.

Chiang Mai, Chiang Rai du ký - Kỳ 2: Trông người mà ngẫm...

Thứ Hai, 16/10/2017, 11:30 [GMT+7]

L

>> Kỳ 1: "Đặc sản" của du lịch Thái

“Họa sĩ”... voi

Có lẽ chỉ cần trải nghiệm ở các điểm du lịch mà chúng tôi dừng chân thôi cũng đã đủ để nói lên được nhiều điều về người Thái làm du lịch. Đến Chiang Mai không thể không đến thăm thú và mua sắm ở khu chợ đêm.

Những chú voi đang thể hiện “tài năng” vẽ tranh.
Những chú voi đang thể hiện “tài năng” vẽ tranh.

Ở Chiang Mai có 2 khu chợ đêm, một khu chợ phiên chỉ mở ra vào đêm cuối tuần, một khu chợ đêm mở thường xuyên cho khách du lịch. Khu chợ đêm cuối tuần này mở ra trên 3 tuyến phố trung tâm Chiang Mai, dài đến mấy cây số. Cơ man nào các sản phẩm thủ công, hàng lưu niệm... mà cũng chẳng phải đắt tiền hay những thứ hiện đại được mang ra bày bán ở đây.

Thoạt trông có vẻ lặp lại giống nhau, nhưng kỳ thực lại rất khác biệt. Khách du lịch thì đông như mắc cửi, chen chúc nhau từng bước chân để đi lại tham quan, mua sắm. Gần 12 giờ đêm, nhiều gian hàng đã dọn dẹp xếp hàng, đóng cửa, thế nhưng chợ vẫn chưa vãn khách.

Lại nói đến kỹ nghệ cùng độ chuyên nghiệp của người Thái trong việc sáng tạo nên các sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch. Hôm ở Trại voi, chúng tôi lạc vào một xứ sở của voi theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Sau khi đùa giỡn với những chú voi, xem xiếc voi, voi vẽ tranh và rồi lại ngật ngưỡng trên lưng những chú voi, chúng tôi được đưa đến khu bày bán hàng lưu niệm.

Đúng là xứ sở của voi nên trên bất cứ mặt hàng, sản phẩm nào cũng đều có hình tượng voi cách điệu. Từ chiếc móc khóa, áo quần đến tranh, ảnh, tượng... Cả những cái nắp chai bia cũng được người ta tỉ mỉ vẽ lên đó một chú voi, nhìn rất thích mắt.

Cả một rừng voi, một thế giới của voi. Thế nhưng, chưa thú vị bằng việc người ta còn đem trưng bày bán cả một phòng tranh do những “họa sĩ” voi vẽ ra để bày bán. Mà giá cả chẳng hề rẻ chút nào: từ 700 baht đến 1.000 baht.

Cũng ở Trại voi này, chúng tôi bất ngờ vì gặp những chiếc xe bò kéo được đưa vào phục vụ khách ở đây. Mỗi chuyến 100baht. Thế mà những người khách Tây, người to con cứ lọ mọ, lóng ngóng tụt xuống, trèo lên ngồi trên những chiếc xe bò kéo này với vẻ thích thú ra mặt.

Một nhân viên ở đây cho biết, ngày thường, những chú bò dùng để cày kéo, nhưng có khách, chúng được đưa ra để làm du lịch. Có thể nói hơi quá, nhưng quả thật không có cái gì ở trên đất Thái Lan người ta không đem ra làm du lịch.

Đường đến “thủ phủ ma túy”

Bất cứ ai, hễ cứ nghe nói đến Tam giác vàng thì không thể ngồi yên. Khoảng nửa thế kỷ trước, Tam giác vàng, vùng đất rộng gần 200.000 km2 bao trùm lãnh thổ 4 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Mi-an-ma, đã xuất hiện với những danh xưng rùng rợn như: vùng đất chết chóc, “thủ phủ ma túy” của thế giới, xứ sở của “Hoàng tử chết” Khun Sa, nơi từng cung cấp ra thế giới hơn 70% ma túy.

Trước năm 1996, dưới sự điều hành của “Hoàng tử chết” Khun Sa, với đạo quân hàng chục ngàn tay súng thiện chiến, Tam giác vàng từng khiến cho các quốc gia ở đây điêu đứng và bất lực. Năm 1996, sau khi có sự trợ giúp của quốc tế và hậu thuẫn của Liên hiệp quốc, Chính phủ 3 nước Mi-an-ma, Thái Lan và Lào mới tiêu diệt được Khun Sa. Nói là tiêu diệt, song thực tế, Khun Sa đã đầu hàng Chính phủ Mi-an-ma.

Tuy Tam giác vàng chỉ nằm trên một phần lãnh thổ của Thái Lan (chủ yếu trên lãnh thổ Mi-an-ma-PV), thế nhưng, người Thái cũng không bỏ qua “miếng mồi béo bở” này để làm du lịch và thu hút khách du lịch. Người Thái đã đưa Tam giác vàng trở thành một địa chỉ, một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch của họ. Còn khách du lịch thì đổ về đây rầm rầm.

Giờ đây, tôi mới cắt nghĩa được lý do vì sao việc làm thủ tục tạm xuất cảnh trên đất Thái Lan lại dễ dàng như thế. Chỉ mất mươi phút, anh Dũng đã làm xong thủ tục cho 30 người chúng tôi tạm xuất cảnh trên đất Thái, để quá bộ sang bên kia lãnh thổ nước bạn Lào.

