.

Để xanh lại những cánh rừng

Thứ Ba, 10/10/2017, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình phấn đấu đến năm 2020 độ che phủ của rừng đạt 70%, tuy nhiên, thực tế cho thấy mục tiêu này sẽ khó trở thành hiện thực. Bởi, cơn bão số 10 đã làm hơn 58.000 ha rừng trồng trên toàn tỉnh bị hư hại. Vì vậy, để sớm khắc phục thiệt hại, làm xanh lại những cánh rừng, bên cạnh việc đề ra những giải pháp cơ bản và phù hợp, cần có sự chung tay, nỗ lực từ nhiều phía...

Quảng Bình hiện có 123.186 ha rừng đặc dụng, 148.224 ha rừng phòng hộ và 205.467 ha rừng sản xuất. Đối với đặc điểm của mỗi loại rừng, công tác quản lý bảo vệ, áp dụng các biện pháp khoanh nuôi hay cải tạo, chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su... ở các địa phương, đơn vị cơ bản đang phát huy được hiệu quả. Nhưng, cơn bão số 10 vừa qua đã làm hơn 58.000 ha rừng trồng trên toàn tỉnh bị hư hại với các mức độ khác nhau, thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

 Nhiều diện tích cao su bị gãy đổ của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại.
Nhiều diện tích cao su bị gãy đổ của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại.

Qua tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong diện tích rừng trồng trên toàn tỉnh bị thiệt hại do bão, có 1.267ha rừng trồng phòng hộ, 56.793ha rừng trồng sản xuất. Trong đó, huyện Minh Hóa trên 7.000ha, Tuyên Hóa trên 9.000ha, Quảng Trạch trên 8.300ha, thị xã Ba Đồn 1.600ha, Bố Trạch trên 9.600ha, TP. Đồng Hới 130ha, Quảng Ninh trên 4.200ha và Lệ Thủy trên 8.000ha.

Ngoài ra, bão cũng đã làm trên 7 triệu cây giống lâm nghiệp bị ảnh hưởng; trong đó khoảng 1 triệu cây giống chuẩn bị đưa vào trồng rừng không có khả năng phục hồi. Một số công trình lâm nghiệp, như: 50 km đường, 28km đường ranh giới PCCR, bị xói lở... Xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa) là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng bị thiệt hại khá nặng nề. Toàn xã có 920 hộ dân, nhưng chỉ có 300 ha đất canh tác nông nghiệp.

Lợi thế lớn nhất của Cao Quảng là phát triển rừng trồng và đó cũng chính là hướng phát triển kinh tế lâu dài của địa phương. Ông Mai Xuân Tuyên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết, năm 2013, cơn bão số 10 quét qua đã lấy đi gần 1.000 ha rừng trồng kinh tế của người dân trong xã. Bà con quyết tâm phục hồi mở rộng rừng trồng.

Sau gần 5 năm, Cao Quảng đã có khoảng 1.500 ha rừng, trong đó, có hơn 1.000 ha đến kỳ thu hoạch. Bão số 10 đi qua lại làm gần 1.200 ha rừng, chủ yếu keo lai và tràm hoa vàng của người dân bị gãy đổ. Thiệt hại do bão trong toàn xã là 59 tỷ đồng, thì riêng đối với rừng là trên 52 tỷ đồng. Mong muốn lớn nhất của người dân Cao Quảng hiện nay là được duy trì giá thu mua nguyên liệu gỗ để vớt vát phần nào vốn liếng ban đầu đã đầu tư; sau đó là được tỉnh hỗ trợ giống cây thích hợp, ứng phó tốt hơn với diễn biến bất thường của thời tiết để khôi phục sản xuất, ổn định lâu dài...

Cũng như một số địa phương, Công ty LCN Long Đại, có diện tích cao su bị mất trắng khoảng 800 ha/tổng số 1.800 ha; rừng thông bị gãy đổ 450 ha. Công ty TNHH MTV Cao su Việt Trung có khoảng 60-70% rừng cao su bị gãy đổ hoàn toàn.

