.

Đột phá vật liệu thân thiện môi trường

Chủ Nhật, 29/10/2017, 16:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển nền công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu hiện nay. Trong chiến lược phát triển công nghiệp giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030, tỉnh ta cũng xây dựng những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mới, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới trang thiết bị, sản xuất các vật liệu công nghiệp mới đạt tiêu chuẩn và ít tác động đến môi trường.

Nhận thấy vật liệu xây dựng không nung là xu hướng phát triển cần thiết trong việc giảm tác động đến môi trường, Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung tại cụm Công nghiệp Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới, với tổng diện tích trên 6.000m2.

Thuyền do Công ty TNHH sản xuất composite Miền Trung sản xuất được ngư dân tin dùng.
Thuyền do Công ty TNHH sản xuất composite Miền Trung sản xuất được ngư dân tin dùng.

Hiện tại, Công ty có nhiều chủng loại, mẫu mã sản phẩm từ gạch đặc, dùng để xây móng và tường chịu lực, đến gạch 6 lỗ vuông có độ rỗng trên 30%, dùng để xây tường ngăn, trọng lượng nhẹ.

Đặc biệt, các loại gạch 2 lỗ truyền thống và gạch 6 lỗ truyền thống đang được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm của Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn đa dạng kích thước, đáp ứng mọi quy chuẩn về độ dày tường xây, với nhiều ưu điểm vượt trội so với gạch nung về cường độ chịu lực, chịu nhiệt cao, độ thấm nước thấp, tiến độ xây dựng nhanh, thuận tiện trong thi công, có thể không cần tô trát, tiết kiệm chi phí.

Anh Trần Đăng Thành, Phó Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn cho biết: “Với dây chuyền công nghệ hiện đại, hoàn toàn tự động từ khâu vật liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra. Chúng tôi cam kết sản phẩm đạt độ chịu lực nén rất tốt”.

Không chỉ có vật liệu không nung, nhiều vật liệu mới khác đang được sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng đang là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, như: nhựa composite, than chuông, củi trấu... Được thành lập từ năm 2005, Công ty TNHH sản xuất composite Miền Trung (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) chuyên sản xuất nhựa composite.

Tâm huyết của ông Trần Đình Tĩnh, người cựu chiến binh, Giám đốc Công ty là đem chất liệu nhựa composite-thủy tinh, một chất liệu mới có thể thay thế cho gỗ, sắt thép, xi măng..., tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà không gây ô nhiễm môi trường. Ban đầu, doanh nghiệp sản xuất thuyền nhỏ phục vụ cho việc đánh cá của ngư dân các xã vùng biển trong tỉnh.

Sau đó, doanh nghiệp mở rộng sản xuất các mặt hàng, như: thùng chứa rác, bình biogas, nắp hố ga, cửa... Đến nay, doanh nghiệp đã sản xuất ra 20 mặt hàng, trong đó hơn 600 chiếc tàu thuyền các loại phục vụ cho khai thác thủy hải sản, tàu phục vụ du lịch.

Phát triển công nghiệp là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh từ nay đến 2020.

Quảng Bình đang khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển các dự án sản xuất công nghiệp sạch, tiêu thụ ít năng lượng để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Khi đưa sản phẩm có chất liệu hoàn toàn mới với ngành công nghiệp Quảng Bình lúc bấy giờ, Công ty gặp muôn vàn khó khăn. Dù được các ban, ngành chức năng hỗ trợ, Sở Công thương thường xuyên tổ chức các mô hình trình diễn, nhưng người tiêu dùng vẫn e dè với các sản phẩm được sản xuất  từ nhựa composite-thủy tinh.

Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bằng chất lượng sản phẩm, bằng lòng đam mê sáng tạo, các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Nhiều mặt hàng do công ty sản xuất đã trở thành sản phẩm độc quyền, như: nắp hố ga dùng trong công trình xây dựng cầu đường, các sản phẩm tàu thuyền dành cho ngư dân.

Ông Trần Đình Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất composite Miền Trung cho biết: “20 mặt hàng, từ thùng chứa rác, bình biogas, nắp hố ga cho đến cửa, thuyền... đều làm từ chất liệu mới, nhưng được người tiêu dùng đánh giá bền, tốt. Do đó, từ 10 năm trở lại đây, doanh thu của Công ty năm sau luôn cao hơn năm trước, thị trường tiêu thụ đã mở rộng cả nước, tạo được lòng tin và uy tín với người tiêu dùng”.

Công ty TNHH Trường Minh (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) lại lựa chọn sản xuất mặt hàng than chuông xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Nguyên liệu để sản xuất than chuông từ cây gỗ rừng trồng, chủ yếu là cây bạch đàn. Theo sự tình toán của lãnh đạo Công ty, tỉnh Quảng Bình có diện tích rừng tương đối lớn với trên 480.000 ha, trong đó rừng trồng gần 39.000 ha. Với công suất gần 5.000 tấn sản phẩm/ năm, Công ty sẽ tiêu thụ một lượng rất lớn gỗ bạch đàn cho tỉnh.

Đặc biệt, hiện nay, nhiều nước trên thế giới rất ưng chuộng loại than chuông, bởi được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, đáp ứng các chỉ tiêu, như: hàm lượng cacbon 91%, thời gian cháy gấp 3 lần than thường, độ tro thải ra ít, không mùi, không khói, nhiệt lượng cao, bảo đảm về sức khỏe người sử dụng. Tại Cụm Công nghiệp Thuận Đức, TP. Đồng Hới, Công ty TNHH Quang Khởi lại đầu tư mô hình củi trấu để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất bia rượu và giày da.

Có thể thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực trong việc tạo ra những sản phẩm tốt, chất lượng cao và ít tác động đến môi trường. Tuy nhiên, các sản phẩm này là những sản phẩm chất liệu mới, nên khó tiếp cận với người tiêu dùng, do đó tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về vốn cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Bể nuôi trồng thủy sản-sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất composite Miền Trung.
Bể nuôi trồng thủy sản-sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất composite Miền Trung.

Đồng hành với các nhà máy sản xuất vật liệu không nung trên địa bàn, Sở Xây dựng đã thường xuyên hướng dẫn các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn về công tác chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng trong công trình.

Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, phổ biến cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công và người dân về các chủ trương chính sách liên quan đến sử dụng vật liệu xây dựng không nung.

Các địa phương tùy thuộc khả năng đáp ứng, chất lượng của vật liệu không nung ở từng địa bàn cụ thể, tỷ lệ các công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn để áp dụng phù hợp tỷ lệ sử dụng vật liệu không nung. Cụ thể, từ tháng 6-2016 trở đi, các đô thị, như: TP.Đồng Hới, thị trấn Hoàn Lão, thị xã Ba Đồn, thị trấn Đồng Lê là bắt buộc sử dụng 100%, các khu vực khác sử dụng 50%.

Ông Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, chúng tôi đang khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ thiết bị, phát triển năng lượng tái tạo, như: điện sinh khối, điện mặt trời, phong điện, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường”.

Lê Mai