Mặc dù khách đến đây, chỉ để đi thuyền một đoạn trên dòng Mê-Nam (người Thái gọi là sông mẹ), thuộc sông Mê-Kông, chụp ảnh và chỉ để ngắm nhìn cái thẻo đất bé tẹo nổi lên giữa ngã ba sông (thẻo đất này cũng thuộc lãnh thổ Mi-an-ma-PV), nơi đánh dấu biên giới của 3 quốc gia láng giềng Thái Lan, Mi-an-ma và Lào (và cũng là khởi nguồn của tên gọi Tam giác vàng), rồi bình yên, thích thú thưởng lãm, hít thở bầu không khí trong lành giữa trùng điệp đồi núi xứ sở của “thần chết” một thời. Dịch vụ chỉ có thế thôi, mà người Thái cũng nghĩ ra được!

Song, chỉ chừng ấy vẫn chưa đủ. Trên hành trình đến xứ sở Tam giác vàng, người Thái cũng không quên dẫn dụ du khách ghé vào thăm một cơ sở chuyên chế biến mật ong. Mật ong thì ở nước ta cũng có đầy. Thế nhưng, người Thái bảo, mật ong ở đây là thứ mật ong thượng hạng và đặc biệt nhất thế giới. Bởi nó được chắt lấy từ những đàn ong sống trong những rừng cây thuốc phiện của xứ Tam giác vàng.

Để đánh tan mối hoài nghi của du khách, họ mang thứ mật ong này ra pha cho chúng tôi vừa thưởng thức vừa nghe họ giới thiệu. Mỗi lọ khoảng nửa lít có giá lên đến hơn 1 triệu đồng tiền Việt quy đổi. Song “trác tuyệt” nhất phải kể đến thứ sữa ong chúa của Tam giác vàng, họ bảo thế.

Thế là, nhân viên của cơ sở liền mang một lọ sánh vàng chứa thứ sữa ong chúa ấy và không quên “chua” thêm một câu rằng, chúng tôi là những vị khách may mắn, bởi loại này không phải lúc nào cũng có sẵn. Nói rồi cô cẩn thận múc một thìa nhỏ bỏ ra đĩa và đổ nước vào lắc nhẹ giữa “bàn dân thiên hạ”. Sữa ong chúa thứ thiệt ở đây là như thế, phải mất 3 đến 5 phút lắc đều tay mà sữa vẫn không tan ra, cô nói với giọng điệu tự hào.

Dịch vụ bò kéo xe ở Trại voi.
Dịch vụ bò kéo xe ở Trại voi.

Chưa hết, cô ta còn bảo, khi thứ sữa ong chúa ấy tan ra, nếu có kính hiển vi soi vào, trong bóng nước của nó còn thấy hiện ra hình dạng của cái tổ ong giữa rừng Tam giác vàng, nơi nó khởi nguồn. Thứ gì đặc biệt thì giá cả của nó cũng đặc biệt. Giá chào bán của nó, gấp rưỡi giá thứ mật ong thường ở trên kia. Và phía ngoài sảnh, người ta cũng không quên bày bán đầy các thực phẩm hoa quả dầm từ thứ mật ong “đặc biệt nhất thế giới” này.

Chạnh lòng...

Hôm ở Trại voi, chúng tôi vô tình gặp ông Surit Ekasit, một hướng dẫn viên đang hướng dẫn đoàn du khách Pháp. Ông nói tiếng Việt sỏi như một người Việt thực sự. Ông từng là một người lính tham chiến ở Việt Nam thời kỳ 1969-1970. Và sau này, khi giải ngũ, rồi về hưu vì biết được nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, nên ông được mời làm hướng dẫn viên du lịch. Mấy năm trước, có vài lần ông dẫn khách du lịch Pháp sang tham quan ở Việt Nam.

Ông bảo, đoàn khách của ông trên đường từ Nam ra Bắc chỉ dừng chân ở Huế, còn Quảng Bình thì chỉ đi ngang qua thôi. Lý do là vì trong lịch trình tour liên kết giữa công ty lữ hành của ông và phía đối tác Việt Nam không thấy có. Nói rồi ông còn bày tỏ thái độ tiếc nuối cho sự thiếu sót ấy. Nghe đến đây, tôi cảm thấy chạnh lòng, được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nhưng sự kết nối, chủ động kết nối với các tour du lịch trong nước, hoặc các tour du lịch quốc tế vẫn chưa được chú trọng.

Trong khi, bên cạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thì việc kết nối giữa các công ty lữ hành, điều hành tour để hút khách du lịch cũng là một kênh rất quan trọng. Nằm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, Quảng Bình với những danh thắng và tiềm năng du lịch vốn có, xứng đáng phải là trở thành một điểm dừng chân đặc biệt và là một điểm đến lưu trú không thể thiếu trên bản đồ du lịch nước ta.

Trông người mà ngẫm đến ta. Bấy lâu, ta đã “bắt được bệnh” của ngành du lịch rằng, vì sao giàu tiềm năng mà vẫn chưa đủ sức hấp dẫn với khách du lịch (!?!). Là vì vẫn còn đó, những “căn bệnh” trầm kha, mãn tính, như: thiếu quy hoạch, thiếu liên kết, thiếu tổ chức... và cả thiếu tính chuyên nghiệp nữa.

Sợ rằng nếu không giải quyết những “căn bệnh” trên thì tiếng tăm và tiềm năng lớn của “Vương quốc hang động” chỉ nằm trong biên giới lãnh thổ, còn với khách du lịch quốc tế thì chỉ đứng ở ngoài thòm thèm nhìn vào “mâm cỗ đầy” nhưng còn nhôm nhoam, dang dở?

Dương Công Hợp