.

Quảng Trạch: Xây dựng nông thôn mới kết hợp phòng tránh thiên tai

Thứ Hai, 21/08/2017, 14:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, bộ mặt nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của người dân các làng quê ở huyện Quảng Trạch đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, ở các xã thường phải đối mặt với thiên tai, ngày càng có thêm nhiều công trình kết cấu hạ tầng kiên cố, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống thiên tai. Xây dựng xã nông thôn mới, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng vùng, miền là yếu tố đang được cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Quảng Trạch quan tâm nhằm giúp người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Thôn Trung Tiến, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch có trên 270 hộ với gần 980 khẩu. Do địa hình thấp lại nằm ven sông Gianh, nên hàng năm, người dân thôn Trung Tiến thường phải đối mặt với các trận lũ. Lũ trên sông Gianh đoạn qua xã Phù Hóa thường dâng cao đột ngột, chảy xiết, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa đến tính mạng của người dân.

Chính vì điều đó, khi triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ về đích, xã Phù Hóa đã chú trọng xây dựng các công trình kiên cố, cao tầng.

Đây cũng là nguyện vọng của người dân ở địa phương, như: trụ sở xã, trường tiểu học, trường THCS, trạm y tế... Theo kế hoạch, thời gian tới xã sẽ tiếp tục triển khai xây dựng một số công trình kiên cố, cao tầng khác. Các công trình này ngoài thực hiện chức năng chính, vào mùa mưa bão, đây là nơi để chính quyền và người dân thực hiện phương án di dời tại chỗ trong phòng, chống thiên tai. 

Do khó khăn trong huy động nguồn lực để thực hiện kiên cố hóa và cao tầng hóa các công trình nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Phù Hóa đã có chủ trương không thực hiện dàn trải các công trình và không đẩy nhanh tiến độ bằng mọi giá mà chú trọng chất lượng công trình cũng như đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và chú trọng đến chức năng hỗ trợ, giúp người dân phòng, chống thiên tai.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch cho biết: Sống chung với lũ, nên với xã Phù Hóa, điều kiện để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình là phải bảo đảm kiên cố, đặc biệt là hệ thống giao thông. Bê tông phải đổ dày trên 20cm. Đối với các công trình xây dựng, nhà phải kiên cố, hai tầng trở lên để phòng, chống bão lũ.

Xã Quảng Liên là địa phương được chọn để phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2017 của huyện Quảng Trạch. Đến nay, các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Liên cơ bản đã đạt được. Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền đã tích cực phát huy các tiềm năng thế mạnh của địa phương. Xã đã huy động được gần 20 tỷ đồng nguồn lực hỗ trợ của trung ương, tỉnh và huyện và sự nhiệt tình ủng hộ, tự nguyện hiến đất, tài sản, ngày công lao động với tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng để xây dựng các công trình dân sinh.

Một yếu tố được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm trong quá trình thực hiện đó là chú trọng kiên cố hóa các công trình vừa bảo đảm tính bền vững của nông thôn mới, vừa tạo thêm các điểm tránh bão, lũ cho người dân. Vào những ngày đầu tháng 8 này, xã Quảng Liên đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình trước khi mùa mưa lũ đến.

Quảng Trạch là địa phương thường phải hứng chịu nhiều thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Trong đó, các xã nằm ven sông Gianh, như: Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Liên, Quảng Trường, Quảng Thanh, thường chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Trong khi đó, các xã ven biển Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Đông phải gánh chịu nhiều thiệt hại trong mùa mưa bão. Chính vì vậy, việc xây dựng các công trình cao tầng, kiên cố ngoài việc đáp ứng các tiêu chí của nông thôn mới, còn có tác dụng giúp người dân phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn.

Minh Phong
(Đài PT-TH Quảng Bình)