.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài:

Điều chỉnh lại quy hoạch, tìm thêm những loại cây trồng phù hợp để phát triển vững chắc kinh tế nông nghiệp vùng gò đồi

Thứ Bảy, 21/10/2017, 21:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc trò chuyện với PV Báo Quảng Bình sau hội thảo "Định hướng phát triển cây trồng thích hợp trên vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình" do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 20-10, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia của các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học trong nước và Tổng công ty cao su Việt Nam.

- Thưa ông, có vẻ như rất cũ khi chúng ta đọc tiêu đề của cuộc hội thảo: “ Định hướng phát triển cây trồng thích hợp trên vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình”?

- Thẳng thắn mà nói rằng, nếu không có 2 trận bão lớn liên tiếp trong 2 năm 2013 và 2017 vừa qua thì có lẽ chúng ta sẽ không có cuộc hội thảo này. Biến đổi khí hậu kéo theo thiên tai đang ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó lường hơn.

Riêng cơn bão số 10 năm 2017, sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15 đã "cuốn đi" của Quảng Bình hơn 7.800 tỉ đồng. Trong đó, diện tích cây trồng trên vùng đồi được chứng minh cho giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định và nhiều việc làm cho người dân như cây cao su, cây rừng trồng… bị thiệt hại nặng nề.

Điều đó không chỉ làm cho người dân mà cả cán bộ cũng hoang mang. Bài toán đặt ra là liệu cây trồng “truyền thống” trên vùng gò đồi có còn thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết có nhiều biến động như hiện nay? Bài toán này cần phải có lời giải thuyết phục và tìm được sự đồng thuận cao. Vì vậy, chúng tôi đã mời các chuyên gia của các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học và Tổng công ty cao su Việt Nam tham dự, để cùng tỉnh tìm ra lời giải khả thi nhất.

- Sau siêu bão số 10 năm 2017 vừa qua, dư luận nóng lên vấn đề có nên trồng cây cao su trên đất miền Trung nhiều gió bão? Quan điểm của cá nhân ông như thế nào?

- Cây cao su có mặt trên vùng đồi Quảng Bình từ năm 1961. Khởi đầu từ Công ty cao su Việt Trung (CSVT). Với sự hỗ trợ về kỹ thuật và giống của các chuyên gia Trung Quốc, Công ty này đã chứng minh cây cao su không chỉ đứng chân được ở Quảng Bình mà còn phát triển rất tốt, đưa lại lợi nhuận kinh tế cao. Sau thành công của Công ty CSVT, có thêm một số đơn vị nhà nước, rồi đến tư nhân và lan rộng ra các hộ dân. Diện tích trồng cây cao su ở Quảng Bình ngày càng tăng.

Ảnh minh họa.
Cây cao su ở Công ty CP Lệ Ninh. Ảnh: Ngọc Hải

Trước cơn bão số 10 năm 2013, Quảng Bình có tổng diện tích trồng cao su hơn 18 ngàn ha. Hơn nửa thế kỷ có mặt trên vùng đất Quảng Bình, cây cao su được khẳng định là cây kinh tế hiệu quả nhất. Chưa tính đến các yếu tố thiên tai, thì cao su trồng dễ, chi phí vừa phải, đầu ra ổn định, thu nhập cao.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình thì từ năm 2015 đến nay, là thời điểm cao su rớt giá (khoảng 25.000-30.000 đồng/kg) thì so với năng suất trung bình 1,2 tấn/năm, trồng cao su vẫn có lãi. Tổng thu 36 triệu đồng/ha. So với lúa và các cây trồng khác đang có mặt ở Quảng Bình thì cây cao su vẫn cho thu nhập cao nhất.

Ở một số vùng có diện tích gò đồi lớn như huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, cây cao su trở thành cây “xóa đói, giảm nghèo” và làm giàu của nhiều hộ dân. Vì vậy mà cây cao su có thời được gọi là "vàng trắng" ở Quảng Bình.

Tuy nhiên, thiên tai đang trở nên khó lường. Bão xuất hiện với tuần suất dày hơn và không theo quy luật như trước đây đã làm cho con số thiệt hại do bão tăng lên. Mặt khác, do cao su mang lại lợi nhuận cao, luôn có thị trường tiêu thụ nên việc trồng cao su đã diễn ra ồ ạt, bằng mọi giá, không theo quy hoạch và không tính đến các yếu tố kỹ thuật như điều kiện thổ nhưỡng, tầng canh tác. Đa số người dân trồng cao su tiểu điền theo kinh nghiệm "xưa bày, nay làm" chưa tuân thủ quy trình trồng, độ sâu hố trồng, cách chăm sóc, trồng đai rừng chắn gió, rồng xen canh để phân tán rủi ro...Do vậy mà khi có bão lớn, thiệt hại nặng nề hơn. 

Sau 2 trận siêu bão liên tiếp, Quảng Bình mất trắng gần 5 ngàn ha cao su. Với những nguồn lợi lớn mà cây cao su mang lại, quan điểm của tỉnh là vẫn giữ cây cao su, nhưng cần phải điều chỉnh quy hoạch và có những giải pháp kỹ thuật tối ưu để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Các nhà khoa học và những chuyên gia có kinh nghiệm của Tổng công ty cao su Việt Nam đã đưa ra những nhận định và ý kiến như thế nào trong hội thảo, thưa ông?

