.

Chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực du lịch

Thứ Tư, 27/09/2017, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Mục tiêu phát triển du lịch của Quảng Bình đến năm 2020 là đón 5,5 triệu lượt khách, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động, trong đó có 15.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, việc đào tạo, nâng cao năng lực nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 4.000 lao động trực tiếp và 8.300 lao động gián tiếp tham gia trong các hoạt động dịch vụ du lịch. Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nhân lực du lịch đã được các cấp, các ngành và doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề, ngoại ngữ với hình thức đào tạo mới và đào tạo bồi dưỡng.

Năm 2015 và 2016, Sở Du lịch đã phối hợp với Tổng cục Du lịch, dự án EU tổ chức nhiều khóa tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng dân cư khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng; tập huấn về quản lý khách sạn theo tiêu chuẩn VTOS; tập huấn kinh doanh lưu trú tại nhà dân cho các đơn vị được giao khai thác các tuyến du lịch, các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại khu vực huyện Bố Trạch, huyện Minh Hóa...

Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển khách du lịch; lớp tập huấn định kỳ hướng dẫn viên du lịch.

Sở phối hợp với Trường trung cấp Du lịch, Công nghệ số 9 tổ chức đào tạo các lớp nghề lễ tân buồng và phục vụ nhà hàng cho nhân viên tại các cơ sở lưu trú và nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đây là hoạt động góp phần từng bước chuyên nghiệp hóa nhân lực ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh điểm đến Quảng Bình an toàn, thân thiện và mến khách.

Khách sạn Gold Coast luôn chú trọng việc tuyển chọn, đào tạo nhân viên.
Khách sạn Gold Coast luôn chú trọng việc tuyển chọn, đào tạo nhân viên.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch, Công nghệ số 9 cho biết: “Học viên khi tham gia các khóa học tại trường, ngoài việc được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng nghề liên quan đến công việc còn được hướng dẫn việc nhận biết những biểu hiện tâm lý của khách du lịch, kỹ năng giao tiếp với du khách... Qua đó, các học viên được nâng cao thêm kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu công việc của mình”.

Cùng với nỗ lực của tỉnh, các cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh cũng đã có nhiều hình thức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quảng Bình hiện có 79 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-5 sao, đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp sẽ là cơ sở tạo nên thương hiệu và uy tín cho các cơ sở lư trú. Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng bộ phận Hành chính-Nhân sự, Khách sạn Gold Coast (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới), cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên tuyển dụng những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động du lịch, tốt nghiệp các trường đào tạo du lịch chính quy.

Tuy nhiên, để có được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, sau khi tuyển dụng, chúng tôi vẫn tiếp tục mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, theo thực tế công việc hàng ngày của mỗi người. Hiện, hầu hết các nhân viên của khách sạn đều có các chứng chỉ nghiệp vụ, khả năng giao tiếp tiếng Anh khá, trình độ đại học đạt khoảng 30%...”.

Công ty TNHH MTV Oxalis với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, uy tín, Oxalis đã mang đến sự hài lòng cho rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: “Công ty hiện có 170 nhân viên, trình độ đại học chiếm 70%, biết tiếng Anh 60%.

Ngoài ra, công ty còn tuyển dụng thường xuyên 350 porter cho vùng Phong Nha (huyện Bố Trạch) và Tân Hóa (huyện Minh Hóa), các porter đều được đào tạo tiếng Anh căn bản. Với tỷ lệ khách trong nước là 15%, 85% khách quốc tế, đòi hỏi lực lượng nhân sự của Công ty phải luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu trong kinh doanh, đồng thời bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hàng năm, công ty dành ra 2 tháng để tập trung đào tạo, tái đào tạo cho nhân viên, thuê các giảng viên trong nước và quốc tế về đào tạo theo chủ đề phù hợp với tính chất công việc của từng bộ phận trong Công ty”. Ông Á cũng cho biết, hiện nay, du lịch Quảng Bình đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là nhóm khách du lịch nước ngoài.

Theo khảo sát của Oxalis, năm 2012, tỷ lệ khách nước ngoài lưu trú tại Quảng Bình là 0,8 đêm, nhưng hiện nay là 2,6 ngày. Các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn được đưa vào khai thác dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành du lịch rất cao.

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực địa phương chưa bảo đảm, các cơ sở đào tạo địa phương chưa thể cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, buộc ngành du lịch tỉnh cần liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ở các thành phố lớn khác, nơi có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Theo đánh giá của ông Hà Minh Tuân, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Du lịch), nhân lực du lịch có vai trò then chốt, quyết định sự phát trrển của doanh nghiệp cũng như hướng đến sự chuyên nghiệp của du lịch tỉnh nhà. So với những năm trước đây, hiện nay công tác đào tạo nhân lực, nguồn nhân lực du lịch được Sở Du lịch đặc biệt chú trọngvà triển khai, phối hợp thực hiện khá đồng bộ. Việc xây dựng chiến lược dài hạn và thực hiện các kế hoạch, chương trình tập huấn, đào tạo trong từng giai đoạn cụ thể đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, lực lượng lao động của ngành du lịch hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập. Chất lượng đội ngũ lao động du lịch ở một số nơi vẫn còn thấp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc. Các ngành, địa phương mới chỉ quan tâm đến đào tạo, nâng cao chất lượng lao động trực tiếp, việc đào tạo lao động gián tiếp còn bỏ ngõ. Tình trạng “nhảy việc” của nhân viên lành nghề giữa các cơ sở du lịch trong tỉnh, giữa tỉnh ta và tỉnh bạn cũng gây khó khăn cho việc phát triển ổn định của doanh nghiệp...

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 đã xác định, cần từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, các cơ sở đơn vị kinh doanh du lịch; tăng cường đầu tư của nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, gắn công tác đào tạo với nhu cầu xã hội cần từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch phù hợp với chuẩn của khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên bán hàng, nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng tại các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch...

Cát Nhiên