.

Bố Trạch: Khi kinh tế trang trại tăng tốc

Thứ Năm, 07/09/2017, 15:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Kinh tế trang trại được xem là một trong những thế mạnh của huyện Bố Trạch. Năm 2017, kinh tế trang trại ở Bố Trạch đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, dần đưa sản xuất nông nghiệp từ quy mô nhỏ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn hơn và gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu cho người nông dân.

Thời gian qua, ngoài các chính sách hỗ trợ chung của tỉnh, UBND huyện Bố Trạch đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, như: đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Bố Trạch giai đoạn 2014 - 2020; đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 3; đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi thủy sản giai đoạn 2016 - 2020.

Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân huyện Bố Trạch luôn tích cực vận động hội viên và nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết; thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm khuyến nông huyện mở các lớp dạy nghề trồng nấm, nghề trồng và khai thác mũ cao su; nghề chăn nuôi thú y; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... cho hàng ngàn lượt hội viên nông dân.

Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Công thương Việt Nam tư vấn hướng dẫn nông dân tiếp cận với chính sách hỗ trợ vay vốn theo Quyết định 68/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP nay là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Tính đến hết tháng 6-2017, toàn huyện Bố Trạch có 482 trang trại, bao gồm 359 trang trại tổng hợp, chiếm hơn 74%; 79 trang trại chăn nuôi, chiếm hơn 16%; 33 trang trại nuôi trồng thuỷ sản, chiếm gần 7%; 11 trang trại trồng trọt, chiếm trên 2%. Tổng diện tích đất trang trại sử dụng là 2.967,7 ha. Quy mô của các trang trại không ngừng được mở rộng theo hướng hiện đại hóa, đến nay tổng vốn đầu tư của các trang trại đạt trên 216 tỷ đồng.

Kinh tế trang trại ở Bố Trạch kỳ vọng sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Kinh tế trang trại ở Bố Trạch kỳ vọng sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Năm 2016, thu nhập bình quân của 1 trang trại gần 276 triệu đồng, tăng 23,3 triệu đồng so với năm 2011. Tổng số lao động các trang trại sử dụng là 4.523 lao động (trong đó: 3.231 lao động mùa vụ, 1.292 lao động thường xuyên). Số lao động đã qua đào tạo là 429 lao động, chiếm tỷ lệ gần 9,5%.

Nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trung bình mỗi trang trại chỉ sử dụng 6,2 lao động, với mức lương bình quân mỗi lao động thường xuyên đạt 8 triệu đồng/tháng, lao động không thường xuyên đạt 6 triệu đồng/tháng, lao động thuê ngoài mùa vụ đạt 200.000 đồng/người/ngày.

Đặc biệt, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Bố Trạch đã phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và trên tất cả các vùng: miền núi, gò đồi, đồng bằng, ven biển. Nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành, như: vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, vịt và tôm, cua xuất khẩu.

Hiện nay, các trang trại trên địa bàn huyện đã bước đầu xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân giảm rủi ro trong sản xuất và phần nào giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Tiêu biểu như: mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Hòa Trạch; mô hình trồng tiêu sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel ở thị trấn Nông trường Việt Trung. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp ở Bố Trạch: Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam với mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô 1.000 lợn thịt/lứa; Dự án chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát với quy mô 29.000 con; Dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà với quy mô 100.000 con...

Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Hội Nông dân các cấp, các trang trại trên địa bàn huyện Bố Trạch đã có sự liên kết với nhau bằng hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện nay, toàn huyện có 27 tổ hợp tác, hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, kinh tế trang trại ở Bố Trạch hiện vẫn đang tồn tại một số khó khăn, như: trình độ, năng lực quản lý, tiếp cận thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất của một số chủ trang trại còn hạn chế; thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, vì vậy sản phẩm làm ra còn chủ yếu phụ thuộc thị trường, chứa đựng nhiều rủi ro, giá cả bấp bênh, không ổn định.

Tình hình dịch bệnh thường xuyên diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất ngày càng tăng cao, gây khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của trang trại. Đa phần các trang trại ở Bố Trạch hiện nay đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương.

Bằng những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp lý, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ban, ngành, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp và nỗ lực của các chủ trang trại, người lao động, trong thời gian tới hy vọng, kinh tế trang trại ở Bố Trạch sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, giải quyết việc làm và làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở địa phương.

Tiến Thành
(Đài TT-TH Bố Trạch)