.
Minh Hóa:

Sau bão, tập trung xử lý rừng

Thứ Tư, 18/10/2017, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong trận bão số 10 vừa qua, toàn huyện Minh Hóa có 3.581ha rừng keo, tràm bị thiệt hại từ 70 đến 100%. Đối với những diện tích này,  các cấp chính quyền cùng người dân trên địa bàn đang tiến hành cắt bán những khu rừng có gỗ lớn. Còn những khu rừng ít tuổi, bà con cắt tỉa, dựng lên rồi vun gốc...

Cơn bão số 10 quét qua huyện Minh Hóa chừng hơn 1 giờ đồng hồ đã gây thiệt hại cho huyện nghèo hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là hàng nghìn ha rừng trồng nguyên liệu. Thời điểm đó, những cánh rừng bạt ngàn từ 5 năm tuổi trở lên gần như bị gãy đổ hoàn toàn, xếp chồng lên nhau thành từng lớp ngổn ngang. Chứng kiến cảnh tượng này, bà con ai cũng xót xa, rưng rưng nước mắt. Trong số đó, nhiều người tưởng sẽ lâm vào cảnh trắng tay và sẵn sàng bỏ đất, bỏ rừng vì bất lực trước thiên nhiên.

Người dân Minh Hóa đang khẩn trương khai thác gỗ rừng trồng bị thiệt hại sau bão.
Người dân Minh Hóa đang khẩn trương khai thác gỗ rừng trồng bị thiệt hại sau bão.

Ngay khi bão đi qua, lãnh đạo huyện Minh Hoá đã đi kiểm tra tình hình thực tế, nắm bắt mức độ thiệt hại. Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa đã chỉ đạo: “Trước mắt, huyện vận động bà con tận thu gỗ để bán cho các nhà máy. Còn những cây đang sống thì để lại, tiếp tục chăm sóc chờ phục hồi”.

Ngay sau đó, chính quyền địa phương, nhất là các địa phương có rừng trồng đã vận động bà con tập trung khai thác số gỗ bị gãy để bán nhằm giảm bớt thiệt hại. Ông Đinh Quang Vinh, ở thôn Sy, xã Hóa Phúc chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nghĩ cả chục ha rừng của mình phải bỏ đi vì sợ không có ai mua, hoặc mua với giá quá rẻ. Nhưng cũng may, giá keo sau bão vẫn không hạ quá nhiều, nên tôi đã vận động con cháu trong nhà và thuê thêm người về khai thác để bán”.

Nếu như vườn keo của ông Vinh không bị thiệt hại do bão, có thể bán được với giá từ 500 đến 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhưng giờ đây, ông phải chấp nhận bán với giá thấp và chỉ thu được khoảng một nửa số tiền so với dự kiến ban đầu.

“Hiện, những khoảnh rừng bị gãy đổ, tôi cũng đã thu hoạch được khoảng 40%, số cây nhỏ bị bật góc thì tôi cắt tỉa, dựng lên lại rồi vun gốc”, ông Vinh cho biết thêm. Toàn xã Hóa Phúc có 673 ha rừng, trong đó bị gãy đổ khoảng 450 ha. Ông Cao Bá Đồng, Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc cho biết: “Để giúp bà con bán gỗ, xã đã chỉ đạo thành lập các tổ khai thác, vận động thương lái đến mua gỗ. Đến nay, toàn xã đã bán được khoảng 30% diện tích rừng bị gãy đổ với giá 770.000 đồng/tấn”.

Thời điểm này, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Minh Hóa đều có từ 5 đến 6 nhóm thu mua, gỗ rừng trồng. Mặc dù giá gỗ có giảm, chi phí khai thác, vận chuyển tăng, nhưng bà con vẫn chấp nhận bán. Anh Đinh Hồng Sâm, một người dân ở xã Hóa Tiến nói: “Rẻ cũng phải bán, nếu không sẽ phải bỏ hết. Vì chỉ một thời gian nữa, gỗ keo, tràm bị khô rồi nhẹ, xốp, khó bóc vỏ thì ai mua nữa, nếu mua cũng với giá rất thấp”.

Rừng keo, tràm của anh có diện tích trên 7ha đã được 7 năm tuổi. Nếu bán với giá trước bão anh cũng thu được khoảng 500 đến 600 triệu đồng. Nhưng giờ đây, anh chỉ bán được với giá trên 200 triệu đồng.

