.
Kỷ niệm 15 năm thành lập NHCSXH chi nhánh Quảng Bình (2002-2017):

Hành trình 15 năm gắn kết hộ nghèo

Thứ Ba, 19/09/2017, 14:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội, 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Quảng Bình đã chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hàng nghìn lượt hộ dân, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa biên giới ở Quảng Bình...

>> Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Ba Đồn: Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

NHCSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, trên cơ sở tổ chức lại hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Theo đó, NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình cũng chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 29-3-2003 theo Quyết định số 46/QĐ-HĐQT ngày 14-1-2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH. Tổng nguồn vốn tính đến 30-6-2017 là 2.759 tỷ đồng, tăng 2.593 tỷ đồng so với ngày đầu thành lập (+15,6 lần), tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm là 23,5%.

Trong 15 năm qua, NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình đã tăng cường thực hiện có hiệu quả huy động vốn tại địa phương, trong đó chú trọng huy động tiền gửi tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn huy động từ dân cư tại điểm giao dịch xã.

Hiện nay, chương trình tiền gửi tại các điểm giao dịch xã đã huy động 21,6 tỷ đồng.
Hiện nay, chương trình tiền gửi tại các điểm giao dịch xã đã huy động 21,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, Ngân hàng đã chỉ đạo và thực hiện tốt công tác giải ngân nhanh, đúng quy trình, đúng đối tượng, bảo đảm ngày càng nâng cao chất lượng tín dụng, nhờ vậy đã tranh thủ được nhiều kênh vốn từ Trung ương để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Nguồn vốn tăng trưởng hàng năm đã được Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phân giao nhanh, kịp thời, phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo của tỉnh; ưu tiên vốn cho các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ hộ nghèo còn cao và các đối tượng chính sách chưa được vay vốn NHCSXH, vùng bị thiệt hại do thiên tai trong năm. Hiện, nguồn vốn tín dụng ưu đãi bình quân đạt 17,4 tỷ đồng/xã, phường, thị trấn, tăng 16,6 tỷ đồng so với thời điểm thành lập.

Có thể nói, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình đã có 18 chương trình tín dụng. Các chương trình tín dụng đã được tổ chức thực hiện kịp thời và đúng chính sách, chế độ.

Kết quả, trong 15 năm, doanh số cho vay đạt 6.578 tỷ đồng với 451.799 lượt khách hàng được vay vốn, bình quân cho vay 14,6 triệu đồng/khách hàng; doanh số thu nợ các chương trình tín dụng đạt 4.051 tỷ đồng. Đến ngày 30-6-2017, tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt 2.711 tỷ đồng, tăng 2.550 triệu đồng (+15,8 lần) so với ngày đầu thành lập, với 109.205 khách hàng dư nợ, bình quân dư nợ 24,8 triệu đồng/khách hàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình cho biết, trong 15 năm qua, cùng với việc tăng thêm các chương trình tín dụng, đối tượng thụ hưởng cũng đa dạng hơn, cơ cấu sử dụng vốn đã có thay đổi. Đến ngày 30-6-2017, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 665,5 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng 24,6% tổng dư nợ (những năm đầu mới thành lập chương trình này chiếm trên 80% tổng dư nợ); Cho vay hộ cận nghèo 783,9 tỷ đồng, chiếm 28,9% tổng dư nợ; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 307,9 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng dư nợ...

Như vậy, với sự ra đời và hoạt động của NHCSXH, các đối tượng cho vay đã được mở rộng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhiều đối tượng trên các lĩnh vực học tập, tạo công ăn việc làm, xuất khẩu lao động, cải thiện điều kiện sinh hoạt... Đây là những chương trình cho vay được các cấp chính quyền và nhân dân nhiệt tình đón nhận.

15 năm qua, đã có 451.799 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn và vốn tín dụng chính sách của NHCSXH. NHờ đó, nguồn vốn đã giúp trên 150.000 lượt hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 785.000 lượt lao động; gần 72.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng hơn 118.000 công trình công trình nước sạch và vệ sinh, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao sức khỏe cho hơn 61.000 hộ dân; tạo điều kiện cho hơn 6.000 lao động vay vốn đi xuất khẩu...

Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện..., tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Có thể khẳng định, tín dụng ưu đãi là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua NHCSXH, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo. Đồng thời, tín dụng ưu đãi phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng...

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để tăng cường bổ sung nguồn vốn Ngân sách địa phương ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đặc biệt, Ngân hàng đề xuất HĐND, UBND các cấp tiếp tục bổ sung nguồn vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay theo Nghị quyết HĐND các cấp.

Hiền Phương