.

Lệ Thủy: Phát triển kinh tế hộ gia đình

Chủ Nhật, 08/10/2017, 10:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Lệ Thủy xác định xây dựng các mô hình phát triển sản xuất là bước đi quan trọng trong việc nâng cao thu nhập và bảo đảm chất lượng cuộc sống bền vững cho người dân. Trong những năm qua, huyện đã quan tâm đầu tư, tập trung các nguồn lực nhằm phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình, mang lại hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Phúc Nguyên (Phú Thủy, Lệ Thủy) cùng với vợ quyết tâm khai thác thế mạnh của địa phương để trồng rừng phát triển kinh tế. Nhận thấy, đất gò đồi còn phù hợp với chăn nuôi gà, anh đã quyết định xây dựng mô hình trang trại kết hợp trồng rừng và chăn nuôi gà bán công nghiệp. Sau 6 năm phát triển, hiện tại, trang trại của anh Nguyên có 1,2 ha rừng; gần 4 nghìn con gà thịt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Từ đó, cuộc sống gia đình anh đã trở nên khấm khá, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ phát triển theo quy mô hộ gia đình, nhiều nông dân đã dám nghĩ dám làm, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và vận động nguồn lực từ gia đình để tập trung đầu tư lớn vào kinh tế trang trại.

Trang trại tổng hợp của ông Lê Đình Doãn, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Trang trại tổng hợp của ông Lê Đình Doãn, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Nhờ tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn cùng với kinh nghiệm tích lũy từ thực tế, ông Lê Đình Doãn, xã Liên Thủy đã xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp phát triển mạnh với 3 ao cá, 1 ao cua đồng, 5 con bò, 100 con ngỗng và đàn vịt trên 1.000con... Nguồn thu nhập mang lại cho gia đình ông trên 200 triệu đồng mỗi năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động.

Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, cấp ủy chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với cơ sở để tổ chức thực hiện; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đến nay, toàn huyện có hơn 120 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận kinh tế, doanh thu từ các mô hình bình quân đạt từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Việc phát triển các mô hình kinh tế trên không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững, góp phần đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Lệ Thủy.

Kinh tế hộ gia đình, trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đã và đang dần khẳng định được vị thế của mình, đặc biệt là những mô hình phát triển kinh tế đem hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao cho người dân. Để phát huy tốt hiệu quả những mô hình này, vẫn cần sự quan tâm sâu sắc hơn nữa của cấp ủy chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở, trong đó việc khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các điển hình sẽ tạo động lực phát triển kinh tế của huyện Lệ Thủy.

Vân Anh-Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)