì lí do đó, việc HTX giải thể là điều không thể tránh khỏi. Lý giải cho thực tế này, ông Võ Xuân Thái khẳng định, bên cạnh cơ sở hạ tầng đầu tư chưa hiệu quả, thiếu phù hợp thực tiễn du lịch địa phương, chưa khai thác hết tiềm năng khiến lượng khách đổ về thấp, việc nguồn nhân lực HTX còn nhiều hạn chế là một nguyên nhân quan trọng.

Theo đó, cả 5 thành viên hội đồng quản trị và hơn 20 xã viên đều thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm du lịch, nhất là về ngoại ngữ giao tiếp. Ngoài ra, khâu tuyên truyền quảng bá-yếu tố quyết định để hút khách-lại còn quá xa lạ với các xã viên và ban quản trị, vốn là những người nông dân thuần chất. Họ rất khó để có thể tiếp cận với công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội... để tương tác mở rộng khách hàng tiềm năng.

Ông Thái nhận định thêm, dù xã viên và hội đồng quản trị đã được tập huấn, đào tạo kỹ lưỡng, bài bản về du lịch, nhưng rõ ràng để một HTX du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả không hề đơn giản. Hiện tại, một bộ phận xã viên HTX Du lịch cộng đồng Chày Lập được Công ty Oxalis thuê lại, còn một bộ phận khác vẫn nhọc nhằn với kế sinh nhai. Mong muốn của các xã viên HTX Du lịch cộng đồng Chày Lập là sớm có được công việc ổn định và phù hợp với năng lực của mình.

Trả lời cho câu hỏi liệu mô hình HTX có còn phù hợp với du lịch Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay, ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định, HTX vẫn là mô hình hiệu quả phát triển du lịch ở cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Người dân ở các khu vực này còn nhiều hạn chế trong kiến thức, kỹ năng làm du lịch và chưa có nguồn vốn dồi dào, do đó, cần liên kết thành HTX để có sự đầu tư, phát triển đồng bộ, nhất là với hình thức du lịch cộng đồng.

Chày Lập Farmstay có diện mạo mới sau khi được Công ty Oxalis đầu tư, phát triển.
Chày Lập Farmstay có diện mạo mới sau khi được Công ty Oxalis đầu tư, phát triển.

Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của các HTX du lịch trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chính là nguồn nhân lực. Theo đặc thù của ngành du lịch, hội đồng quản trị HTX phải vừa có năng lực về quản lý, vừa được trang bị đầy đủ về kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức về du lịch. Mỗi xã viên tham gia HTX phải được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chi tiết về phục vụ khách du lịch, sẵn sàng tương tác, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Để làm được điều này, những đợt tập huấn ngày một ngày hai rất khó có thể phát huy tác dụng, mà đòi hỏi phải có quá trình rèn luyện. Hiện tại, Liên minh HTX tỉnh đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để nghiên cứu mô hình còn mới mẻ này và sớm tìm ra những giải pháp thích hợp.

Ông Ngô Gia Thởi cho biết thêm, không chỉ các HTX du lịch mà nhiều HTX trên địa bàn tỉnh ta cũng rất cần nguồn vốn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, trong khi nguồn vay từ các ngân hàng lại khó tiếp cận. Vì lẽ đó, một quỹ HTX rất cần được thành lập để gỡ khó cho nhu cầu vốn này.

Theo định hướng trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người ở Minh Hóa, Bố Trạch... Thực tế đó đòi hỏi mô hình HTX du lịch cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng gắn với thực tiễn du lịch ở tỉnh để có thể phát huy hiệu quả và hạn chế tối đa các nhược điểm vốn có.

Mai Nhân