.

Quảng Ninh: Hoàn thành thu hoạch vụ hè-thu trước mưa lũ

Thứ Năm, 21/09/2017, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Bà con các địa phương trong toàn huyện Quảng Ninh thực sự yên tâm bởi vụ hè-thu thu hoạch trọn vẹn, tránh hoàn toàn được mưa lũ nhờ cơ cấu bộ giống ngắn ngày đưa vào sản xuất với  100% diện tích.

Theo ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay, 100% diện tích lúa vụ hè-thu của huyện Quảng Ninh đã được thu hoạch. So với các năm 2015, 2016, vụ hè-thu 2017 năng suất lúa đạt không cao do bị ảnh hưởng sâu bệnh (46,5 tạ/ha, thấp hơn các năm trước 6-7 tạ/ha), nhưng bà con lại yên tâm, phấn khởi bởi thu hoạch trọn vẹn, tránh hoàn toàn được mưa lũ, giá lúa lại đang tăng. 

Ngay từ đầu vụ sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, động viên nông dân kịp thời gieo trồng vượt diện tích theo kế hoạch huyện giao với trên 3.370 ha (vượt 170 ha và đạt 100,97% KH). Các xã vượt kế hoạch gồm: Vạn Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh và Hàm Ninh, Vĩnh Ninh, Trường Xuân.

Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp từ khâu chọn giống thích hợp đến công tác bảo vệ thực vật; chú trọng diệt chuột và một số loại sâu bệnh gây hại. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung chỉ đạo đưa bộ giống ngắn và cực ngắn ngày vào sản xuất đạt 100% diện tích.

Nông dân huyện Quảng Ninh áp dụng cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất lúa.
Nông dân huyện Quảng Ninh áp dụng cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất lúa.

Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đã phối hợp các đơn vị cung ứng giống chuẩn bị đầy đủ các loại giống ngắn ngày, chủ lực, như: HT1, HT6, PC6, KD18, P6 đột biến... để phục vụ nhân dân sản xuất kịp thời, bảo đảm chất lượng; đồng thời, hỗ trợ 10.000 đ/kg đối với giống lúa P6 đột biến.

Tuy nhiên, khi lúa đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, thời tiết nắng mưa xen kẽ đã tạo điều kiện cho chuột và các loại sâu bệnh phát triển gây hại như: bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, bạc lá. Đặc biệt, rầy lưng trắng phát sinh gây hại trên diện rộng với mật độ cao. Một số diện tích bị chuột, ốc bươu vàng phá hoại..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng lúa.

Toàn huyện đã có 450 ha lúa bị rầy lưng trắng gây hại, mật độ rầy phổ biến từ 300-500 con/m2, có nơi trên 3.000 con/m2; tập trung các xã Hàm Ninh, An Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Vĩnh Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh... Vì vậy, một số diện tích cục bộ lúa đã bị ép vàng.

Trước tình hình đó, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chỉ đạo, đôn đốc bà con khẩn trương phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo thông báo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện. Trong đó, huyện Quảng Ninh đề nghị bà con thường xuyên kiểm tra đồng, đưa nước vào ruộng 3-5 cm, bón phân hợp lý, bón đón đồng kịp thời để lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi; đồng thời, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ... Nhờ vậy, đã hạn chế phần nào thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với lúa hè-thu trên toàn huyện.

Là một địa bàn vùng trũng nhất huyện, bà con xã Tân Ninh phấn khởi trông thấy. Bởi nỗi lo lớn nhất của chính quyền và nhân dân nơi đây là mưa lũ cuối vụ. Thế nhưng năm nay, vụ hè-thu nhờ cơ cấu giống phù hợp nên thu hoạch trọn vẹn, lại được nắng nên chất lượng lúa gạo tốt hơn.

Ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, toàn xã gieo cấy được trên 370 ha, tăng 22 ha so với kế hoạch. Khi lúa đến giai đoạn làm đòng, ngoài bị sâu bệnh thì một số diện tích bị chuột và ốc bươu vàng phá hoại, nên năng suất đạt thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, huyện cơ cấu đưa vào sản xuất giống tối ưu HT1 nên đã đẩy nhanh tiến độ và chất lượng lúa rất bảo đảm. Bà con trong toàn xã vui mừng vì đã hoàn thành những công đoạn cuối cùng trong thời tiết nắng ráo thuận lợi. Đặc biệt, năm nay, lúa bán được giá với 6.400đ/kg, tăng 400đ/kg so với năm trước.

Theo đánh giá chung, vụ hè-thu 2017 của huyện Quảng Ninh đạt  năng suất không cao, nhưng hiệu quả, chất lượng tốt. Với tổng sản lượng lúa đạt 15.340 tấn, Quảng Ninh tiếp tục tự tin với định hướng sản xuất hè-thu cho những năm tiếp theo.

H.Tr