- Với hội thảo này, tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học và các chuyên gia trong nhận định tình hình, việc định hướng và đặc biệt là các giải pháp phát triển cây trồng thích hợp trên vùng gò đồi của tỉnh. Các Viện nghiên cứu, Tổng công ty cao su, các Trường Đại học cũng đã bày tỏ sự quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm trong phát triển cây trồng trên vùng gò đồi.

Về định hướng: Cây cao su trong thực tiễn nhiều năm qua đã khẳng định là cây trồng chủ lực trên vùng gò đồi Quảng Bình và đem lại hiệu quả kinh tế cao nên trong thời gian tới vẫn tiếp tục phát triển. Đối với diện tích cao su tiểu điền, bị gãy đổ dưới 30% thì tiến hành khôi phục lại vườn cây để tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Chỉ trồng tái canh cao su trên diện tích đảm bảo phù hợp nhất, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những diện tích chưa trồng hoặc trồng kém hiệu quả, không để thành vùng nguyên liệu. Số diện tích này sẽ chuyển sang trồng một số loại cây thích hợp.

Về giải pháp: Rà soát lại quy hoạch cây cao su, xác định một cách khoa học nơi nào nên trồng cao su và nơi nào nên trồng các loại cây khác. Thu hẹp diện tích trồng cao su (hiện tại toàn tỉnh có 18.000ha cao su, sau khi rà soát sẽ quyết định thu hẹp bao nhiêu). Chỉ trồng cao su ở những nơi đất đảm bảo độ sâu, đất loại khá tốt (những nơi đất tốt ưu tiên cho cây trồng ngắn ngày, có giá trị cao hơn, và không trồng cao su ở vùng đất xấu); xác định vùng trồng cao su an toàn với bão hơn; trồng đai rừng lớn chắn gió, luống trồng cao su hướng ra biển; khuyến khích trồng bầu, trồng các giống cao su có khả năng chống chịu bão.

Về chuyển đổi cơ cấu vùng gò đồi: đưa các cây trồng ngắn ngày vào sản xuất như dứa (phục vụ cho xuất khẩu), sắn (cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tinh bột sắn), các loại cây dược liệu (như ba kích, kim tiền thảo...) và một số loại cây khác đã trồng thử nghiệm thành công ở địa phương như cây nghệ, sả, sim.

Về quy hoạch lại vùng trồng rừng, phải bảo đảm cây trồng phân tán được rủi ro, luồn lách được thời tiết và phải tính đến yếu tố thị trường, xây dựng chuỗi giá trị và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngay cả với cao su, là sản phẩm luôn có thị trường tiêu thụ nhưng giá cả không ổn định nên phải có tính toán kỹ lưỡng. Thị trường không chỉ tính cho một vài năm mà phải tính lâu dài, bền vững.

- Như vậy thì lời giải cho cây trồng thích hợp trên vùng gò đồi Quảng Bình là gì và cần có những giải pháp nào về cơ chế, chính sách?

- Là điều chỉnh quy hoạch, đa dạng hóa các loại cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, độ dốc, thiên tai, thị trường... để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp vùng gò đồi.

Tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các mô hình trồng cây trên vùng gò đồi. Tỉnh sẽ tìm đầu ra, tìm các doanh nghiệp để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù kinh tế thị trường khó ổn định, nhưng cũng có những sản phẩm nông nghiệp ổn định tương đối để người dân yên tâm sản xuất.

Trước mắt, tranh thủ hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực của tỉnh để hỗ trợ cho người dân chuyển đổi từ trồng cao su sang cây trồng khác; hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình quản lý rừng trồng bền vững theo hướng cấp chứng chỉ FSC; đề xuất chính sách bảo hiểm cho trồng cây cao su, trồng rừng theo quy định về bảo hiểm nông nghiệp và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại để khoanh nợ, giản nợ và tạo điều kiện vay ưu đãi cho phát triển vùng gò đồi.

Tỉnh xác định gò đồi là vùng thế mạnh về trồng trọt của tỉnh nên sẽ tập trung cho phát triển kinh tế ở vùng này. Nông-lâm kết hợp là mô hình đã làm và mang lại hiệu quả. Nhưng trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải hướng đến phát triển kinh tế trọng điểm.

Du lịch đang là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng đầu của tỉnh. Do đó, trồng rừng cũng phải tính đến vệc tạo cảnh quan, môi trường. Tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng trồng thông Caribe, trồng rừng cây bản địa, vừa chống chịu tốt gió bão vừa cho gỗ có giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan đẹp để phục vụ du lịch.

Về cây ngắn ngày, các địa phương đã trồng thử nghiệm và thành công các loại cây trồng phù hợp, có đầu ra cho sản phẩm như: keo, sắn, dứa, cây dược liệu (ba kích, kim tiền thảo, nghệ...) và một số cây có múi như bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh, thanh long, thanh trà...

Sau hội thảo này, chắc chắn tỉnh sẽ chỉ đạo kiên quyết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng và các địa phương tăng cường tuyên truyền đến tận người dân và quyết tâm thực hiện triệt để các giải pháp phát triển bền vững vùng gò đồi.

- Vâng! Với những định hướng và những giải pháp có tính khoa học, cụ thể, phù hợp với thực tiễn như thế, bài toán cho vùng đồi Quảng Bình đã được giải xong về mặt lý thuyết. Và chúng ta có quyền hi vọng nó sẽ được áp dụng một cách sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn. Cám ơn ông Nguyễn Hữu Hoài về cuộc trò chuyện cởi mở này.

Trần Hồng Hiếu (thực hiện)