Để hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng thuộc quy hoạch sản xuất được đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại bị thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, tránh việc để lâu ảnh hưởng đến giá thành, môi trường sinh thái và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo đó, các địa phương trên toàn tỉnh và Công ty TNHH MTV LCN Long Đại, Bắc Quảng Bình thành lập các đoàn đánh giá, kiểm tra, xác minh hiện trường thiệt hại do bão số 10 gây ra đối với rừng trồng thuộc quy hoạch sản xuất được đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại theo quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BTC ngày 20-2-2013 của Bộ Tài chính.

Với những diện tích nào bị gãy đổ với tỷ lệ trên 50% không còn khả năng phục hồi hoặc kinh doanh rừng không còn hiệu quả, các địa phương, đơn vị tiến hành lập biên bản và tổ chức tận thu, tận dụng gỗ bị gãy đổ, đồng thời thực hiện thủ tục thanh lý, nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không lợi dụng để khai thác rừng trái phép.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc đánh giá, kiểm tra, xác minh hiện trường thiệt hại của các đơn vị địa phương; cử cán bộ đến hiện trường để kiểm tra, giám sát theo quy định hiện hành của pháp luật.

Hiện, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cũng đã làm việc với một số nhà máy chế biến dăm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, lãnh đạo các nhà máy đã cam kết thu mua hết nguyên liệu gỗ bị gãy đổ cho bà con với mức giá tương đương như trước, trung bình 930.000đ/tấn.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, bên cạnh những biện pháp kịp thời để giảm bớt phần nào thiệt hại, cần có những giải pháp cơ bản và phù hợp để sớm có thể phục hồi lại những cánh rừng đã mất; từ đó, thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 độ che phủ của rừng trên toàn tỉnh đạt 70%, vừa bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

 Lực lượng Kiểm lâm tỉnh kịp thời về địa bàn xã Cao Quảng (Tuyên Hóa)   kiểm tra tình hình rừng trồng bị thiệt hại.
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh kịp thời về địa bàn xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) kiểm tra tình hình rừng trồng bị thiệt hại.

Vì vậy, vấn đề trước mắt là UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị, dự án trồng rừng cần phải kịp thời thực hiện vệ sinh rừng để phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy rừng, tăng cường kiểm tra về tình hình sâu bệnh hại rừng phát sinh sau bão. Đồng thời, cần sớm tiến hành khôi phục, trồng dặm cây đã chết và chăm sóc đối với những diện tích rừng trồng trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản (đang trong thời kỳ chăm sóc)...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo, đốc thúc các đơn vị tùy theo tình hình, đề xuất biện pháp xử lý đối với những diện tích rừng đã tận dụng, tận thu do gãy, đổ. Riêng rừng thuộc sở hữu của các cá nhân, hộ gia đình thì tùy theo điều kiện để xác định biện pháp khôi phục (trồng dặm hoặc trồng mới) vào vụ thu-đông năm 2017 hoặc vụ xuân năm 2018. Các đơn vị tập trung thống kê diện tích có khả năng trồng lại rừng năm 2017, cân đối với số lượng giống đã hợp đồng, số lượng giống phát sinh để có phương án cung ứng giống bảo đảm số lượng và chất lượng.

Đặc biệt, cần tránh tình trạng do thiếu giống mà sử dụng nguồn giống kém chất lượng, giống không có nguồn gốc nhằm bảo đảm nguồn giống tốt phục vụ trồng rừng. Ngoài ra, để chủ động trong quá trình triển khai kế hoạch trồng rừng 2017, các địa phương, đơn vị và dự án rà soát để khôi phục hệ thống mốc lô, xác định lại hiện trạng xói lở, thay đổi địa hình và xác định lại tỷ lệ cây sống để có phương án trồng dặm phù hợp đối với chăm sóc trồng rừng phòng hộ.

"Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng sẽ sâu sát cơ sở, nghiên cứu, tìm hiểu thêm những giải pháp tích cực phù hợp để tham mưu cho tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị nhằm sớm phủ lại màu xanh của rừng"- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Hồng Thái cho biết thêm.

Hương Trà