Tại xã Hóa Sơn, hàng chục ha diện tích rừng keo, tràm gãy đổ cũng đã được bà con cắt bán. Những diện tích rừng còn nhỏ bị bật gốc, gãy ngọn cũng được người dân cắt tỉa bớt cành, dựng lên rồi vun gốc, nên tỷ lệ phục hồi sẽ khá cao. Riêng hàng chục ha rừng cây bản địa cũng được bà con nhanh chóng cứu lại. Chị Nguyễn Thị Long, ở thôn Đặng Hóa nói: “Diện tích rừng trám của tôi thì không việc gì, còn rừng lim có một số cây bị bật gốc do bão. Nhưng ngay sau đó, cả nhà tôi đã chặt tỉa cành, dựng lên rồi vun gốc, nên không bị ảnh hưởng nhiều”.

Năm 2010, chị Long nhận 6 ha đất rừng gần nhà để trồng cây bản địa. Trong đó, 3 ha trồng lim và 3 ha trồng trám. Nếu tiếp tục được chăm sóc tốt, rừng trám của chị sẽ cho thu hoạch quả và mủ trong năm sau, còn rừng lim tiếp tục góp phần giữ cho độ che phủ của vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng và sẽ thu hoạch gỗ trong vài chục năm tới.

Đến những khu vực trồng rừng ở thị trấn Quy Đạt những ngày này, ai cũng cảm nhận được không khí khẩn trương mua bán gỗ. Những tiếng máy hoạt động hết công suất, hàng chục chuyến xe tải nổ máy liên tục ra vào các khu rừng để vận chuyển gỗ. Anh Cao Ngọc Khương, một người chuyên mua gỗ keo, tràm ở thị trấn Quy Đạt cho hay: “Sau bão số 10 đi qua, tôi đã vận động anh em tự cắt gỗ keo, tràm của nhà mình bán gần xong. Nay, tôi lại tiếp tục mua gỗ cho bà con trong vùng nhằm giảm bớt thiệt hại”.

Hiện, cả thị trấn Quy Đạt có khoảng từ 5 đến 6 nhóm thợ chuyên mua, khai thác gỗ rừng bị thiệt hại do bão chuyển về bán tại vùng Cà Roòng, xã Hồng Hóa hoặc chở ra các địa phương ngoài huyện. Mỗi người đi làm gỗ keo, tràm những ngày này được trả công từ 200 đến 300 nghìn đồng/người. Người có máy cưa hoặc xe tải có thể kiếm được 1 triệu đồng/ngày.

Việc toàn dân Minh Hóa đang dồn sức xử lý rừng đã phần nào giảm bớt được thiệt hại cho bà con. Hiện, diện tích rừng bị gãy đổ toàn huyện đã khai thác được khoảng 20%. Còn phần rừng nhỏ bị ảnh hưởng cũng được bà con tiếp tục chăm sóc.

Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Để giúp cho bà con trồng rừng giảm bớt thiệt hại, huyện đã thống nhất với Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, có trụ sở ở tỉnh Nghệ An, thu mua toàn bộ số gỗ keo, tràm của bà con ngay trên địa bàn với giá 730.000 đồng/tấn sau khi đã được bóc vỏ.

Trạm cân thu mua keo, tràm đã được lắp đặt tại sân vận động huyện Minh Hóa.
Trạm cân thu mua keo, tràm đã được lắp đặt tại sân vận động huyện Minh Hóa.

Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ mặt bằng cho Công ty tập kết nguyên liệu, máy móc tại sân vận động trung tâm huyện. Khi gỗ bà con được chở đến, Công ty sẽ cân rồi cho xe có tải trọng lớn chở đến nơi khác chế biến”. Nếu việc thu mua được triển khai, chắc chắn lượng keo, tràm sẽ được thu hoạch nhiều hơn trong thời gian tới. Bởi, quãng đường vận chuyển gần, Công ty chỉ cân rồi đổ nguyên liệu xuống trước khi cho xe tải lớn chở đi, nên không phải chờ đợi như trước.

Hiện, phía Công ty đã lắp đặt xong trạm cân và một số các thiết bị liên quan để chuẩn bị thu mua. Về lâu dài, Công ty cũng đã đề xuất và được huyện thống nhất về chủ trương để xây dựng nhà máy sơ chế gỗ ngay trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, Công ty sẽ hỗ trợ vốn vay cho bà con mua giống cây, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để tiếp tục trồng rừng. Huyện Minh Hóa cũng sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương trồng rừng, nhưng sẽ trồng cây keo lai nuôi cấy mô. Bởi, loại giống này có rễ cắm sâu hơn, phát triển nhanh hơn các loại giống thông thường, nên sớm thu hoạch hơn. Đồng thời, huyện sẽ chuyển sang trồng các cây bản địa ở những nơi có độ dốc cao nhằm giảm thiệt hại do bão...

Xuân Vương